Thực trạng này một lần nữa được chỉ ra tại hội thảo khoa học “Phát triển bền vững giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM vừa tổ chức.
Hội thảo đã nhận được gần 100 bài tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, kinh tế học gửi về với nhiều góc độ phân tích. Trong đó, các vấn đề về thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, sự mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực được các đại biểu nêu ra và phân tích.
Đặc biệt, điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn, trăn trở chính là việc phát triển bền vững giáo dục và đào tạo (phải xem là chiến lược cơ bản lâu dài, vừa là nhiệm vụ thường xuyên cấp bách) vẫn chưa được thực hiện đồng bộ, khiến các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục – đào tạo, văn hóa, con người... ở cả cấp vĩ mô và cấp vi mô vẫn còn nhiều hạn chế dù Chính Phủ đã thúc đẩy và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Võ Văn Sen cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ĐBSCL trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội khi tham gia ý kiến.
Theo ông, Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là “vựa lúa gạo lớn nhất, vựa thủy sản nhiều nhất, vựa trái cây phong phú nhất…” đồng thời nó giữ một vai trò quan trọng đối với công cuộc khai hoang mở cõi của cha ông, là cái nôi của nhiều phong trào cách mạng, là “hầm trú ẩn an toàn” của những người chiến sỹ cộng sản trong cuộc kháng chiến vệ quốc.
Xét về địa chính trị, địa chiến lược, vùng đất này có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Với nhiều thuận lợi do điều kiện tự nhiên mang lại nhưng ĐBSCL vẫn còn là “vùng trũng” về học vấn và mức sống là điều chúng ta cần phải nghiên cứu và tìm giải pháp.
PGS.TS Võ Văn Sen phát biểu tại hội thảo |
Chính vì thế, PGS.TS Võ Văn Sen đã đề nghị các nhà khoa học, đại biểu cùng nhau suy nghĩ, trao đổi một số vấn đề gắn với chức năng, nhiệm vụ khoa học.
Cụ thể là: Những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển bền vững giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; Thực trạng và nguyên nhân của giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay; Những vấn đề cơ bản và cấp bách đặt ra trong giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực ở ĐBSCL; Những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng phát triển bền vững ở ĐBSCL…
Nêu ý kiến tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM thẳng thắn chỉ ra việc ĐBSCL không chỉ thiếu nhân lực có chuyên môn ở các trình độ mà hiệu quả sử dụng nhân lực cũng không cao.
Thậm chí có nhiều trường hợp “trải thảm” thu hút cán bộ khoa học về nhưng lại không có việc để sử dụng. Ngay cả sinh viên, trong đó có con em lãnh đạo địa phương học xong cũng trụ lại làm việc tại các thành phố lớn mà không về tỉnh, một phần do không có công việc phù hợp, một phần vì chính sách đãi ngộ.
Trong khi đó, mạng lưới các trường ĐH-CĐ-TCCN không hợp lý, tỉnh nào cũng muốn có trường ĐH riêng mà không chú ý đến lực lượng con người, cơ sở vật chất lẫn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bất cập và mất cân đối trong đào tạo nhân lực tại ĐBSCL được ThS. Hà Thị Thùy Dương - Giảng viên Học viện Chính trị khu vực IV - phân tích: ĐBSCL được coi là “vương quốc nông nghiệp” nhưng đào tạo về ngành nghề nông nghiệp còn chưa tạo được dấu ấn. Các trường ưu tiên đầu tư vào khối ngành kinh tế, vừa ít chi phí lại dễ tuyển sinh.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, chỉ khoảng 10% sinh viên vùng ĐBSCL theo học ĐH các ngành nông nghiệp, thủy sản và trên 5% bậc CĐ. Trong khi đó, có đến 30% sinh viên theo học các ngành kinh tế, 20% các ngành kỹ thuật công nghệ.
“Trong khi số lượng sinh viên của vùng còn ít, việc đào tạo mất cân đối như vậy dẫn đến không đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực thực tế. Chưa kể sinh viên các ngành khác lại thất nghiệp” - Th.S Dương nói.
Để khắc phục tình trạng bất cập trên, đẩy mạnh việc đào tạo và phát triển nhân lực gắn với địa phương, nhiều đại biểu cho rằng: không nhất thiết phải chạy theo số lượng, huyện nào cũng có trường nghề và tỉnh nào cũng có trường ĐH-CĐ dẫn đến ngành nghề trùng lắp, chồng chéo.
Thay vào đó, cần gắn chặt với quy hoạch phát triển nhân lực vùng. Bên cạnh đầu tư những ngành nghề có thế mạnh, tiềm năng về đội ngũ giảng dạy và trang thiết bị, cần ưu tiên đào tạo các ngành nghề liên quan đến kỹ thuật nông nghiệp hiện đại vì nhu cầu nhân lực nông nghiệp của vùng hiện rất lớn.
Song song đó, đẩy mạnh các giải pháp thu hút nhân tài bằng chính sách, giữ chân nhân tài bằng tình cảm…Từ đó cơ cấu và thực hiện lại chính sách đào tạo cho toàn vùng, sẽ hiệu quả và tránh những bất cập như hiện nay.