Tiêu chí xét tặng "Biểu tượng vàng nguồn lực Việt Nam lần thứ I năm 2011"

Tiêu chí xét tặng "Biểu tượng vàng nguồn lực Việt Nam lần thứ I năm 2011"

(GD&TĐ) - Nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là yếu tố quyết định sự thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mà còn có ý nghĩa không kém phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội như bất bình đẳng, đói nghèo, các vấn đề về môi trường và sự tiến bộ về mọi mặt của xã hội.

Tuy nhiên, vai trò quyết định của nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ trở thành hiện thực khi người lao động được đào tạo để có năng lực và phẩm chất cần thiết đáp ứng được những yêu cầu mà quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đặt ra hiện nay và cả tương lai. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã quyết định trọng tâm của nhiệm vụ phát triển đất nước là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020 cũng đã được Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội (theo đó, đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu phát triển nguồn nhân lực: tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 55%).

Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, cần có nhiều giải pháp thiết thực, nhưng việc chú trọng sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động, các doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng: không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo với thực tế khắc phục tình trạng bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực vừa qua, mà còn tạo sự chủ động cho người được đào tạo, cho các cơ sở đào tạo, cho các đơn vị sử dụng lao động, các doanh nghiệp.

Từ mục đích ý nghĩa quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói trên và để góp phần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước, Trung tâm phát triển nhân lực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Quốc tế Sao Mai Media tổ chức Chương trình “Nguồn nhân lực Việt Nam - Lần thứ I, năm 2011”; với sự bảo trợ của Bộ Giáo dục - Đào tạo; Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Chương trình là một chuỗi các sự kiện như triển lãm, hội thảo, tọa đàm…  ghi nhận thành tựu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế; đồng thời tôn vinh và trao tặng “Biểu tượng vàng Nguồn nhân lực Việt Nam - Lần thứ I, năm 2011” cho các cá nhân, tập thể, các cơ sở đào tạo, các đơn vị sử dụng lao động, các doanh nghiệp tiêu biểu, có thành tích trong phát triển nguồn nhân lực, lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong nước; hướng tới khẳng định trình độ và sự chuyên nghiệp của nguồn nhân lực Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Đối với các cơ sở đào tạo tiêu biểu có thành tích trong công tác Giáo dục - Đào tạo, phát triển nhân lực

Đối tượng xét tặng: Nhóm hệ thống các cơ sở Giáo dục, đào tạo bao gồm cả Công lập và Dân lập: khối các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp nghề, Trường THPT, Trường THPT Dân tộc nội trú, các Trường dạy nghề, Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm đào tạo, xúc tiến việc làm.

Tiêu chí xét tặng

* Tiêu chí chung:

- Số lượng CBCNV trong đơn vị

- Trình độ chuyên môn của các CBCNV trong đơn vị

- Các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao đơn vị đã thực hiện (Có giấy tờ, chứng nhận đính kèm).

- Những hoạt động và công tác đoàn thể được triển khai (Công tác Đảng, công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Hội LHTN).

- Các thành tích của đơn vị

* Tiêu chí đặc thù:

1. Chính sách đào tạo và phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

- Chính sách, chế độ đãi ngộ ưu tiên để thu hút các học viên.

- Các chiến lược hoạt động và kế hoạch đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của đơn vị.

- Các loại hình đào tạo; hoạt động gắn kết với các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động.

- Sử dụng các trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin, các ứng dụng khoa học công nghệ khác trong quá trình đào tạo, dạy và học.

- Ngân sách sử dụng trong công tác đào tạo hàng năm bao gồm: ngân sách sử dụng để đổi mới và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, ngân sách dành cho nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới khoa học công nghệ (đáp ứng nhu cầu dạy và học)

2. Hiệu quả quản lý:

- Có sự liên kết với các Trung tâm đào tạo nghề và các doanh nghiệp phục vụ cho công tác hướng nghiệp và sử dụng nguồn nhân lực do đơn vị đào tạo.

- Mô hình liên kết đào tạo và hiệu quả: liên kết đào tạo trong nước, liên kết đào tạo với nước ngoài (nếu có – kèm theo các Hợp đồng liên kết).

- Các công trình nghiên cứu khoa học đã được triển khai và áp dụng trong thực tiễn phục vụ công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Thống kê tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi ra trường hàng năm.

