Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm

Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm

(GD&TĐ) – Hôm nay (24/5), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã tiếp thân mật Hoàng tử Alfred của Công quốc Liechtenstein. Trước đó, Hoàng tử đã có cuộc họp ngắn với lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng Bộ GD-ĐT trao đổi về chuỗi sự kiện sẽ diễn ra từ tháng 11/2012.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong buổi tiếp Hoàng tử Alfred của Công quốc Liechtenstein (Ảnh: gdtd.vn)
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tiếp Hoàng tử Alfred của Công quốc Liechtenstein (Ảnh: gdtd.vn)
Hoàng tử Alfred của Công quốc Liechtenstein hiện đang giữ chức Chủ tịch, Tổng Giám đốc Điều hành, thành viên Hội đồng quản trị của nhiều công ty trong các lĩnh vực khác nhau như kỹ thuật, đầu tư, thương mại, ngân hàng và dịch vụ tư vấn. Ngoài ra, Hoàng tử còn rất tích cực trong việc tham gia các tổ chức phi lợi nhuận và hiện là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Quỹ Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại thủ đô Vienna, nước Áo. 
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Hoàng tử Alfred đã trao đổi một số vấn đề, trong đó trọng tâm về đổi mới phương pháp giáo dục đào tạo.
Hoàng tử Alfred chia sẻ, chúng tôi xác định đến Việt Nam để học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục đào tạo. Chúng tôi đang lựa chọn giữa việc đào tạo những người chiến sĩ để chiến đấu trong trận chiến kinh tế hay đào tạo con người để chung sống và xây dựng hòa bình, hạnh phúc.
Ở nước chúng tôi, vẫn còn nặng về phương pháp giáo dục truyền thống, học sinh rất e ngại thầy cô, không dám bày tỏ quan điểm cá nhân. Trong khi đó, chính phủ nhiều nước không khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm vì sợ điều đó làm hệ thống chính trị phức tạp hơn. Các ông chủ cũng thế, họ chỉ muốn được tuân lệnh.
Hoàng tử Alfred nhấn mạnh, Chúng tôi muốn giáo dục coi học sinh là chủ thể, để họ được đối thoại, sáng tạo, độc lập và phát triển tư duy. Mỗi trẻ có một khả năng khác nhau và giáo dục hãy làm nhiệm vụ khơi dậy và phát huy khả năng riêng biệt của mỗi cá nhân. Các nhà giáo dục hãy coi học sinh như con cái mình.
Trao đổi tại buổi tiếp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận rất tán thành những ý kiến đóng góp của Hoàng tử Alfred và thông báo, nhiều năm nay, Việt Nam cũng đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm. Người Việt Nam nói chung, các nhà giáo dục nói riêng luôn ý thức chăm chút và tin vào thế hệ tương lai của đất nước.
Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Chúng tôi luôn tiếp thu và lựa chọn những mô hình tiên tiến, phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước để áp dụng có hiệu quả nhất. 
Về chuỗi sự kiện “Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình”, đặc biệt là sự ghé thăm của các học giả đoạt giải Nobel, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, ngành giáo dục sẽ chuẩn bị tốt nhất cho các sự kiện diễn ra tốt đẹp. Bởi đây không chỉ là cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam, các sinh viên Việt Nam được trực tiếp trao đổi với các học giả nổi tiếng mà còn khơi dậy sự sáng tạo, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển của khoa học của đất nước. Cơ hội này, những người được hưởng lợi nhiều nhất chính là những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
“Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến Văn hóa Hòa bình”
Bắt đầu từ tháng 11/2012, chuỗi sự kiện “Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” sẽ được tổ chức liên tục tại các tỉnh thành Việt Nam, với sự tham gia của những người đã được trao giải Nobel trong các lĩnh vực Kinh tế, Hòa bình, Vật lý, Hóa học và Dược cũng như các diễn giả tiêu biểu khác.
Hoàng tử Alfred và phu nhân trong cuộc gặp với lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng - Bộ GD&ĐT (Ảnh: gdtd.vn)
Hoàng tử Alfred và phu nhân trong cuộc gặp với lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng - Bộ GD&ĐT về chuỗi sự kiện “Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến Văn hóa Hòa bình” (Ảnh: gdtd.vn)
Chuỗi sự kiện được đồng tổ chức bởi Quỹ Hòa bình Quốc tế và Bộ Giáo dục Đào tạo, cùng nhiều đối tác trong và ngoài nước khác. Tổ chức UNESCO cũng tham gia chuỗi sự kiện “Cầu nối” từ năm 2003 khi sự kiện này được tổ chức tại Đông Nam Á như một đóng góp cho Thập kỷ Quốc tế Văn hóa vì Hòa bình và Phi bạo lực của Liên Hợp Quốc.
