Tìm hướng đổi mới Giáo dục địa phương

GD&TĐ - Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức hội thảo “Thiết kế và quản lý chương trình Sinh học, Công nghệ Nông nghiệp, Địa lí nội dung giáo dục địa phương tiếp cận chuẩn đầu ra” nhằm hướng dẫn dạy học, giao quyền tự chủ, phát huy tính sáng tạo của giáo viên và cán bộ quản lý, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

Hội thảo "Thiết kế và quản lý chương trình Sinh học, Công nghệ Nông nghiệp, Địa lí nội dung giáo dục địa phương tiếp cận chuẩn đầu ra" do ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Trị tổ chức
Hội thảo "Thiết kế và quản lý chương trình Sinh học, Công nghệ Nông nghiệp, Địa lí nội dung giáo dục địa phương tiếp cận chuẩn đầu ra" do ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Trị tổ chức

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đưa ra nhằm tổ chức tốt việc đổi mới trong bộ môn giáo dục của địa phương bởi khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, sẽ có 20% thời lượng dành cho nội dung Giáo dục địa phương (GDĐP), trong đó khoảng 10% chương trình của Sở và 10% chương trình của nhà trường. Nội dung giáo dục bắt buộc của địa phương là 35 tiết/lớp/năm học.

Ở cấp Trung học phổ thông, nội dung GDĐP được tổ chức dưới hình thức chủ đề. Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục hướng nghiệp có 105 tiết/lớp/năm học.

Riêng đối với thực hiện nội dung giáo dục địa phương được hướng dẫn tại công văn số 5977/BGDĐT-GDTrH ngày 07/7/2008 về việc Hướng dẫn thực hiện nội dung GDĐP ở cấp THCS và cấp THPT từ năm học 2008-2009. Nội dung GDĐP vừa phải thực hiện mục tiêu môn học, gắn lý luận với thực tiễn đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề của địa phương.

Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Cụ thể, cấp tiểu học được gọi là Hoạt động trải nghiệm, trung học cơ sở và trung học phổ thông được gọi là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. 

Có thể thấy rằng, thực tiễn tổ chức hoạt động giáo dục hiện nay tại tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện nhiều đơn vị giáo dục, cá nhân có cách làm hay và sáng tạo, nhiều mô hình giáo dục giàu tính nhân văn, có ý nghĩa thiết thực.

Đối với giáo dục THPT, chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tiếp tục phát triển những phẩm chất và năng lực đã hình thành từ giai đoạn giáo dục cơ bản thông qua hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng và hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhưng tập trung cao hơn vào việc phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp.

Đây là chương trình mở, linh hoạt, thể hiện ở chỗ chương trình không quy định chi tiết về các chủ đề hoạt động mà chỉ đưa ra những gợi ý về các mạch nội dung cần giáo dục cho học sinh, tạo độ mở để tác giả biên soạn tài liệu hướng dẫn chủ động sáng tạo.

Trong khi đó, cơ sở giáo dục và giáo viên lựa chọn hình thức, không gian, thời gian hoạt động sao cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu giáo dục và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực đối với mỗi lớp học, cấp học.

Theo đánh giá, hiện tại một số môn học chưa xây dựng được chương trình và chưa có tài liệu hướng dẫn nội dung GDĐP. Các tài liệu GDĐP đã biên soạn, chủ yếu biên soạn đơn môn, thiếu các chuyên đề tích hợp liên môn cần phải điều chỉnh, bổ sung theo định hướng tài liệu hướng dẫn dạy học phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, giao quyền tự chủ, phát huy tính sáng tạo của giáo viên và cán bộ quản lý.

Ts. Lê Thị Hương, giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, từ những ý kiến của cơ sở sẽ giúp ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Trị có góc nhìn chính xác đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động dạy học GDĐP thông qua đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