Tìm lời giải thỏa đáng bài toán lương cho công nhân

Người lao động làm việc tại Công ty Dệt Hopex (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ảnh: VĂN THI.
Người lao động làm việc tại Công ty Dệt Hopex (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ảnh: VĂN THI.

Lương tăng nhưng chưa bảo đảm cuộc sống

Để bảo đảm cuộc sống cho NLĐ, từ năm 2013 đến nay, hằng năm Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với vai trò là thành viên của HĐTL quốc gia đã phân tích, đánh giá thực tế, thương lượng, thống nhất phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và khuyến nghị với Chính phủ công bố mức điều chỉnh. Cụ thể, năm 2014 mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 15,2%; năm 2015 là 14,2%, năm 2016 là 12,4%; năm 2017, 2018 và 2019 lần lượt tăng bình quân 7,3%; 6,5% và 5,3%. Rõ ràng nhìn từ những con số trên cho thấy lương tối thiểu vùng hằng năm đều tăng, tuy nhiên, thực tế để NLĐ có thể sống được bằng lương vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Kết quả khảo sát, tổng kết của tổ chức công đoàn năm 2018 cho thấy, thu nhập bình quân của NLĐ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, phần lớn NLĐ cho biết vẫn gặp khó khăn bởi tiền lương không đủ chi phí cuộc sống.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Điều 91 của Bộ luật Lao động quy định, để xác định tiền lương tối thiểu thì phải căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Trong đó nhu cầu sống tối thiểu được xác định bằng các tiêu chí, như: Nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu cầu phi lương thực, thực phẩm và nhu cầu nuôi con. Tuy nhiên, theo ông Quảng, do không có công thức tính chung, nên hằng năm mỗi cơ quan lại đưa ra một số liệu về nhu cầu sống tối thiểu khác nhau. Đây cũng là khó khăn chung cho HĐTL trong quá trình đàm phán, thương lượng mức lương tối thiểu hằng năm. Ví dụ, năm 2018, bộ phận kỹ thuật của HĐTL quốc gia và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra con số về mức sống tối thiểu chênh nhau khoảng 300.000 đồng.

Coi trả lương là động lực phát triển

Thực tế nhiều năm qua, vấn đề tiền lương không đủ sống đã dẫn đến những bức xúc không đáng có làm giảm hiệu suất lao động. Vào mỗi mùa “thương lượng” tiền lương tối thiểu của HĐTL quốc gia, câu chuyện này đều được đem ra thảo luận, phân tích và đàm phán. Song, do nhiều nguyên nhân, đến nay câu chuyện NLĐ chưa thể sống được bằng lương cũng được giới chủ sử dụng lao động thừa nhận. Đơn cử, với mức tăng lương tối thiểu năm 2019, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dù hầu hết các doanh nghiệp đều triển khai thực hiện tăng lương cho NLĐ, nhưng với mức tăng là 5,3% cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 95% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Để bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW là đến năm 2020, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, các chuyên gia cho rằng, HĐTL quốc gia phải sớm đánh giá mức sống tối thiểu, điều kiện sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để đề xuất với Chính phủ phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu cho năm 2020.

Bà Đinh Hà An, quản lý Chương trình Quyền lao động, Trung tâm Phát triển và Hội nhập đề xuất: “Cần thiết kế chính sách để tiền lương thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình người hưởng lương. Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của NLĐ”.

Còn ông Lê Đình Quảng cho rằng, tới đây quá trình đàm phán và xác định lương tối thiểu vùng cho năm 2020 sẽ phải xác định rõ các nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ để làm căn cứ tính lương tối thiểu. “Việc xác định mức sống tối thiểu hằng năm luôn gây tranh cãi và chưa có hồi kết. Do đó, cần phải có một cơ quan duy nhất có trách nhiệm công bố chính thức, nhằm tránh việc tranh cãi không cần thiết”, ông Quảng nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu, một số yếu tố thường được cân nhắc như tốc độ tăng trưởng GDP, mức độ quan trọng của mỗi yếu tố thay đổi theo thời gian và ở các nước khác nhau, phụ thuộc vào bối cảnh quốc gia và các giai đoạn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có một công thức chung đó là: Chính phủ và các đối tác xã hội cần thiết phải xây dựng một tầm nhìn chính sách dài hạn về vai trò của tiền lương tối thiểu, đồng thời chú trọng xây dựng sự đồng thuận về công thức điều chỉnh lương tối thiểu.

Theo QĐND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.