Chương trình tại Việt Nam nối tiếp chuỗi 450 sự kiện “Cầu nối” của Quỹ Hòa bình Quốc tế đã diễn ra tại Thái Lan, Philippines, Malaysia và Campuchia từ năm 2003. Tham dự chương trình Cầu nối có 38 người sở hữu giải Nobel, 18 diễn giả và các danh nhân như Tiến sĩ Hans Blix, Jackie Chan, Mục Sư Jesse Jackson, Vanessa-Mae, Jessye Norman, Oliver Stone và Tiến sĩ James Wolfensohn. Chuỗi sự kiện tại Thái Lan được Nữ hoàng Sirikit và Công chúa Maha Chakri Sirindhorn chủ trì đã thu hút được 140.000 người tham dự.
50 sự kiện của chương trình “Cầu nối” sẽ được tổ chức từ tháng 11/2012 đến 4/2013. Những nhân vật sở hữu giải thưởng Nobel sẽ lần lượt đến Việt Nam để tham gia vào những hoạt động, các buổi hội thảo, các cuộc nói chuyện, giao lưu được các cơ quan địa phương tổ chức trong 6 tháng liên tiếp.
Chủ đề và mục tiêu của chuỗi sự kiện “Cầu nối”
Các chủ đề của chuỗi sự kiện sẽ nằm trong khuôn khổ nội dung “xây dựng văn hóa hướng tới hòa bình và sự phát triển của một thế giới toàn cầu hóa” và một loạt các vấn đề về chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa và báo chí. Sự kiện sẽ nhấn mạnh vào những thách thức của toàn cầu hóa và chủ nghĩa khu vực cũng như những tác động của chúng lên sự phát triển và hợp tác quốc tế.
Mục tiêu của “Cầu nối” là tạo điều kiện tăng cường đối thoại và thông tin liên lạc giữa các nền văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo trong khu vực Đông Nam Á và với các nước trên thế giới, thúc đẩy sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, thiết lập mối quan hệ lâu dài trong việc hợp tác những chương trình nghiên cứu chung và các chương trình khác. Với mục tiêu nâng tầm kiến thức khoa học, công nghệ và giáo dục thành cơ sở cho hòa bình và phát triển, các sự kiện “Cầu nối” sẽ giúp tăng cường sự hợp tác hướng tới hòa bình, tự do và an ninh trong khu vực, cùng sự tham gia tích cực của các thế hệ trẻ-tương lai của Đông Nam Á.
“Cầu nối” được tổ chức như một chuỗi hội thảo liên tục, thay vì một sự kiện đơn lẻ. Tất cả các sự kiện “Cầu nối” đều mở cửa tự do và miễn phí cho công chúng tham gia. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà tài trợ, trong đó nổi bật nhất là Hiệp hội Jackie Chan, Công ty BMW Euro Auto, khách sạn Hilton Hanoi Opera, Moevenpick Saigon Hotel.
Danh sách các diễn giả và các học giả đoạt giải Nobel sẽ đến Việt Nam
Trong tháng 11: Giáo sư Roger Myerson thuộc Đại học Chicago, đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2007 cho nghiên cứu về Lý thuyết phác thảo cơ chế. Lý thuyết phác thảo cơ chế nhằm phác thảo các điều kiện kinh tế cần thiết để tất cả các bên giao dịch thu được kết quả lớn  nhất. Hiện nay, lý thuyết này đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế và khoa học chính trị. Giáo sư Myerson sẽ giảng về chủ đề “Cơ chế lãnh đạo, nền dân chủ và chính quyền địa phương” vào ngày 15 và 16/11 tại Hà Nội.
Cũng trong tháng 11: Giáo sư Harald zur Hausen thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Ung Thư của Đức tại Heidelberg đoạt giải Nobel Y học cho khám phá của ông về vi-rút HPV, loại vi-rút gây ung thư cổ tử cung, loại ung thư phổ biến thứ hai trên nữ giới. Ông cũng đã xác định được các dòng vi-rút chính gây ung thư và đã phát triển ra các loại vắc-xin có hiệu quả chống ung thư lên đến 95%. Giáo sư zur Hausen sẽ giảng về chủ đề “Phòng chống ung thư: thách thức cho ngành y tế toàn cầu” vào ngày 28/11 tại TP HCM và 30/11 tại Hà Nội.
