TS. Võ Văn Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang |
Nguồn lực con người là quan trọng nhất
Giáo dục đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực để phục vụ cho sự nghiệp CNH- HĐH đất nước. Trong đó giáo dục ĐH sẽ trực tiếp đào tạo ra những con người lao động có tri thức khoa học, có trình độ công nghệ hiện đại. Bởi vì khoa học công nghệ là nền tảng vững chắc, là động lực để chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp lên kinh tế công nghiệp hiện đại. Nguồn lực con người là quan trọng nhất, quí báu nhất, có tính chất quyết định sự phát triển chung. Cho nên để phát triển giáo dục ĐH cần phải có nguồn lực con người. Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây các trường ĐH phát triển nhanh về số lượng. Chính vì số lượng trường ĐH nhiều nên một số trường ĐH đã không đáp ứng được yêu cầu trong việc đào tạo, trong đó có nguồn lực về con người. Đó là trình độ của giảng viên, cũng như chất lượng giảng viên, số lượng giảng viên trên SV,… Nhất là những trường ĐH mới thành lập thường vướng phải những khó khăn này.
Ngoài ra các trường còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học. Hiện nay, theo xu thế chung là đào tạo theo nhu cầu xã hội, phát triển theo kinh tế thị trường nhưng nếu trường gặp phải khó khăn về cơ sở vật chất thì khó mà đáp ứng theo xu thế chung đó. Như ngành CNTT là ngành đòi hỏi chúng ta phải liên tục cập nhật, tìm hiểu những kiến thức mới nhất, hiện đại nhất và những kĩ thuật tiên tiến. Nếu nhà trường không cập nhật kiến thức mới thì sẽ lạc hậu, chậm tiến, không theo kịp sự phát triển chung của khoa học kĩ thuật. Để cập nhật kiến thức mới đó thì cần phải có đội ngũ có trình độ, có trang thiết bị đầy đủ mới đáp ứng được.
Để nâng cao chất lượng đào tạo cần phải giao quyền tự chủ cho các trường nhiều hơn. Các trường ĐH mong muốn sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn, bên cạnh đó thì vẫn đảm bảo có cơ chế để kiểm tra và quản lí. Vấn đề thu nhập của giảng viên cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống bằng đồng lương của mình thì giảng viên sẽ yên tâm giảng dạy, toàn tâm toàn ý trong công tác và nghiên cứu.
Nhìn chung, ĐBSCL mặt bằng dân trí còn thấp, thực tế có ngành học khi tuyển sinh lấy điểm bằng điểm sàn nhưng đến nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 mà vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Nên ở bậc học phổ thông làm sao kiến thức của HS phải đảm bảo, từ đó sẽ làm nền tảng vững vàng để các em bước vào học ĐH.
Có thể thấy rằng, cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò rất quan trọng, khi hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển thì khoảng cách giữa các vùng miền được rút ngắn. Từ đó sẽ mở rộng mối liên kết vùng, miền để có những cơ hội phát triển về con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Sinh viên ĐH An Giang thực nghiệm tại phòng thí nghiệm |
Hướng sinh viên đến với khoa học và niềm đam mê khoa học
Nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ quan trọng được nhà trường quan tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Vấn đề nghiên cứu khoa học trong trường ĐH hiện nay còn gặp khó khăn vì đa số giảng viên chọn con đường vừa đi dạy vừa làm giảng viên thỉnh giảng cho các trường nên ít nghiên cứu khoa học. Ngoài ra công tác nghiên cứu khoa học còn những khó khăn về kinh phí. Bản thân mỗi SV chưa thực sự đam mê nghiên cứu khoa học, thường thì có em học giỏi, có ước mơ nghiên cứu khoa học nhưng để biến ước mơ đó thành hiện thực thì các em chưa chủ động tìm đăng kí đề tài và tìm người hướng dẫn.
Nhận thấy rằng chúng ta cần phải có nhiều cơ chế và hỗ trợ cho SV nghiên cứu khoa học và có những giải thưởng xứng đáng cho các công trình nghiên cứu hay, xuất sắc, từ đó sẽ kích thích phong trào nghiên cứu khoa học trong SV. Ngoài ra các tổ chức đoàn thể, nhà trường phải thường xuyên tác động, khuyến khích SV tham gia các công trình nghiên cứu khoa học. Đội ngũ giảng viên trực tiếp đứng lớp đóng vai trò rất quan trọng, những người thầy sẽ tác động đến SV và truyền cho SV niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Những giảng viên có kinh nghiệm, thường xuyên làm công tác nghiên cứu khoa học sẽ giúp ích rất nhiều về phương pháp cũng như hướng dẫn SV làm các đề tài nghiên cứu.
Làm sao để truyền được cho các em niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nhất là ý thức. Đây không phải là việc một sớm một chiều mà phải có quá trình để hướng SV đến với khoa học và niềm đam mê khoa học. Bên cạnh đó là kinh phí, và sự hỗ trợ cho công tác nghiên cứu khoa học để có những công trình hay, ý nghĩa có thể áp dụng vào thực tiễn.
TS. Võ Văn Thắng
(Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang)