(GD&TĐ) - Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; đến nay, Đà Nẵng đã hạn chế được số lượng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, nỗi lo học sinh bỏ học vì học lực yếu, kém đang là nỗi trăn trở của nhiều cơ sở trường học. Đi tìm giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều biện pháp và bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực.
Chính quyền vào cuộc
Theo ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu thì số lượng học sinh trên địa bàn đã giảm hẳn từ ba con số xuống hai con số. Riêng trong hai năm học gần đây con số học sinh bỏ học có số lượng không đáng kể, trong đó, năm học 2010-2011 là 7 em và năm học 2011-2012 chỉ còn 2 em.
Ông Nguyễn Đăng Ngưng chia sẻ: “Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 24 của Thành ủy Đà Nẵng, nhiều địa phương đã thực hiện tốt “chương trình tiếp sức cho học sinh đến trường”, tạo điều kiện cho học sinh có nguy cơ bỏ học được tiếp tục việc học.
Song song với đó, các đơn vị trường học đã tích cực vận động học sinh bỏ học đi học trở lại. Tổ chức kèm cặp, phụ đạo bổ sung kiến thức và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành hỗ trợ, giúp đỡ kinh phí, sách vở, đồ dung học tập tạo niềm tin cho các em đến trường”.
Phụ đạo, giúp HS tiến bộ trong học lực là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm kéo giảm tỉ lệ bỏ học. Ảnh: Xuân Thành |
Là một trường nằm giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng, nhưng Trường THCS Kim Đồng có số lượng học sinh diện hoàn cảnh khó khăn khá lớn, tỉ lệ học sinh có học lực yếu, kém hằng năm không nhỏ. Thầy Nguyễn Tấn Hạnh, Phó Hiệu trưởng cho hay, phần lớn phụ huynh học sinh làm nghề buôn bán nhỏ, lao động phổ thông có thu nhập không ổn định. Bố mẹ các em thường xuyên phải chạy vạy mưu sinh nên không có thời gian để ý, quan tâm, chăm lo đến việc học của con em mình. Nhiều em học sinh đi học không có vở, sách giáo khoa.
Đối với trường hợp những học sinh này, ngoài việc giáo viên thường xuyên quan tâm, động viên các em trong học tập, thì nhà trường còn tạo điều kiện giúp đỡ các em về vật chất lẫn tinh thần. Thầy Nguyễn Tấn Hạnh cho biết, các em học sinh thuộc diện gia đình đặc biệt nghèo ngoài việc được hỗ trợ từ chính quyền địa phương, đến trường các em còn được nhà trường mua sắm cấp phát sách vở, đồ dung học tập để học sinh yên tâm đến trường.
Có thể khẳng định rằng, từ khi thực hiện Chỉ thị 24 của Thành ủy, Đà Nẵng đã ngăn ngừa được tình trạng học sinh bỏ học vì có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu Đà Nẵng không có học sinh bỏ học vào năm 2015, theo Quyết định số 8902/QĐ-UBND mà UBND Tp.Đà Nẵng đã phê duyệt. Thì bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiều niên hư, vi phạm pháp luật; ngành GD Đà Nẵng cần có giải pháp hiệu quả trong vấn đề hạn chế số lượng học sinh yếu, kém nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà.
Trường học chung tay
Chúng ta biết rằng, những chủ trương mà thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện trong thời gian qua là nhằm mục đích giải quyết vấn đề học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Còn việc ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học vì học lực yếu kém là trách nhiệm thuộc về ngành giáo dục, mà trực tiếp là các cơ sở giáo dục, trường học. “Xác định được nhiệm vụ đó, nên trong thời gian qua, ngành GD địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp vừa nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, vừa giảm tỷ lệ học sinh yếu kém. Trong đó, công tác dạy phụ đạo học sinh đóng vai trò quan trọng, là giải pháp quyết định đến việc giảm tỉ lệ học sinh bỏ học”, ông Nguyễn Đăng Ngưng cho biết.
