Tiêu cực trong nhà trường, vì sao dễ gây phẫn nộ?

GD&TĐ - Những nhức nhối xung quanh các vụ bạo lực học đường còn chưa dứt, dư luận lại tiếp tục rung chuyển bởi một vụ việc khác, liên quan đến nghi vấn thầy giáo lạm dụng tình dục 7 học sinh nam ngay tại Hà Nội. Giáo dục lại một lần nữa trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận…

Với sứ mệnh của mình, nhà trường mặc nhiên được kỳ vọng là "căn cứ địa văn hóa" (Ảnh minh họa)
Với sứ mệnh của mình, nhà trường mặc nhiên được kỳ vọng là "căn cứ địa văn hóa" (Ảnh minh họa)

Báo Giáo dục và Thời đại xin giới thiệu tới bạn đọc quan điểm của TS. Giáp Văn Dương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vietschool quanh vấn đề: Vì sao tiêu cực trong nhà trường dễ gây phẫn nộ?.

Bởi sứ mệnh sinh ra con người thêm lần nữa

Liệu như vậy có quá khắt khe với giáo dục, khi tiêu cực ở đâu, ngành nào cũng có, mà có thể còn nghiêm trọng hơn như thế rất nhiều?

Vây, tại sao những vụ việc của ngành giáo dục, đặc biệt liên quan đến đạo đức nhà giáo, lại thu hút sự quan tâm lớn đến như vậy của xã hội?

Theo TS. Giáp Văn Dương, muốn trả lời được câu hỏi này, cần thiết phải nhìn lại vai trò và sứ mệnh của giáo dục và của người thầy.

Từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi trên trái đất này, nhà trường luôn là nơi bồi đắp và nuôi dưỡng nhân cách con người. Thất học, hay không được đến trường, vì thế trở thành một ám ảnh đáng sợ, vì đồng nghĩa với việc đánh mất nhiều cơ hội được dạy dỗ trở thành người.

Đó là sứ mệnh cao quý của nhà trường. Và hiện thân của sứ mệnh đó, người bảo vệ và vun đắp sứ mệnh đó, không ai khác, chính là người thầy.

Với Tiếng Việt, nếu người sinh ra ta được gọi là thầy, thì người dạy học cũng được gọi là thầy. Vì thế, người Việt chúng ta đã quan niệm, người thầy, hay rộng hơn là nhà trường, là người sinh ra ta một lần nữa. Nếu ngày chào đời, mẹ sinh ra ta như một con người sinh học – cá nhân, thì ngày đầu đến trường, các thầy cô sẽ sinh ra ta một lần nữa như một con người văn hóa – xã hội.

Trở lại với câu hỏi chính: Vì sao khi các vụ việc tiêu cực, bạo lực, lạm dụng, gian dối… diễn ra trong nhà trường, đặc biệt khi nguyên nhân là do giáo viên gây ra lại gây phản ứng lớn như vậy từ xã hội?

Suy cho cùng, thầy cô cũng chỉ là một công dân, có tốt có xấu, bình đẳng như mọi công dân khác trước pháp luật. Hà cớ gì phải bắt thầy cô sống như thánh nhân, hoàn hảo không tì vết, không được phạm lỗi?

Theo TS. Dương, câu trả lời rất đỗi giản dị: Vì sứ mệnh của nhà trường, của người thầy làm cho xã hội kỳ vọng như thế, và phản ứng như thế cũng hoàn toàn dễ hiểu nếu mọi việc diễn ra trái với kỳ vọng.

Vậy sứ mệnh của nhà trường và người thầy là gì?

"Sứ mệnh đó không là gì khác ngoài nâng đỡ và phát triển con người. Đây là lẽ sống, là lý do tồn tại của nhà trường và của người thầy.

Vì thế, mỗi khi có vụ việc gì diễn ra trái ngược với sứ mệnh này, với kỳ vọng này của xã hội về nhà trường và về người thầy, dư luận lại bùng nổ, không khoan nhượng.", TS.Dương nhấn mạnh.

TS. Giáp Văn Dương

Bởi nhà trường là “căn cứ địa văn hóa”

Từ những phân tích trên, TS. Giáp Văn Dương nhận định: Theo thời gian, nhà trường và người thầy trở thành sự tin tưởng của cha mẹ, trở thành nơi trú ngụ của tâm hồn trẻ nhỏ. Cha mẹ trao con cho thầy cô, cho nhà trường, với sự tin tưởng chân thành. Còn trẻ nhỏ đến trường, đến với thầy cô với với sự hồn nhiên và sự tin tưởng gần như tuyệt đối.

Khi đã được tin tưởng gần như tuyệt đối như thế, thì sự tin tưởng đó không còn đơn thuần là sự tin tưởng, mà chuyển thành trách nhiệm, sứ mệnh và kỳ vọng.

Vì thế, mỗi khi có vụ việc tiêu cực xảy ra trong nhà trường, thì cảm xúc của xã hội, của các phụ huynh dễ dâng lên cao trào, trở thành bức xúc lớn và khủng hoảng đối với nhà trường. Tương tự như người được ta tin yêu, nếu gây ra lỗi lầm nào đó, thì ta sẽ thất vọng vô cùng.

Không chỉ nâng đỡ và phát triển con người, những hoạt động và truyền thống lâu đời của nhà trường trong mọi thời đại, mọi xã hội đã dần biến trường học trở thành "căn cứ địa văn hóa" và là nơi bảo vệ nhân tính, hoặc ít nhất cũng được xã hội mặc định vai trò của nhà trường là nhân văn và tốt đẹp.

Vì lẽ đó, mỗi khi có vụ việc nào đó phản văn hóa, phản nhân văn diễn ra trong nhà trường, thì dư luận lại sôi sục phản đối.

Cũng bởi vậy, việc coi người thầy là công dân bình đẳng trước pháp luật với mọi công dân khác tuy đúng về lý, nhưng không thấu về tình, về kỳ vọng của xã hội, và về cái hiểu mặc định của xã hội đối với nhà trường và với người thầy.

Đó là lý do vì sao những tiêu cực trong trường học lại gây chú ý và chịu sự phán xét lớn như vậy của xã hội.

Đó cũng là lý do vì sao nghề dạy học không đơn thuần chỉ là một công việc để kiếm sống như bao công việc khác. Và gánh nặng, trách nhiệm trên vai các nhà giáo thường lớn hơn rất nhiều so với những ngành nghề khác.

“Nếu nhà trường và nhà giáo không có nền tảng tinh thần vững vàng, không có các giá trị sống lành mạnh và rõ ràng để định chuẩn, không có triết lý giáo dục và triết lý sống đúng đắn để định hướng, thì rất dễ đánh mất mình, hoặc phạm phải những lỗi đạo đức, gây ra những cơn cuồng nộ cho dự luận.

Đã chọn làm nghề giáo, bạn đừng quên vai trò, trách nhiệm của mình trước vận mệnh tương lai của đất nước. Bởi khi đã chọn nghề thì cần đảm bảo bản thân có đủ tố chất để nhân lên điều tốt đẹp, phải trau dồi thường xuyên, để xứng đáng với kỳ vọng lớn lao của xã hội.” – TS. Giáp Văn Dương

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