Tìm giải pháp gỡ khó về trường mầm non trong khu công nghiệp

GD&TĐ - Với rất nhiều nỗ lực, nhưng thành phố Hà Nội vẫn gặp khó khăn trong đáp ứng nhu cầu gửi trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều vấn đề đặt ra để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ngày càng cao tại những nơi này trên địa bàn Thủ đô.

Cô trò Trường mầm non Kim Chung A (Đông Anh, Hà Nội) trong giờ học
Cô trò Trường mầm non Kim Chung A (Đông Anh, Hà Nội) trong giờ học

Khó khăn trường lớp trong khu công nghiệp

Chiều nay (11/1), Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non và khảo sát liên ngành tình hình trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội – cho biết: Thủ đô Hà Nội mở rộng, điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội cơ bản có nhiều thuận lợi, quy mô giáo dục lớn, chất lượng giáo dục mầm non khu nội thành phát triển bền vững, là nòng cốt cho chất lượng giáo dục mầm non thủ đô.

Những đề án, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non được triển khai quyết liệt, đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, tạo bước chuyển biến toàn diện về chất lượng giáo dục mầm non. Các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ngày càng được đầu tư…

Tại Mê Linh, UBND huyện đã có tờ trình gửi UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình giai đoạn 2017-2020, xây mới 2 trường mầm Quang Minh A, B, tổng kinh phí 100 tỉ đồng với 40 phòng học và các phòng chức năng.

Huyện Sóc Sơn, năm 2018 sẽ xây dựng 2 trường mới tại xã Quang Tiến và xã Mai Đình, kinh phí 89 tỉ đồng. Năm 2020, xây 1 trường mầm non tại xã Trung Giã, dự kiến 50 tỉ nguồn ngân sách UBND huyện…

Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng dân số, hàng năm trẻ mầm non đến trường tăng khoảng 25-30.000 trẻ, trường công lập có sĩ số trẻ/lớp đông.

Đặc biệt, các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, dân số cơ học tăng nhanh, luôn biến động do công nhân làm việc chủ yếu theo hợp đồng ngắn hạn, công tác dự báo số trẻ đến trường/lớp mầm non khó chính xác.

Về cơ bản số lượng trẻ của con nữ công nhân lao động được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở GDMN (công lập và ngoài công lập). Tuy nhiên, mỗi xã chỉ có từ 1-2 trường mầm non công lập. Các trường công lập chỉ tiếp nhận được trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, trong khi công nhân được nghỉ thai sản theo qui định là 6 tháng.

Nữ công nhân làm theo ca chiếm tỉ lệ tương đối lớn, khó khăn trong việc gửi con và chăm sóc các cháu. Công nhân lao động muốn gửi con gần nơi làm việc để thuận lợi việc đưa đón. Tuy nhiên các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ đầu tư không tính đến việc xây dựng các trường, nhà trẻ mẫu giáo để các nữ công nhân gửi con yên tâm công tác.

Một số vấn đề khó khăn nảy sinh do đặc thù công việc của công nhân, đi sớm, về muộn, làm ca nên các trường công lập khó đáp ứng. Bởi vậy, có địa bàn, phụ huynh không muốn gửi con vào trường công. Một minh chứng là tại xã Kim Chung, Võng La (Đông Anh), số trẻ con em công nhân trên địa bàn là 3.081 trẻ; trong đó, số trẻ đến trường công lập là 1.209 (39,2 %), ngoài công công lập là 1.872 (60,8%).

Tại huyện Đông Anh, nơi có khu công nghiệp Bắc Thăng Long đóng trên địa bàn xã Kim Chung và xã Võng La, nhu cầu gửi trẻ của công nhân rất cao.

Bà Đinh Thị Hương – Phó phòng Giáo dục huyện Đông Anh – chia sẻ: Số lượng trẻ trên địa bàn tăng nhanh nên hệ thống trường lớp công lập chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con của cha mẹ học sinh. Các nhóm trẻ tư thục thành lập nhanh, nhiều nhóm vượt quá số trẻ theo quy định. Đa số các phòng học được cải tạo từ nhà ở nên thiết kế chưa phù hợp với trẻ. Đồ dùng đồ chơi thiếu.

