Phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống HSSV

Phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống HSSV

(GD&TĐ)-Câu chuyện không mới nhưng luôn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đó là vấn đề giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV) lại được đặt ra tại hội thảo “Giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho HSSV thông qua việc đẩy mạnh công tác phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội” được Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay (24/8) tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý.

Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu tại hội thảo. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu tại hội thảo. Ảnh: gdtd.vn

Khẳng định nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống nhằm hoàn thiện nhân cách HSSV ngày càng trở nên cấp bách trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý cho rằng, đây là một nhiệm vụ không dễ dàng, đòi hỏi sự công phu, kiên trì, tâm huyết không chỉ của toàn ngành giáo dục mà cần phải có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, của nhiều lực lượng, nhiều tổ chức, đoàn thể, của mỗi gia đình và của toàn xã hội.

Từ thực tiễn đó, năm 2008, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 71 về việc “Tăng cường phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục trẻ em, HSSV”, để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, phát huy cao độ vai trò quan trọng của nhà trường, gia đình, xã hội trong thực hiện giáo dục toàn diện cho trẻ em, HSSV - lực lượng nòng cốt và cũng là tài sản vô giá, quan trọng nhất của mỗi gia đình và của quốc gia.

Hội thảo ngày hôm nay nhằm tham vấn các chuyên gia, các nhà quản lý, đại diện các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, các lực lượng, các ngành để cùng tìm tòi, trao đổi, bàn thảo, đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn, thiết thực hơn trong công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội với việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên trong thời gian tới.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu ghi nhận, trong thời gian qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, đổi mới tư duy lý luận cũng như nội dung và phương pháp thực tiễn nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, đồng thời huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công cuộc xây dựng một môi trường tốt nhất cho sự hình thành nhân cách học sinh. Nhiều năm qua, sự phối hợp, gắn bó chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội đã được triển khai thực hiện hiệu quả, tạo nên một môi trường hài hòa, vừa tình cảm, vừa quy phạm, vừa lý thuyết, vừa thực tiễn giúp học sinh nâng cao khả năng tự nhận thức, tự giáo dục, tự rèn luyện mình. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, điều chỉnh những hành vi biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, đạo đức, lối sống của các em.

Theo TS.Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), kết thúc năm học 2011-2012, trên 18.656.006 học sinh tốt nghiệp được đánh giá đạt kết quả học tập và rèn luyện tốt. Phần lớn học sinh có ý thức tốt trong tu dưỡng đạo đức, tích cực, chủ động học tập, rèn luyện, có ý chí vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học tập, rèn luyện...

Tuy nhiên, ông Ngũ Duy Anh cũng cho rằng, kết quả ấy không đủ mạnh để chúng ta có thể hài lòng và yên tâm vì vẫn còn không ít học sinh còn có những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, đạo đức, lối sống, dẫn đến đua đòi, chạy theo những giá trị vật chất đơn thuần, ham hưởng thụ, bị cuốn hút vào những trò chơi không lành mạnh...

Đi vào phân tích nguyên nhân thực trạng đạo đức, lối sống của HSSV hiện nay như tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường; diễn biến phức tạp của các loại hình tội phạm; nguồn thông tin mở trên internet; những thông tin giật gân, vô cảm trên báo chí,... các đại biểu đã thảo luận, đề xuất các giải pháp trong đó, thống nhất, việc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội là vô cùng quan trọng. Cụ thể, nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của học sinh theo chuẩn mực giá trị chung của xã hội; gia đình đóng vai trò quan trọng và quyết định đến việc hình thành đạo đức, lối sống cho các em. Cần sớm khắc phục tình trạng giáo dục đạo đức cho học sinh hiện nay hầu như được giao phó chủ yếu cho nhà trường. Tấm gương của cha mẹ, người thân trong gia đình cũng như thầy cô giáo luôn có tác dụng giáo dục vô cùng to lớn, hiệu quả hơn ngàn vạn cuốn sách về đạo đức. Gia đình chính là môi trường không cần nhiều lời nói nhưng tác động mạnh mẽ đến cá nhân. Giáo dục đạo đức chỉ khả thi ngay trong cuộc sống của gia đình, trong học đường và phải bằng hành động ngoài xã hội.

Hội thảo
Hội thảo Giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho HSSV thông qua việc đẩy mạnh công tác phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội. Ảnh: gdtd.vn

Nhiều đại biểu cho rằng, cần xây dựng cơ chế tích cực phối hợp với các lực lượng xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh trong và ngoài giờ học, việc sắp xếp lại chương trình hiện thời để có thời lượng thích đáng cho việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh...

Nhấn mạnh đến việc xây dựng tốt đời sống văn hóa trong trường học, TS.Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trường Vụ Văn hóa – Văn nghệ Ban Tuyên giáo TW cho rằng, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa trong HSSV theo những tiêu chí phù hợp để các em có bản lĩnh văn hóa, đủ sức đề kháng trước những tiêu cực nẩy sinh trong đời sống xã hội trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này, theo TS.Hồng đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong việc chỉ đạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện... 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.