Tìm cách đưa bác sĩ gia đình đến với người bệnh

GD&TĐ - Chính thức được công nhận từ năm 2000 nhưng cho đến nay, mô hình bác sĩ gia đình vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng. 

Tìm cách đưa bác sĩ gia đình đến với người bệnh

Ngoài những vướng mắc về cơ chế, cơ sở vật chất thì thông tin về mô hình trên đến với người dân chưa nhiều. Người dân chưa biết, chưa hiểu và chưa tin mô hình trên là tình trạng phổ biến diễn ra hiện nay.

Phát triển chậm

Bắt đầu từ năm 2013, Bộ Y tế triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình tại 8 tỉnh, thành phố (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang).

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến tháng 12/2015, cả nước có 240 phòng khám bác sĩ gia đình và đến tháng 6/2016 đạt con số 332 phòng khám.

Bác sĩ gia đình ở mỗi địa phương lại có mô hình khác nhau. Đó có thể là trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình là cơ sở thực hành của các trường đại học chuyên ngành y hoặc phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình…

Các trung tâm, phòng khám bác sĩ gia đình đã tổ chức khám chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ y tế tại đơn vị hoặc tại nhà theo yêu cầu của người bệnh, thực hiện quản lý theo dõi sức khoẻ cho cả hộ gia đình theo nguyên tắc bác sĩ gia đình.

Tại Khánh Hòa, bác sĩ gia đình hoạt động ở hầu hết trạm y tế, đã xây dựng và thực hiện quy chế chuyển tuyến có kết nối giữa tuyến huyện và tuyến xã, có phản hồi thông tin bệnh nhân, góp phần đảm bảo theo dõi và điều trị liên tục, điều trị toàn diện, phối hợp trong chẩn đoán và điều trị…

TP Hồ Chí Minh cũng có 23/23 bệnh viện quận/ huyện đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa khám bệnh với cơ cấu từ 1 – 4 bàn khám, do bác sĩ đã được đào tạo chuyên môn về y học gia đình phụ trách, hình thức khám dịch vụ bảo hiểm y tế hoặc thu phí hoàn toàn.

Sở Y tế thành phố cũng đã thẩm định và cấp phép hoạt động cho 10 phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung, đến giữa năm 2016, thành phố đã triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại 30/30 trung tâm y tế và một số bệnh viện tuyến huyện, 3 phòng khám bác sĩ gia đình ngoài công lập, nâng tổng số phòng khám bác sĩ gia đình trên địa bàn lên 90.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết: Từ năm 2013 - tháng 6/2015, tại TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Khánh Hòa, Cần Thơ đã thực hiện quản lý 195.245 hồ sơ sức khỏe và khám sàng lọc được 500.919 lượt người, trong đó phát hiện được 246.049 ca bệnh tật và chuyển viện 3.600 ca.

Một số phòng khám bác sĩ gia đình có hoạt động rất tốt, đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến.

Theo đánh giá của Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, mô hình bác sĩ gia đình dần phát huy được ưu thế nhưng so với quy mô dân số cũng như nhu cầu khám chữa bệnh thì vẫn còn khiêm tốn, nhỏ lẻ, hoạt động của các phòng khám chưa đầy đủ nguyên lý của y học gia đình.

Tạo cơ hội cho mô hình mới

Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX và đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu.

Năm 1995, có 56 nước đã phát triển và áp dụng chương trình đào tạo y học gia đình. Hiện nay, mô hình bác sĩ gia đình đã được phát triển rộng rãi không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Canada mà cả ở các nước đang phát triển như Philippines, Malaysia, đặc biệt Cuba là quốc gia được coi là hình mẫu về phát triển mô hình bác sĩ gia đình ở các nước đang phát triển. Điển hình như tại Anh, tính đến năm 2014, khoảng 97% dân số ở Anh đều đăng ký bác sĩ gia đình để chăm sóc sức khỏe.

Ở Việt Nam, mô hình bệnh tật là mô hình kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng.

Việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách.

Bác sĩ gia đình với ưu điểm có nhiều thời gian tiếp xúc với bệnh nhân (70%) nên sẽ đồng hành được với người bệnh từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi.

Đây là lý do Bộ Y tế tiếp tục nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, đây là mô hình mới nên thời gian thử nghiệm đã phát sinh bất cập về sự đầu tư, chưa có chức danh bác sĩ gia đình ở các cơ sở y tế, hoạt động còn tản mạn, nhiều hạn chế, bất cập, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý và hiệu quả chưa cao.

Do vậy, trong thời gian tới Bộ sẽ có điều chỉnh cho phù hợp, tạo mọi điều kiện để mô hình bác sĩ gia đình phát triển nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, mô hình này sẽ bao phủ 80% các tỉnh, thành phố.

Mô hình bác sĩ gia đình trước mắt được tích hợp vào hoạt động của các trạm y tế xã, phường là hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ đầu, liên tục, gần dân nhất, chăm sóc toàn bộ các thành viên trong gia đình theo nhóm dân cư.

Điều đó không có nghĩa là bác sĩ chỉ đến tận nhà dân khám chữa bệnh, mà chỉ là một trong những hoạt động khi bệnh nhân già yếu hoặc không đi lại được. Bác sĩ gia đình có quyền chuyển tuyến khi cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