Tìm giải pháp thu hút giảng viên ĐH tham gia NCKH

Tìm giải pháp thu hút giảng viên ĐH tham gia NCKH
(GD&TĐ)-Thực trạng thu hút giảng viên ĐH tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ; giải pháp nhằm tạo động lực cho giảng viên ĐH tham gia các hoạt động trên là hai vấn đề chính được bàn thảo tạo Hội thảo “Giải pháp tạo động lực cho giảng viên ĐH tham gia NCKH và chuyển giao công nghệ diễn ra hôm nay (18/12) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý.
Các đa
Hội thảo “Giải pháp tạo động lực cho giảng viên ĐH tham gia NCKH và chuyển giao công nghệ. Ảnh: gdtd.vn

Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ GD&ĐT, trong thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ của các trường ĐH ngày càng được đẩy mạnh. Các trường đã xác định rõ hai nhiệm vụ chính của nhà trường là đào tạo và NCKH gắn NCKH với đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ. Những đổi mới về quản lý hoạt động khoa học công nghệ đã bước đầu tạo ra những cơ hội mới, những điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ của các trường phát triển..

Tính chung trong giai đoạn 2006-2009, tổng kinh phí đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước tăng trung bình 25%/năm, gấp 3 lần mức tăng tổng kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ

Theo tổng hợp từ báo cáo của 34 trường ĐH, từ năm 2006 đến 2009, có tổng số 248 đề tài cấp nhà nước với tổng kinh phí thực hiện là 136.066,3 triệu đồng; 1.823 đề tài cấp Bộ với kinh phí 185.832,5 triệu đồng; 5.505 đề tài cấp trường với kinh phí 53.317 triệu đồng.

Cũng trong khoảng thời gian này, theo số liệu báo cáo của 8 trường ĐH thuộc khối nông – lâm – ngư – y, số nhiệm vụ chuyển giao công nghệ đã được triển khai là 311 với kinh phí thực hiện khoảng 96,9 tỷ đồng. Con số này ở 8 trường ĐH thuộc khối kỹ thuật công nghệ là 1.677 với kinh phí thực hiện khoảng 402,8 tỷ đồng… Tỷ lệ chung giảng viên tham gia chuyển giao công nghệ của các trường đã báo cáo giao động từ 1,43% đến 9,91%. Tỷ lệ này thấp nhất là ở 7 trường ĐH trực thuộc UBND tỉnh và cao nhất là 5 trường ĐH thuộc khối kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ ở các trường ĐH vẫn còn một số hạn chế. Thời gian dành cho NCKH còn chưa thoả đáng do các giảng viên dành phần lớn thời gian cho giảng dạy và các hoạt động khác để đáp ứng nhu cầu cuộc sống; hoạt động NCKH chưa gắn kết chặt chẽ với đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ; hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống chưa được đẩy mạnh; đóng góp của các trường ĐH vào tăng trưởng kinh tế còn khiêm tốn…
Thứ trưởng Trần Quang Quý (ngồi giữa) chủ trì hội thảo. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Trần Quang Quý (ngồi giữa) chủ trì hội thảo. Ảnh: gdtd.vn

Để tạo động lực cho giảng viên ĐH tham gia NCKH và chuyển giao công nghệ, ba nhóm giải pháp đã được đưa ra. Đó là: Đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng kế hoạch khoa học công nghệ; đổi mới công tác tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ; khen thưởng và vinh danh các giảng viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng khẳng đinh, hoạt động khoa học công nghệ của các trường ĐH trong thời gian qua đã có khởi sắc và hỗ trợ lớn cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Kết quả này đã giúp cho các giảng viên nâng cao trình độ, cải thiện đời sống; đồng thời đóng góp cho nhà trường để đưa vào quỹ phúc lợi chung và tái đấu tư hoạt động khoa học công nghệ của mình.

Để tăng cường hoạt động này, bên cạnh 3 giải pháp đã nêu ra ở trên, Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng lưu ý thêm giải pháp tăng cường các nguồn lực từ doanh nghiệp, địa phương và đặc biệt là từ hợp tác quốc tế. Thứ trưởng cho rằng, để đẩy mạnh công tác NCKH và tạo động lực cho giảng viên cần thay đổi được nhận thức của nhà trường và của từng giảng viên. Bên cạnh vấn đề cơ chế chính sách, Thứ trưỏng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; vấn đề đổi mới công tác quản lý về khoa học và công nghệ…
Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