(GD&TĐ) – Hôm nay (7/3), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc tại tỉnh Kiên Giang. Chuyến công tác này Bộ trưởng đến thăm và tìm hiểu về tình hình GD, đời sống GD, đặc biệt là GD dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành nên bộ mặt giáo dục của tỉnh Kiên Giang có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên mỗi địa phương có thuận lợi và khó khăn đặc thù nên giáo dục vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ.
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm việc tại trường THCS Định Hòa (huyện Gò Quao) |
Giáo dục dân tộc chuyển biến đáng kể
Buổi sáng đoàn đã đến thăm Trường THCS Định Hòa là ngôi trường nằm ở vùng đồng bào dân tộc thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm khoảng 65,5% dân số. Theo báo cáo, trường có 2 điểm với tổng diện tích hơn 14.000 m2 với 26 phòng, số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên là 53 người. Năm học 2012-2013 trường có 18 lớp với 686 HS, kết thúc học kỳ 1 chất lượng giáo dục của học sinh được nâng lên đáng kể, tỷ lệ học sinh giỏi 6,7%, khá 28,5%, trung bình 57,7%, yếu 7,1%, không có học sinh kém.
Thầy Phạm Văn Út - Hiệu trưởng - cho biết: “Trường được đầu tư và đạt chuẩn quốc gia vào năm 2011. Đạt được kết quả trên trường đã có nhiều phấn đấu, nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp, đặc biệt là Bộ GD& ĐT. Thông qua chương trình mục tiêu, nhiều năm qua ngành giáo dục đã đầu tư kinh phí gần 1 tỉ đồng giúp trường trang bị thêm 1 phòng tin học, 1 phòng lab và các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, bàn ghế các phòng chức năng, hội trường… Ngoài ra, nguồn vốn địa phương hỗ trợ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đầu tư gần 1 tỉ đồng để xây mới phòng học, nhà vệ sinh, sửa chữa nâng cấp phòng học, phòng chức năng, sân bãi…”.
|
Bộ trưởng cùng đoàn công tác thăm hỏi GV, HS trường PT DTNT huyện Châu Thành |
Tại buổi làm việc, trường cũng đề xuất là hiện nay trường còn gặp khó về cơ sở vật chất. Bộ GD& ĐT và tỉnh Kiên Giang cần quan tâm đầu tư xây dựng thêm khoảng 12 phòng học và chức năng, 1 nhà đa năng và hội trường để đáp ứng nhu cầu dạy học. Quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học…
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ghi nhận những kết quả nhà trường đạt được trong thời gian qua. Trường có số lượng HS dân tộc chiếm đa số nhưng trường vẫn đảm bảo chất lượng và đảm bảo tỷ lệ huy động học sinh ra lớp. Kết quả thể hiện rõ nét nhất là có sự chuyển biến trong nhận thức của phụ huynh, đặc biệt trong việc chăm lo việc học của con em. Sau Tết trường đảm bảo sĩ số học sinh, đây là kết quả đáng ghi nhận của trường…
Bộ trưởng đã tặng quà lưu niệm cho tập thể thầy cô giáo và tham gia trồng cây lưu niệm tại trường.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Châu Thành. Đây là một trong 5 trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh Kiên Giang, mỗi năm trường đào tạo với quy mô từ 200 - 250 học sinh. Trường tuyển sinh dân tộc Khmer địa bàn huyện Châu Thành, An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng.
|
Bộ trưởng thăm hỏi các em HS dân tộc trường THCS Định Hòa |
Theo báo cáo, số lượng HS năm học 2012-2013 là 246 với 8 lớp từ khối 6 tới khối 9, trong đó có 203 em vào ở nội trú trong ký túc xá. Thầy Lý Hoa - Hiệu trưởng - cho biết: Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010, hiện có 28 cán bộ, giáo viên, về trình độ có 100% giáo viên đạt chuẩn.
Trường tổ chức dạy tiếng dân tộc cho tất cả học sinh khối 6 đến khối 9 với thời lượng 2 tiết/tuần để các em kịp với các HS phổ thông, trường tăng thêm từ 1 - 2 tiết các môn Tiếng Anh, Toán và Ngữ văn. Tính đến học kỳ 1 năm học 2012-2013, tỷ lệ học sinh giỏi của trường đạt 5,3%, khá 35%, trung bình 50,4%, yếu 9,3%, kém 0,8%.
