Tìm giải pháp chống ô nhiễm rác thải nhựa

GD&TĐ - Ngày 10/12, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Ô nhiễm rác thải nhựa và giải pháp” nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và tìm các giải pháp sử dụng nhựa phân hủy sinh học làm sản phẩm thân thiện môi trường, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam và trên thế giới. Diễn đàn quy tụ 150 nhà khoa học của hơn 20 đơn vị trong Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. 

Tìm giải pháp chống ô nhiễm rác thải nhựa

Nhựa trên đại dương sẽ nhiều hơn cá

PGS.TS Vũ Sĩ Tuấn, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ TN&MT cho biết, theo dự báo, nếu không có các giải pháp mạnh tay thì đến năm 2050, nhựa sẽ nhiều hơn cá trên đại dương.

Hiện đã có hàng trăm loài bị nạn, chết vì rác nhựa, lưới hay dụng cụ đánh bắt. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm thiểu được 50% rác thải nhựa đại dương, 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Đến năm 2030 sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại các khu du lịch, dịch vụ ven biển. Giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương, 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa...

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ Sinh học cho biết, nhựa được sử dụng ngày càng nhiều trong đời sống do giá rẻ và tiện ích cao. Chúng được sản xuất với khối lượng lớn (từ năm 2016 trên toàn cầu đã lên tới 33 triệu tấn/năm và dự báo các năm sau mỗi năm tăng lên 4%).

Có đến 67% lượng rác thải nhựa trên toàn cầu đổ vào đại dương, mỗi năm từ 4,8 đến 12,7 triệu tấn. Đến nay, các hiểu biết về bản chất của các loại plastic hiện nay đang sử dụng ảnh hưởng đến toàn bộ sự sống trên hành tinh, đặc biệt ở các đại dương cần thêm nhiều nghiên cứu cập nhật và sâu sắc.

Sự ảnh hưởng không mong đợi của rác thải nhựa tới cộng đồng và môi trường đã được thông tin nhưng rất hạn chế về bản chất. Khi phân hủy, các sản phẩm nhựa đã chuyển một phần chính thành các mảnh nhỏ, chúng vẫn đi vào chu trình thức ăn của sinh vật biển.

Nguồn ô nhiễm plastic theo dòng nước chảy ra biển làm đại dương phải hứng chịu, hệ sinh vật biển bị tàn phá. Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu khả năng phân hủy sinh học plastic bởi các tác nhân sinh học khác nhau, nhằm tạo cơ sở khoa học để thiết kế, xây dựng công nghệ xử lý phù hợp đối với ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam.

GS.TS Thái Hoàng, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới cho biết, để giảm thiểu sử dụng polymer, chất dẻo trơ, khó phân hủy, tồn tại vi nhựa trong môi trường đất, nước, không khí, nghiên cứu chế tạo polymer phân hủy sinh học đang là vấn đề thời sự rất quan trọng.

Phân hủy sinh học là polymer bị phân hủy tự nhiên gây ra do các tác động của vi sinh vật như vi khuẩn, nấm mốc và tảo. Chúng sử dụng các hợp chất, polymer hữu cơ với khối lượng phân tử, các nhóm chức phù hợp làm nguồn thực phẩm, làm cho dạng ban đầu của các hợp chất, polymer bị thay đổi, cuối cùng là không còn nữa.

Khi bị thủy phân có sự hỗ trợ của chất xúc tác, bức xạ, tử ngoại kết hợp nhiệt ẩm, tác động của các vi sinh vật bằng công nghệ kị khí hay hỗn hợp của kị khí và hiếu khí.

Một trong những phương pháp được nghiên cứu cho các kết quả khả quan là phương pháp phổ hồng ngoại, phổ tử ngoại, cộng hưởng từ hạt nhân cho phép xác định các nhóm chức, sự tương tác giữa các thành phần có trong túi polymer, chất dẻo, các nhóm chức mới xuất hiện, chỉ số carbonyl (phản ánh phản ứng thủy phân, oxy hóa) khi túi polymer, chất dẻo bị phân hủy bởi các tác nhân khác nhau.

