Tìm “đầu ra” cho sinh viên

GD&TĐ - Đối với những SV năm cuối, ngoài thi cử, làm luận văn, đồ án tốt nghiệp, mối bận tâm lớn nhất vẫn là việc làm sau khi ra trường. Tuy nhiên, không phải SV nào cũng có điều kiện tiếp cận với thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp và các kỹ năng mềm, vốn sống… đủ để “lọt” qua cửa tuyển dụng nhân sự. 

SV khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tham quan nhà máy rượu Sake trong chương trình trao đổi khoa học Sakura 2019 tại Fukui Nhật Bản. Ảnh nhà trường cung cấp
SV khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tham quan nhà máy rượu Sake trong chương trình trao đổi khoa học Sakura 2019 tại Fukui Nhật Bản. Ảnh nhà trường cung cấp

Trang bị các kỹ năng ứng dụng

Trong buổi chia sẻ với SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, ông Võ Thanh Sơn – Giám đốc nhân sự Công ty TNHH xây dựng Tuấn Lê cho biết: Ngoài chuyên môn thì 3 yếu tố mà các nhà tuyển dụng cần ở một ứng viên là tin học, trình độ tiếng Anh và kỹ năng mềm. “Trình độ chuyên môn và tin học rất quan trọng, không có nó thì cầm chắc 100% sẽ thất nghiệp. Riêng tiếng Anh, nếu chỉ dừng ở việc tín chỉ ngoại ngữ tại trường thì khó đáp ứng nên tốt nhất là đầu tư thời gian và tiền bạc để học tiếng Anh tại các trung tâm ở bên ngoài” - ông Sơn chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của ông Sơn, những SV tích cực tham gia hoạt động đoàn, sinh hoạt đội nhóm, công tác xã hội, tình nguyện… thì kỹ năng làm việc nhóm và phối hợp, lắng nghe cũng rất tốt. “Chẳng ai giúp được các bạn cả, chỉ có các bạn giúp cuộc đời và sự nghiệp của chính mình mà thôi” - ông Sơn nhấn mạnh. Tại chương trình Chuyện nghề Sinh viên năm cuối, đại diện ngân hàng Techcombank cũng chia sẻ rằng làm việc nhóm - Teamwork là kỹ năng cần thiết cho công việc của một người trong xã hội mới, thế giới mới. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân trong một hệ thống, không những để học hỏi, phát triển, mà còn đóng góp cho tập thể.

Một xu hướng tuyển dụng mới đối với các doanh nghiệp, tập đoàn có chiến lược về nhân sự, là hình thức quản trị viên tập sự. Theo đó, quá trình tiếp nhận SV thực tập cũng đồng thời là quá trình đơn vị bồi dưỡng nghiệp vụ, sàng lọc ứng viên để tuyển dụng. Chính vì vậy, ngay từ khi SV nhập học, trong tuần sinh hoạt đầu khóa, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức cho SV giao lưu với doanh nghiệp để xác định mục tiêu, phương hướng học tập.

TS Nguyễn Văn Đông - Trưởng phòng Công tác HS-SV, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Mỗi năm, các tập đoàn, công ty đối tác truyền thống của nhà trường tiếp nhận từ 40 - 60 SV đến công ty để thực tập hoặc kiến tập. Ngoài việc được thực tập trong môi trường chuyên nghiệp và tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến, những SV này còn được công ty giao và hướng dẫn thực hiện các đề tài và sẽ là đề tài tốt nghiệp, được hưởng trợ cấp theo thời gian thực tập, được ưu tiên tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp…”.

Cầu nối giữa doanh nghiệp và sinh viên

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp muốn lựa chọn nhân sự bắt đầu từ việc tham gia vào buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của SV. Chính vì vậy, Trung tâm Hỗ trợ SV và quan hệ doanh nghiệp cần có sự kết hợp chặt chẽ với các khoa, phòng khác trong nhà trường để có thể hỗ trợ ở mức tối đa cho DN và cả SV trong kết nối tuyển dụng”. Đối với những doanh nghiệp có chiến lược về nhân sự, ngoài bảng điểm của SV, nhà trường còn cung cấp cả lịch bảo vệ đồ án để doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp xúc và sàng lọc ứng viên.

Ngày hội việc làm được các trường ĐH, CĐ tổ chức định kỳ hàng năm không còn là điều quá mới mẻ. Các trường ĐH, CĐ đã tiến tới một bước chuyên nghiệp, chủ động hơn - thành lập Trung tâm Hỗ trợ SV và quan hệ doanh nghiệp. Ngoài việc đóng vai trò là cầu nối, tạo điều kiện cho hai bên có cơ hội tiếp xúc và giới thiệu về mình, trung tâm còn là nơi tư vấn cho SV những vấn đề liên quan đến tuyển dụng.

Như cách làm của Trường CĐ Thương mại (Đà Nẵng), khi SV bước vào năm học cuối, nhà trường sẽ tiến hành phát phiếu khảo sát nhu cầu việc làm cho SV với các nội dung chi tiết như: Bản thân có thể làm được việc gì; điều kiện làm việc, nơi làm việc, mức lương mong muốn, mức lương chấp nhận; quá trình học tập, phương tiện cá nhân… Những dữ liệu này sẽ được Trung tâm Đối ngoại, truyền thông và tư vấn SV của trường quản lý, trên cơ sở đối chiếu với nhu cầu tuyển dụng mà các doanh nghiệp gửi đến để thông báo cho HS - SV biết.

Các liên chi đoàn của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đều có các CLB chuyên môn tương ứng với các khoa đào tạo để SV có cơ hội rèn luyện nghề nghiệp cũng như các kỹ năng ứng dụng. Nhà trường cũng tổ chức các cuộc thi như Nhà hoạch định tài chính triển vọng, Kỹ năng quản lý tài chính, start - up (khởi nghiệp)… yêu cầu SV giải quyết những tình huống thực tế chứ không còn là trên giảng đường.

Ngoài kêu gọi sự hỗ trợ, tham gia của các doanh nghiệp và tập đoàn trong huấn luyện SV về cả kỹ năng và thái độ, ban giám hiệu nhà trường cũng nỗ lực kết nối với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ ngân sách, kiến thức cho các dự án start-up (khởi nghiệp) với sự tham gia của cả các SV ngoài Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng. Sự tham gia của doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ đào tạo đã là một cách thức để nhà trường rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, tạo thêm cơ hội việc làm cho SV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.