Trong tháng 12:  Giáo sư Douglas Osheroff thuộc Đại học Stanford, đoạt giải Nobel Vật lý cho khám phá của ông về tính siêu lỏng của heli-3”. Ông từng làm việc trong đội điều tra Tàu con thoi Columbia và hiện đang hoạt động trong Ban quản trị Hội các nhà khoa học và kỹ sư Mỹ, tổ chức chuyên về thúc đẩy khoa học trong chính phủ Mỹ. Giáo sư sẽ giảng về chủ đề “Khoa học thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào” vào ngày 14/12 tại Hà Nội.
Trong tháng 1/2013:Giáo sư Muhammad Yunus, nhà sáng lập Ngân hàng Grameen, đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2006 cho những đóng góp của ông trong phát triển xã hội và kinh tế bằng tín dụng vi mô. Hiện nay ở Bangladesh, ngân hàng Grameen phục vụ 8 triệu người ở hơn 80.000 làng. 97% người vay tiền ngân hàng là phụ nữ, và hơn 97% khoản nợ  được hoàn lại, một tỷ lệ cao hơn bất kì hệ thống ngân hàng nào. Giáo sư Yunus sẽ giảng về “Tín dụng và tài chính vi mô: con đường phát triển xã hội và xây dựng hòa bình” vào ngày 16/1 tại Hà Nội.
Cũng trong tháng 1: Giáo sư Sir Harold Kroto thuộc Đại học Bang Florida, đoạt giải Nobel Vật Lý cho khám phá của ông về một hợp chất carbon có tên gọi fullerenes. Hiện tại ông đang tiến hành nghiên cứu về công nghệ nano. Ông cũng đã thành lập Vegas Science Trust, một kênh truyền hình về giáo dục và khoa học được phát sóng tại hơn 65 quốc gia. Nhiều chương trình của kênh này đã được phát sóng trên đài BBC. Giáo sư Kroto sẽ giảng về chủ đề “Giáo dục - nền tảng của Hòa bình và chìa khóa khai sáng nhân loại” vào ngày 30/1 tại Hà Nội
Trong tháng 3: Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà toán học người Việt thuộc Đại học Chicago, đoạt giải thưởng Fields năm 2010 sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”. Công trình của giáo sư được tạp chí Times công nhận là một trong 10 các khám phá khoa học tiêu biểu năm 2009. Nhận danh hiệu giáo sư năm 33 tuổi, ông là giáo sư trẻ nhất Việt Nam. Năm 2011, ông được Thủ tướng bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Toán học cao cấp tại Hà Nội. Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ giảng về chủ đề “Phương pháp học tập” vào ngày 13/3 tại Hà Nội và ngày 15/3 tại TP HCM.
Cùng trong tháng 3: Giáo sư Romano Prodi, 2 lần làm Thủ tướng Ý và là Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu từ năm 1999 - 2004. Khi đương nhiệm Thủ tướng, ông chủ trương tư nhân hóa ngành viễn thông và cải cách các chính sách về việc làm và hưu trí. Khi đương nhiệm Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu, ông được ghi nhận là có công lao trong việc giám sát sự ra đời của đồng Euro khi Liên minh Châu Âu mở rộng ra khỏi phạm vi Tây Âu. Giáo sư Prodi sẽ giảng về chủ đề “Chính trị và hòa bình - hợp tác trên toàn thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa” vào ngày 18/3 tại Hà Nội.
Cuối cùng, vào tháng 4/2013: Giáo sư Oliver Williamson thuộc Đại học Carlifornia tại Berkeley đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2009 cho nghiên cứu về quản lý kinh tế và các cơ chế thị trường. Bằng cách phân tích các điểm tương đồng và khác biệt giữa cách đưa ra quyết định, cách quản lý và cung cấp dịch vụ mang tính thị trường và phi thị trường, giáo sư Williamson đã tạo ảnh hưởng lớn trong cuộc tranh luận về ranh giới giữa công cộng và tư nhân. Giáo sư Williamson sẽ giảng về chủ đề “Đổi mới trong tổ chức tại các nước phát triển và đang phát triển” vào ngày 24/4 tại Hà Nội và 26/4 tại TP HCM.
Kim Thoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