GD Đông Nam Bộ chủ động triển khai kế hoạch năm học

GD Đông Nam Bộ chủ động triển khai kế hoạch năm học

(GD&TĐ) - Bước vào năm học mới, các địa phương thuộc vùng thi đua số 5 (7 sở GD& ĐT các tỉnh Đông Nam Bộ) đã bắt tay ngay vào việc triển khai nhiệm vụ năm học đối với các cấp học, ngành học phù hợp với tình hình thực tế. Dù có những thuận lợi và khó khăn riêng biệt, các địa phương đã tập trung nhiều giải pháp từ thực tế để từ đó có những chủ trương, đề án, kế hoạch quan trọng có tác động và ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp giáo dục đào tạo của địa phương.            

Ngày 11/11, tại tỉnh Bình Thuận đã diễn ra Hội nghị giao ban lần thứ nhất- vùng thi đua số 5, năm học 2011-2012. Dự Hội nghị có ông Đỗ Quốc Anh- Vụ trưởng- GĐ CQĐD Bộ GD&ĐT tại TP. HCM cùng đại diện Công đoàn GDVN, các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT và lãnh đạo Sở GD&ĐT của 7 tỉnh vùng thi đua số 5.

Quang cảnh hội nghị
Các đại biểu dự HN

Linh động tìm giải pháp từ đầu năm học

Vùng thi đua số 5 gồm 7 tỉnh miền Đông Nam bộ: Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Ninh Thuận và Bình Thuận. Quy mô trường, lớp, học sinh đầu năm học 2011-2012 của 7 tỉnh vùng 5, tổng cộng 3.504 trường, 23.267 lớp với 1.862.861 HS. Trong đó tỉnh Bình Thuận có 605 trường, 9.314 lớp với 283.350 HS. Tỉnh Bình Phước có 436 trường, 7.469 lớp và 218.048 HS. Tỉnh Bình Dương có 423 trường, 241.870 HS. Tỉnh Đồng Nai có 794 lớp với 543.854 HS. Tỉnh Tây Ninh có 540 trường 6.484 lớp với 207.680 HS. Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có 391 trường với 235.894 HS. Tỉnh Ninh Thuận có 315 trường với 132.165 HS. 

Năm học bắt đầu được gần 3 tháng, tuy nhiên những vấn đề giáo dục đặt ra không phải ít, từ đầu năm các địa phương phải tập trung nhiều giải pháp giải quyết. Trong đó nhiệm vụ tập trung chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục toàn diện cho HS các cấp, nhất ở các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số bằng các biện pháp thích hợp được các tỉnh quan tâm.

Ngay từ trong hè các tỉnh chỉ đạo các đơn vị trường học trong toàn ngành tiến hành tuyển sinh đầu cấp, rà soát các điểm nóng về tăng dân số cơ học nhằm tiến hành tu sửa bổ sung cơ sở vật chất trường, lớp đảm bảo cho khai giảng năm học mới. Tại các tỉnh không có tình trạng khan hiếm sách giáo khoa và cung ứng kịp thời sách giáo khoa hỗ trợ cho HS dân tộc thiểu số. 

Một trong những vấn đề được các địa phương quan tâm là tình trạng lạm thu ở các cơ sở giáo dục. Các Sở GD& ĐT đã quán triệt các trường học, các đơn vị chấn chỉnh việc quản lý và sử dụng các khoản đóng góp trong các cơ sở giáo dục; trong đó hướng dẫn các đơn vị, trường học nghiêm túc thực hiện quy định việc thu và công khai các khoản thu trong nhà trường.

Qua kiểm tra cho thấy hầu hết các đơn vị đã tuân thủ các quy định về công tác thu chi do Sở chỉ đạo, cụ thể trong nhà trường chỉ thực hiện thu học phí, một số khoản thu khác mang tính chất phục vụ trực tiếp cho HS, nhà trường chỉ đứng ra thu hộ như: tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, tiền quỹ học bổng khuyến học, tiền quỹ phụ huynh HS,…Các nguồn thu đều được quản lý chặt chẽ, có chứng từ tài chính và thực hiện việc thanh toán, quyết toán theo quy định. 

