(GD&TĐ) - Tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,… các trường tư thục bậc THPT cũng được các bậc cha mẹ quan tâm khi chọn trường cho con em mình, ở Thanh Hóa các trường tư thục đang gặp nhiều khó khăn, cần sự quan tâm chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng và của cả xã hội.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có tất cả 8 trường THPT tư thục (gọi tắt là trường tư thục) gồm: Trường THPT Lý Thường Kiệt, Đào Duy Anh, Trường Thi (đều đóng tại thành phố Thanh Hóa), Triệu Sơn (huyện Triệu Sơn), Nông Cống (huyện Nông Cống), Hoằng Hóa (huyện Hoằng Hóa), Đông Sơn (huyện Đông Sơn), Nguyễn Huệ (huyện Quảng Xương). Hiện, các trường này gặp nhiều khó khăn do số lượng HS rất ít làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa năm học 2012 - 2013, Trường THPT Trường Thi có 380 HS (khối lớp 10: 107 HS, khối 11: 169, khối 12: 104), Trường THPT Nông Cống có 465 HS (theo tỷ lệ: 138 - 186 - 141). Đáng lo ngại nhất là Trường THPT Đào Duy Anh chỉ có tổng là 108 học sinh (28 - 39 - 31).
Qua kiểm tra đánh giá chất lượng hàng năm của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, các trường tư thục có đầy đủ cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ nâng cao chất lượng dạy và học, có đội ngũ giáo viên chuyên môn tốt. Vậy, vì sao các trường tư thục lại không thu hút được HS?
Trường THPT Trường Thi, thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh |
Ông Hoàng Tiến Hiện, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Các trường THPT công lập và tư thục trong tỉnh đều được quan tâm và đối xử công bằng với những chính sách hỗ trợ chuyên môn. Tuy nhiên, số lượng lớp học ngày càng bị thu hẹp là tình trạng chung của tất cả các trường vì dân số dần ổn định. Nhưng đối với các trường tư thục, số lượng học sinh lại quá ít. Nhiều người cho rằng, học lực yếu thì mới phải học trường tư thục. Mặt khác, do chỉ tiêu của Sở GD&ĐT đưa ra cho các trường tư thục còn thấp, khoảng 80% vào công lập và chỉ còn 20% vào tư thục, dạy nghề… dẫn đến các trường tư thục không có đủ HS để tuyển. Đồng thời, bản thân các trường tư thục cũng chưa có biện pháp chính sách thu hút học sinh, tạo niềm tin đối với xã hội.
Các trường tư thục phải tự hoạt động độc lập nên việc số lượng học sinh ít cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động của trường như: đời sống giáo viên khó khăn, kinh phí cho việc tổ chức các hoạt động khác cho HS bị hạn chế...
Bên cạnh cố gắng của các trường về nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường các biện pháp thu hút học sinh, UBND tỉnh cùng với Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đang chung tay để cùng xây dựng một nền giáo dục toàn diện, đồng bộ, thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục.
Ông Hoàng Tiến Hiện cho biết thêm, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đang đưa ra các giải pháp hỗ trợ các trường tư thục như: Chỉ đạo chuyên môn để nâng cao chất lượng dạy học; xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm học 2013 - 2014, thực hiện phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS. Theo đó các trường công lập sẽ tuyển khoảng 75% HS, còn lại 35% HS sẽ có lựa chọn vào các trường tư thục và học nghề. Điều quan trọng là phải thay đổi cách nhìn của xã hội, không nên xem trường tư thục là nơi tiếp nhận những học sinh yếu kém còn rớt lại.
Nguyễn Quỳnh