Ngành giáo dục cần có gải pháp hữu hiệu lâu dài để ngăn chặn học sinh bỏ học |
Từ thực tế cho thấy rằng, có hai trường hợp dẫn đến học sinh có học lực yếu, kém ở trường học. Đó là trường hợp học sinh bình thường bị mất kiến thức căn bản hoàn toàn từ lớp dưới và học sinh có khả năng học được nhưng lười học. Trường hợp thứ hai là những học sinh khuyết tật bị hạn chế phát triển trí tuệ, giao tiếp và vận động.
Tuy vậy, điều băn khoăn của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ở nhiều địa phương hiện nay là dù đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp, kể cả tăng cường công tác dạy phụ đạo cho học sinh nhưng chất lượng vẫn không mấy được cải thiện. Thế nhưng, qua tìm hiểu thực tế ở các trường học trên địa bàn Đà Nẵng thì công tác phụ đạo học sinh yếu kém đạt những kết quả rất khả quan, đặc biệt nhiều học sinh đã “vượt qua chính mình” trở thành học sinh khá, giỏi.
Kinh nghiệm mà nhiều giáo viên phụ trách công tác phụ đạo và trực tiếp giảng dạy chia sẻ là để học sinh tham gia học tốt việc học phụ đạo thì trước hết phải giúp các em vượt qua những trở ngại từ bản thân, gia đình. Đặc biệt là sự mặc cảm khi có tên trong danh sách học sinh đi học phụ đạo; bởi lẽ, nếu như đi học bồi dưỡng học sinh giỏi là niềm tự hào thì việc đi học phụ đạo với các em là một gánh nặng.
Thầy Hồ Quang (Trường THCS Nguyễn Huệ) cho rằng điều quan trọng ở “lớp đặc biệt” này, người giáo viên phải luôn biết tạo ra sự thân thiện với các em bằng cách cho các em thấy rằng giáo viên vừa là người thầy giáo, vừa là một gia sư, là một phụ huynh học sinh. Từ sự tin tưởng các em có thể mạnh dạn trình bày ý kiến, trao đổi những tâm tư tình cảm, nguyện vọng và những khó khăn mà các em gặp phải trong quá trình học tập.
Nói về phương pháp và nội dung chương trình dạy phụ đạo học sinh yếu, học sinh khuyết tật học hòa nhập, giáo viên Hoàng Thị Mai Thảo – Trường tiểu học Võ Thị Sáu chia sẻ, ngoài việc nắm bắt tâm sinh lý điểm mạnh, điểm yếu của học sinh để lập hồ sơ xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho từng học sinh. Trong các tiết tự học, giáo viên cần điều chỉnh bài học và xây dựng nội dung kiến thức, hệ thống bài tập riêng cho từng học sinh theo mức độ tăng dần về độ khó, phù hợp với khả năng của từng em. Đặc biệt cần chú ý đến bài tập nhằm phát triển trí tuệ, tăng khả năng vận động và kỹ năng giao tiếp cho học sinh khuyết tật. Theo cô Mai Thảo thì ngoài việc giao các bài tập cho các em, thì giáo viên cũng nên mạnh dạn giao một số công việc ở lớp phù hợp với khả năng và năng lực của từng em.
Từ kinh nghiệm triển khai thực hiện của nhà trường, thầy Nguyễn Tấn Hạnh đã nhấn mạnh đến vai trò của người giáo viên làm công tác phụ đạo. Giáo viên là yếu tố quyết định kết quả phụ đạo học sinh yếu, kém. Muốn học sinh lấy lại được những kiến thức căn bản đã mất thì đòi hỏi giáo viên phải bỏ ra nhiều công sức, thực sự yêu thương học sinh, biết tận tụy với nghề mới có thể làm được.
Một vấn đề có tính quyết định tính hiệu quả của công tác phụ đạo học sinh là đẩy mạnh sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và gia đình học sinh; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Từ đó, khơi dậy sự tự nỗ lực, cố gắng của học sinh để các em ý thức được và biết vươn lên học tập, rèn luyện.
Đại Khải - Trường Giang