Thực hiện giải tải chương trình sách giáo khoa, Sở GD& ĐT cũng đã hướng dẫn các trường tiến hành rà soát các nội dung giảm tải trên cơ sở lược bớt những nội dung, yêu cầu đã được hướng dẫn. Cụ thể là về các nội dung giảm tải trong từng bộ môn sẽ được Ban Giám hiệu các trường chỉ đạo các tổ bộ môn, các GV cùng trao đổi bàn bạc nhóm chuyên môn họp để thảo luận và đi đến thống nhất sao cho phù hợp với đối tượng HS từng huyện, thị xã với mục tiêu thực hiện điều chỉnh chương trình theo hướng tinh giảm để nâng cao chất lượng giáo dục.

Đặc biệt việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ giáo viên không ra đề vào những phần nằm trong nội dung giảm tải. Hàng tháng, cuối học kỳ I các trường phải tiến hành tổ chức họp hội đồng, tổ chức hội thảo ở từng bộ môn để báo cáo với Phòng và Sở GD& ĐT về việc thực hiện công tác giảm tải theo nội dung, yêu cầu. 

Ông Đỗ Quốc Anh- Vụ trưởng, GĐ CQĐD Bộ GD& ĐT tại TP. HCM phát biểu tại hội nghị
Ông Đỗ Quốc Anh- Vụ trưởng, GĐ CQĐD Bộ GD ĐT tại TP. HCM phát biểu tại HN

Tìm giải pháp hạn chế học sinh bỏ học

Theo báo cáo tổng hợp, tình hình HS bỏ học trong hè đến đầu năm học 2011-2012 của vùng giảm so với năm trước. Trong đó tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu 686 em (0,36%); tỉnh Bình Dương 1063 em (0,60%), tỉnh Bình Phước 1597 em (0,90%), tỉnh Bình Thuận 3716 em (1,60%), tỉnh Đồng Nai 1107 em (0,30%), tỉnh Ninh thuận 1770 em (1,54%). Nhìn chung tình trạng HS bỏ học có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Tình trạng HS bỏ học trong hè cũng như trong đầu năm học 2011-2012, trong đó chủ yếu do một số gia đình chưa nhận thức đầy đủ về việc học tập của con em mình nên không quan tâm, phó mặc cho các em tự quyết định việc học cho bản thân dẫn đến khi học yếu không theo kịp chương trình học dẫn đến bỏ học. Bên cạnh đó, một số trường hợp bỏ học xuất phát từ nguyên nhân một số em có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, hoặc do hoàn cảnh gia đình phải theo cha mẹ đi làm ăn nơi khác… 

Nhằm khắc phục tình trạng HS bỏ học, ngay từ đầu năm học, các Sở GD& ĐT đã chỉ đạo phòng GD& ĐT, các trường học phối hợp với gia đình HS và các đoàn thể xã hội thực hiện đồng bộ các biện pháp như nắm bắt tình hình HS bỏ học, làm rõ nguyên nhân và xây dựng biện pháp khắc phục. Tăng cường vai trò trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà trường, thường xuyên cập nhật số liệu HS bỏ học và tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Tăng cường công tác chủ nhiệm của GV chủ nhiệm, phân công HS theo dõi, động viên, giúp đỡ kịp thời các em học yếu và những HS gặp khó khăn đột xuất. Nhà trường có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với gia đình HS và các tổ chức xã hội để có sự quan tâm giáo dục, chăm sóc, bồi dưỡng HS ngoài giờ lên lớp. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có biện pháp quản lý chặt các tụ điểm vui chơi trẻ em, các điểm chơi game online. Các địa phương đã phân loại đối tượng HS ngay từ đầu năm học và tăng cường công tác dạy phụ đạo cho những em HS yếu, kém, đồng thời, tăng cường dạy tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. 

Ký kết giao ước thi đua giữa các Sở GD& ĐT vùng 5
Ký kết giao ước thi đua giữa các Sở GD& ĐT vùng 5

Những vướng mắc từ địa phương                   

Cơ sở vật chất trường học mặc dù đã được các tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa tốt hơn so với năm học trước, song nhìn chung vẫn còn thiếu, cơ sở vật chất của một số các trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công tác dạy và học, thiếu phòng chức năng, số trường được công nhận chuẩn và cận chuẩn quốc gia còn thấp. Công tác đổi mới ứng dụng CNTT trong dạy và học chưa cao. Việc khai thác và sử dụng các trang thiết bị, đồ dùng dạy học ở một số đơn vị còn hạn chế. Cơ cấu ngành nghề, việc phân luồng trong đào tạo của hệ thống giáo dục còn bất hợp lý. Số HS bỏ học của các cấp học đã giảm so với năm học trước nhưng tỷ lệ vẫn còn cao… 

