Không phân biệt, đối xử kỳ thị với học sinh khuyết tật

Không phân biệt, đối xử kỳ thị với học sinh khuyết tật

(GD&TĐ) – Chiều 18/12, Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương của Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình thực tế công  tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật tại trường THCS Hùng Vương và trường Tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế) sau buổi làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế trong chiều cùng ngày.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng Đoàn kiểm tra Liên ngành Trung ương làm việc tại trường THCS Hùng Vương, TP. Huế
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng Đoàn kiểm tra Liên ngành Trung ương làm việc tại trường THCS Hùng Vương, TP. Huế

Hiện nay, TP. Huế có tất cả 270 em học sinh khuyết tật bậc tiểu học. Trong đó, khuyết tật chuyên biệt có 119 em, khuyết tật hòa nhập có 108 em, trong đó học sinh khuyết tật mắc bệnh thiểu năng trí tuệ chiếm phần lớn.

Những năm qua, công tác giáo dục cho học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ trên địa bàn TP. Huế được các cấp và các ngành chú trọng. Với mong muốn các em được học tập trong môi trường hòa đồng, không có sự phân biệt, kì thị… các thầy cô giáo của các trường có học sinh khuyết tật theo học đã tận tâm giảng dạy với tình yêu thương vô bờ bến dù trình độ giảng dạy cho học sinh khiếm thị, khiếm thính ở nhiều trường còn gặp nhiều rào cản và hạn chế.

Trường THCS Hùng Vương, TP. Huế là một ngôi trường khá đặc biệt khi mỗi năm, nhà trường tổ chức tiếp nhận vừa trẻ khuyết tật lẫn trẻ lang thang cơ nhỡ vào học. Hiện trường THCS Hùng Vương có khoảng 20 em học sinh khiếm thị đang theo học, năm học 2012- 2013, trường đã tuyển sinh thêm 4 học sinh khiếm thị tại Trung tâm  dạy nghề của Hội người mù tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Thầy Nguyễn Hữu Trực, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương cho biết: “Do đội ngủ giáo viên của nhà trường chưa được đào tạo đọc và viết chữ Brai nên công tác giáo dục cho học sinh khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn. Dù chưa có một chế độ ưu đãi nào nhưng các thầy, cô giáo vẫn luôn tận tâm với học trò khuyết tật để giúp các em sớm hòa nhập và không cảm thấy bị kì thị, đối xử. Khó khăn nhất hiện nay là nhiều phụ huynh không chịu thừa nhận con em mình bị thiểu năng trí tuệ nên công tác giáo dục gặp nhiều trở ngại, khó khăn”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thăm và  động viên các em học sinh khuyết tật ở trường THCS Hùng Vương cố gắng nỗ lực trong học tập và cuộc sống
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thăm và động viên các em học sinh khuyết tật ở trường THCS Hùng Vương cố gắng nỗ lực trong học tập và cuộc sống

Về vấn đề này, thay mặt Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Nhà trường nên tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh của các em khuyết tật để chia sẻ khó khăn và giúp phụ huynh hiểu rõ bệnh tật của con em họ. Giáo dục trẻ khuyết tật khó khăn hơn rất nhiều so với trẻ bình thường nên Đoàn sẽ tiếp thu ý kiến và sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho nhà trường trong thời gian tới để giảm bớt khó khăn về công tác giáo dục cho trẻ khiếm thị. Thứ trưởng cũng đã dẫn đầu Đoàn kiểm tra đến thăm lớp học của các em học sinh khiếm thị để thấy rõ hơn môi trường học tập của các em.

Sau khi kiểm tra công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật tại trường THCS Hùng Vương, Đoàn Kiểm tra liên ngành đã đến kiểm tra tại trường Tiểu học Vĩnh Ninh. Đây là trường đầu tiên của TP. Huế nhận học sinh khuyết tật vào học từ năm học 1993- 1994. Đến nay, có rất nhiều em đã ra trường và có công việc ổn định, tái hòa nhập được với cộng đồng. Đó là một điều đáng mừng cho đội ngũ giáo viên của ngôi trường có bề dày thành tích này.

Trong buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành, Ban giám hiệu trường Tiểu học Vĩnh Ninh cũng trình bày những khó khăn trong công tác giảng dạy cho học sinh khuyết tật. Hiện trường Tiểu học Vĩnh Ninh có 20 học sinh khiếm thính, câm điếc bẩm sinh, 9 học sinh mắc bệnh tự kỉ theo học nhưng đội ngủ giáo viên có khẳ năng giảng dạy cho các em là rất ít. Trong khi đó, số lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật chưa nhiều. Bên cạnh đó, nhà trường chưa được đầu tư phòng chức năng, trang thiết bị dạy học cho trẻ khuyết tật còn hạn chế…

Ông Lâm Thủy, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế cho biết: “Để hỗ trợ cho học sinh khuyết tật, mỗi năm phòng trao từ 1.000 đến 1.500 suất học bổng cho các em.  Từ năm học 2012- 2013, Phòng còn thành lập Tổ nghiệp vụ giáo dục khuyết tật, mỗi học kì sinh hoạt 2 lần để trao đổi kinh nghiệm về công tác gíao dục cho học sinh khuyết tật”.

Trước những khó khăn mà trường Tiểu học Vĩnh Ninh gặp phải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã yêu cầu: Nhà trường nên giảm sỹ số ở các lớp có học sinh khuyết tật theo học, tăng cường trao đổi, tham vấn cho phụ huynh để có giải pháp điều trị cho học sinh tự kỉ nhằm phòng ngừa để tránh các trường hợp xấu có thể xảy ra, giúp các em sớm hòa nhập với cộng đồng.

Anh Khoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