Đội ngũ giáo viên ngoài công lập trên địa bàn thay đổi thường xuyên, một số ít giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng chưa có bằng cấp. Chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục các nhóm trẻ tư thục không ổn định do giáo viên thay đổi thường xuyên. Giáo viên, nhân viên mầm non thời gian lao động nhiều, mức lương thấp trong khi áp lực công việc cao.

Hà Nội hiện có 17 khu công nghiệp (KCN), Khu công nghệ cao; trong đó có 9 KCN đang hoạt động. Các KCN trên địa bàn Hà Nội có khoảng 14,6 vạn lao động, trong đó lao động nữ chiếm tới 70%, lao động ngoại tỉnh chiếm khoảng 60% và phần lớn đang ở độ tuổi sinh đẻ từ 18 đến 25 tuổi.

Một trong những giải pháp được huyện đưa ra là rà soát quỹ đất, ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục mầm non. Xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục mầm non đến năm 2020, đảm bảo quy mô trường, lớp, số trẻ/nhóm, lớp không vượt quá Điều lệ trường mầm non nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư mở trường ngoài công lập, hạn chế việc mở các nhóm lớp độc lập nhỏ lẻ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Riêng xã Kim Chung trong quy hoạch có 9 trường mầm non. Năm 2018 khởi công 1 trường thôn Bầu với quy mô từ 300 đến 350 trẻ. Thôn Nhuế 1 trường với quy mô 16 nhóm lớp và các phòng học chức năng với 600 trẻ. Xã Võng La xây 1 trường với quy mô 18 phòng học và các phòng chức năng 650 đến 700 trẻ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội

Cần chính sách mạnh mẽ hơn

Là trường có đến 80% trẻ là con em công nhân, cô Nguyễn Kim Thoa – Hiệu trưởng Trường mầm non Kim Chung A (Đông Anh) – đề nghị tăng biên chế cho các trường mầm non khu công nghiệp; nâng mức lương cho giáo viên, nhân viên. Khi trường lớp không đủ, số trẻ trên lớp vượt quá quy định, cần có cơ chế chính sách bổ sung thêm giáo viên, nhân viên.

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội do ông Phạm Xuân Tiến trình bày cũng đề xuất điều chỉnh lương đối với giáo viên mầm non; điều chỉnh Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV qui định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập với đối tượng giáo viên, nhân viên. Đồng thời, đề xuất Quốc hội xây dựng ban hành Luật nhà giáo, Luật giáo dục mầm non; xem xét cấp ngân sách nhà nước theo tỷ lệ nhất định đối với trẻ em học tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, tạo điều kiện khuyến khích mở rộng loại hình trường ngoài công lập, đảm bảo công bằng với mọi trẻ…

Đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hà Nội với nhiều chương trình, đề án phát triển giáo dục mầm non; nhấn mạnh việc thành phố có đến trên 70% trường công lập, thu nhận được số lượng trẻ lớn, đáp ứng nhu cầu của nhiều lao động còn khó khăn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đồng thời yêu cầu Hà Nội đa dạng hóa loại hình trường lớp hơn nữa; có cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư phát triển các trường ngoài công lập và có cơ chế khuyến khích xã hội hóa.

Bên cạnh rà soát, khảo sát nhu cầu trường lớp, có dự báo quy hoạch tổng thể về khu công nghiệp, dự báo trường lớp để dành quỹ đất, huy động nguồn lực xây dựng trường mầm non, trường mầm non khu công nghiệp phải gắn với nhà ở của công nhân, Thứ trưởng đề nghị thành phố quan tâm hơn nữa đến vai trò quản lý nhà nước, phối hợp liên ngành, tăng cường kiểm tra, giám hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non. Cùng với đó, cần quan tâm đặc biệt đến giáo viên mầm non.

Ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) thì nhấn mạnh việc thành phố Hà Nội nên có một giải pháp tổng thể cho giáo dục mầm non, trong đó có giải quyết vấn đề trường lớp trong khu công nghiệp.

Tại buổi làm việc, để giải quyết những khó khăn về giáo dục mầm non, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – cho rằng, chính sách xã hội hóa cần phải mạnh hơn nữa; mức hỗ trợ cho học sinh ngoài công lập cần như công lập. “Muốn phát triển được, cần có chính sách mạnh dạn như thế” – ông Ngô Văn Quý nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, buổi sáng, đoàn công tác liên ngành đã đến khảo sát tại Trường mầm non Kim Chung A và nhóm trẻ Hoa Anh Đào trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