Phương pháp hiển vi điện tử quét, hiển vi điện tử truyền qua quan sát hình thái cấu trúc của vật liệu. Phương pháp nhiễu xạ tia X đánh giá sự thay đổi hàm lượng phần vô định hình trong màng túi polymer, chất dẻo... Các phương pháp này nhằm sử dụng để đánh giá khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn các polymer nguồn gốc thiên nhiên trong thời gian ngắn (nhỏ hơn 6 tháng).

Xu hướng sử dụng vật liệu phân hủy sinh học

TS Nguyễn Lê Thăng Long, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, hiện trên thế giới có khoảng 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ mỗi phút và khoảng 5 nghìn tỷ túi nhựa dùng một lần được thải ra ngoài môi trường hàng năm.

Theo dự kiến đến năm 2021, Việt Nam sẽ cấm bán túi nhựa tại các siêu thị và tiến tới không dùng đồ nhựa một lần vào năm 2025. Việc sử dụng các vật liệu phân hủy sinh học làm nguyên liệu sản xuất thay thế nhựa trong các sản phẩm dùng một lần là xu thế tất yếu.

Vật liệu phân hủy sinh học được định nghĩa là vật liệu có thể chuyển hóa hoàn toàn thành nước, khí CO2 và sinh khối theo thời gian dưới sự trợ giúp của các vi sinh vật. Các sản phẩm được làm từ vật liệu phân hủy sinh học khi lưu hành trên thị trường thường được kiểm duyệt theo các tiêu chuẩn quốc tế để đạt được chứng chỉ và gắn logo.

Các sản phẩm này sau khi sử dụng sẽ bị phân hủy hoàn toàn trong thời gian 6 tháng. Thành phần của các vật liệu phân hủy sinh học hiện nay rất đa dạng, nhưng phổ biến là các hợp chất cao phân tử có khả năng phân hủy sinh học như PLA, PBAT, PBS, PLC, PHA... kết hợp với tinh bột, bột gỗ hoặc sợi xelluose.

Ở Việt Nam, các sản phẩm có nguồn gốc từ vật liệu phân hủy sinh học có thể phân hủy hoàn toàn, thân thiện với môi trường như vậy chưa nhiều... mà phổ biến nhất mới chỉ có thương hiệu AnEco của Tập đoàn An Phát Holdings.

Ô nhiễm rác thải nhựa đang nặng nề

Các nhà khoa học tham dự Diễn đàn thống nhất về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam và những hậu quả, hệ lụy của hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng do loại hình ô nhiễm này gây ra.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng thống nhất các kết quả nghiên cứu liên ngành trình bày trong Diễn đàn là những giải pháp quan trọng góp phần xây dựng cơ sở khoa học vững chắc, tạo nền tảng để tạo nền công nghệ phù hợp với tiềm năng nội lực cao của khoa học công nghệ Việt Nam.

Điều này sẽ góp phần giảm thiểu tác động xấu của rác thải nhựa lên môi trường nói chung và biển nói riêng; đồng thời định hướng cho cộng đồng sử dụng các loại sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học.

Theo PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, việc tìm kiếm các vật liệu di truyền để tạo nên công nghệ xử lý phù hợp nhất, nhanh nhất, để quá trình phân hủy, chuyển hóa đến mức khoáng hóa được một số loại nhựa được chứng nhận có khả năng phân hủy sinh học và có khả năng ủ compost là một bài toán chờ đợi lời giải từ các nhà khoa học.

Các nhóm enzume từ vi sinh vật có nguồn gốc từ các hệ sinh thái khác nhau đã được biết đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực sản xuất. Còn đối với rác thải nhựa có cấu trúc hóa học khác nhau, các enzyme này có tiềm năng phân hủy nhựa ở mức độ nào, các nhà khoa học cần tiếp tục tính toán.

Đặc biệt, các nhà khoa học mong muốn có nhiều buổi diễn đàn khoa học về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa để cùng chia sẻ kiến thức chuyên môn, thúc đẩy các nhà khoa học trẻ nghiên cứu sâu về lĩnh vực này và có nhiều các giải pháp, sáng kiến, ứng dụng giảm thiểu hơn nữa tình trạng ô nhiễm này.

Cũng tại diễn đàn, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) và Tổ chức Kinh tế nền tảng Sinh học – Hà Lan và châu Âu đã giới thiệu một số kết quả nghiên cứu, đưa ra các giải pháp xử lý rác thải nhựa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