Sở GD& ĐT Bình Thuận đề nghị Bộ quan tâm bố trí các nguồn vốn của trung ương để đầu tư cho các công trình xây dựng trường, lớp học trên địa bàn tỉnh (có liên quan đến kế hoạch triển khai thực hiện các dự án, đề án trong năm 2012) thuộc đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ GV giai đoạn 2 (2011-2015): nhu cầu về cơ sở vật chất trường học chuẩn bị danh mục dự án, công trình đầu tư này là 3.312 phòng học (từ mầm non đến THPT) với tổng số vốn 1.391.040 triệu đồng. Trong đó vốn trung ương hỗ trợ là 834.627 triệu đồng và vốn ngân sách địa phương là 556.416 triệu đồng. Sở GD& ĐT Ninh Thuận cho biết Đề án PCGDMN 5 tuổi chưa tương xứng như kinh phí bố trí cho việc triển khai thực hiện đề án, nhỏ giọt và rất thấp. Cần bổ sung biên chế GV trên lớp ở cấp TH đối với trường dạy tiếng dân tộc thiểu số phù hợp thực tế hiện nay… 

Theo Ông Lê Minh Hoàng- GĐ Sở GD& ĐT tỉnh Đồng Nai thì bậc học Mầm non hiện đang phát triển mạnh. Trong đó thực hiện Đề án PCGD MN 5 tuổi nhưng chúng cần chú ý các lứa tuổi khác cũng phải tiếp tục phát triển. Tuy nhiên có một nghịch lý hiện nay là chúng ta quy động tốt nhưng còn thiếu cơ sở vật chất cho bậc học này. Sự phát tiển của các khu công nghiệp, khu dân cư nên dân nhập cư, mức tăng dân số cơ học khá cao và tập trung ở các địa phương thì con em của công nhân lứa tuổi Mầm non học ở đâu? Ai lo? Hiện nay Nhà nước chỉ giải quyết xây dựng trường MN xã đặc biệt khó khăn, vùng còn lại thì kinh phí đang gặp khó. Tỉnh Đồng Nai vận động các khu công nghiệp xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo để phục vụ cho con em công nhân, hiện có nhiều doanh nghiệp khác muốn làm. Nhưng cái khó là nhà trẻ nằm trong hoặc gần khu công nghiệp thì theo quy định là không được phép xây dựng. Như vậy nếu xây dựng trường ở ngoài các khu công nghiệp thì vướng giải tỏa, đền bù nên rất khó. 

Ông Nguyễn Thành Kỉnh- PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện chúng ta đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên việc đào tạo GV sư phạm hiện nay các trường Sư phạm nói gắng với địa phương nhưng vẫn giảng dạy chương trình cũ, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học. Tới đây sẽ thực hiện dạy học bằng tiếng Anh tại các trường chuyên và trường trọng điểm. Một số nơi còn lúng túng trong đào tạo bồi dưỡng như thế nào? Thực tế chất lượng đội ngũ vẫn chưa đảm bảo, theo ghi nhận và khảo sát thì đa số GV, trong đó có cả GV tiếng Anh chưa đạt trình độ Anh văn theo tiêu chuẩn…  

Tại Hội nghị, ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng- GĐ CQĐD Bộ GD&ĐT tại TP. HCM đã ghi nhận những thành quả đạt được cũng như kiến nghị cũng như những khó khăn, vướng mắc của các địa phương để trình lãnh đạo Bộ GD& ĐT và các đơn vị chức năng.

Đồng thời cũng đề nghị các Sở GD&ĐT của vùng tập trung giải pháp đổi mới căn bản toàn diện GD& ĐT; tiếp tục đổi mới QLGD và các Sở GD-ĐT cần chuẩn bị nhân lực đáp ứng yêu cầu phân cấp trong thời gian tới… Do đặc thù của vùng nên chú ý đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, nhất là các trường nội trú, bán trú và quan tâm đến giáo dục dân tộc ít người,…

          Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.