Theo thầy giáo Lý Hoa, vừa qua trường được Sở GD&ĐT đầu tư xây mới 2 phòng bộ môn và 1 nhà ăn tập thể cho HS. Tuy nhiên, trường gặp khó khăn trong đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ bếp ăn tập thể phục vụ tốt hơn đời sống nội trú cho các em. Đặc biệt nhà ở ký túc xá của trường xây dựng lâu năm nên đã xuống cấp. Sân trường thấp và hệ thống thoát nước đã hư hỏng. Chưa có hệ thống nước sạch để đảm bảo phục vụ cho các em…
Cũng trong buổi sáng, Bộ trưởng cũng đã đến thăm Phân hiệu trường ĐH Nha Trang tại Kiên Giang. Trường hiện đang trong quá trình xây dựng, thời gian qua trường đã đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực và tổ chức nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung cấp các dịch vụ chuyên môn, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản.
|
Bộ trưởng trồng cây lưu niệm tại trường THCS Định Hòa |
Chung tay tháo gỡ cho vùng khó
Chiều cùng ngày Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang. Tại buổi làm việc đoàn công tác đã nghe báo cáo về tình hình GD& ĐT của địa phương
Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang - GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 610 trường, năm học 2012-2013 đã huy động được 11 ngàn lớp với 323 ngàn HS. Trong đó có 38.474 học sinh dân tộc (tỷ lệ 11,3%). Tỷ lệ học sinh bỏ học toàn tỉnh giảm so với năm học 2011-2012, cụ thể cấp tiểu học 0,08%, Trung học Cơ sở 0,12%, Trung học Phổ thông 0,09%.
Tuy nhiên mạng lưới trường lớp của Kiên Giang khá nhiều, nên việc đầu tư và công tác quản lý còn khó khăn, nhất là cấp học mầm non. Chất lượng giáo dục nâng lên nhưng không đồng đều, tỷ lệ HS bỏ học và HS yếu, kém vùng nông thôn vẫn còn…
Quy mô trường lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu nhưng còn phân tán và thiếu đồng bộ. Kiên cố hóa trường lớp và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên đến nay chỉ đạt khoảng 67%, số trường đạt chuẩn quốc gia còn ít (115/610 trường, đạt 19,5%). Tỉnh vẫn còn 60 xã, phường chưa có trường mầm non, hiện nay ngành phải bố trí 419 lớp mầm non học nhờ, học tạm trong các trường tiểu học.
|
Bộ trưởng tặng quà cho trường PT DTNT huyện Châu Thành |
Từ những khó khăn, vướng mắc, ngành Giáo dục Kiên Giang kiến nghị tăng biên chế cho các Sở và Phòng Giáo dục. Sớm sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp cho đội ngũ nhà giáo; Nên có tổng kết chương trình kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 và tiếp tục xây dựng chương trình phát triển trường lớp học phù hợp với thời kỳ mới.
Cần có cơ chế cấp bù học phí cho các trường tiểu học để đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và hoạt động chuyên môn của nhà trường. Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đề nghị miễn học phí đối với cấp học mầm non như cấp tiểu học…
“Cần phải quan tâm đến chính sách thu hút giáo viên, Kiên Giang có 15 xã đảo, trong đó có 7 xã đảo nằm độc lập nên rất khó khăn và không tuyển giáo viên được vì đảo nhỏ, chi phí tốn kém, thiếu điện, thiếu nước… nhưng hiện nay chính sách hỗ trợ xã đảo chưa đúng mức. Mong xã đảo được hưởng chính sách như vùng đặc biệt khó khăn” - Bà Nguyễn Thị Minh Giang cho biết.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, qua thực tế ở các cơ sở, thông tin từ địa phương cho thấy giáo dục Tây Nam Bộ, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang có bước tiến bộ đáng kể, đặc biệt là giáo dục dân tộc. Thể hiện ở số lượng và tỷ lệ huy động học sinh dân tộc đến trường ngày càng cao, tỷ lệ học sinh bỏ học - nhất là tỷ lệ học sinh bỏ học sau Tết - được kéo giảm.
Đây là nỗ lực lớn của ngành Giáo dục và kết quả chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội. Đặc biệt đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý được bổ sung, chất lượng đội ngũ cũng tăng lên.
Địa phương, trung ương đã và đang quan tâm đầu tư, như đầu tư phòng học, nhà công vụ, nhà nội trú cho HS… được triển khai trong nhiều năm qua và đang đưa vào sử dụng, bước đầu có tác dụng tích cực vào chất lượng…
Bộ trưởng đề nghị địa phương cần quan tâm đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý để đảm bảo trình độ, năng lực. Phải chủ động, sáng tạo trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy, học và cần chú ý giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục...
|
Bộ trưởng thăm phân hiệu trường ĐH Nha Trang tại Kiên Giang |
Nguyễn Quốc Ngữ