Đối với doanh nghiệp tiêu biểu, xuất sắc trong công tác thu hút, sử dụng, phát triển nguồn nhân lực

Đối tượng xét tặng: Đối tượng được xét trao tặng “Biểu tượng vàng Nguồn nhân lực Việt Nam – Lần thứ I, năm 2011” là các doanh nghiệp tiêu biểu có đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, đạt kết quả cao trong công tác thu hút, đào tạo, sử dụng lao động chất lượng cao (hoặc doanh nghiệp có cơ sở đào tạo), có đơn đăng ký và hồ sơ hợp lệ tham gia chương trình.

Tiêu chí xét tặng

* Tiêu chí chung:

-  Tóm tắt kết quả sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp

- Đóng thuế, lợi nhuận.

- Thành tích doanh nghiệp trong hoạt động và sản xuất kinh doanh

- Những hoạt động văn hóa và công tác đoàn thể được triển khai (Công tác Đảng, công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội LHTN).

- Trách nhiệm đối với người lao động (chế độ BHXH, BHYT, an toàn, vệ sinh lao động, các phúc lợi xã hội cho người lao động)

* Tiêu chí đặc thù

1. Năng lực đào tạo nguồn nhân lực của doanh nghiệp

- Các liên kết của doanh nghiệp với cơ sở đào tạo/các trung tâm xúc tiến việc làm

- Các hình thức đào tạo (cơ sở đào tạo hoặc tự đào tạo)

- Ngân sách dành cho đào tạo của doanh nghiệp trong 3 năm gần đây (2008, 2009, 2010)

- Quy định về đào tạo nhân sự của doanh nghiệp (cơ cấu đào tạo, tiêu chí được tham gia đào tạo, ...)

- Các hỗ trợ của doanh nghiệp đối với nhân sự được tham gia đào tạo

2. Chiến lược sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp

- Chính sách thu hút nhân lực của doanh nghiệp

- Chính sách, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực trong nội bộ doanh nghiệp

- Chính sách quản lý lao động tại doanh nghiệp

- Ngân sách trang bị cơ sở vật chất, các trang thiết bị văn phòng/nhà xưởng tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động

- Bình quân lương của cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp

3. Chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp

- Quản lý tăng trưởng về chất lượng chuyên môn của cán bộ công nhân viên qua 3 năm gần đây (2008, 2009, 2010) (có bảng so sánh)

- Tăng trưởng về chất lượng chuyên môn của quản lý doanh nghiệp qua 3 năm gần đây (2008, 2009, 2010) (có bảng so sánh)

- Đóng góp của người lao động đối với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (lợi nhuận bình quân/lao động)

Đối với cá nhân có đóng góp trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Đối tượng xét tặng:

- Cá nhân được xét tặng là các cán bộ, công chức, nhà giáo, công nhân viên công tác trong ngành giáo dục, đào tạo hoặc là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam.

- Đối với doanh nhân: Điều kiện tham gia xét thưởng là người đứng đầu doanh nghiệp, chủ tập thể sản xuất kinh doanh (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc) có nhiều đóng góp về việc quản lý, tổ chức điều hành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, bên cạnh đó hoàn thành trách nhiệm với Nhà nước và tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội.

Tiêu chí xét tặng

Đối với cá nhân thuộc đối tượng là cán bộ, công chức, nhà giáo, công nhân viên công tác trong ngành giáo dục:

- Có chức vụ và quyền hạn (nếu có), trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, thời gian công tác được cơ quan quản lý xác nhận.

- Có các thành tích tiêu biểu và danh hiệu thi đua được khen thưởng như:

+ Chiến sỹ thi đua

+ Anh hùng lao động

+ Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú

+ Có các công trình nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được công nhận

+ Các bằng khen của Chính phủ, cấp Bộ, bằng khen UBND Tỉnh, chứng nhận quốc tế...

 (Có giấy tờ hợp pháp chứng minh những thành tích đạt được nêu trên).

Cá nhân là Lãnh đạo doanh nghiệp:

- Trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, thời gian công tác được cơ quan quản lý xác nhận.

- Chủ trì các chính sách về sử dụng, phát triển nguồn nhân lực

- Các chính sách xây dựng văn hóa doanh nghiệp

- Kết quả việc thực hiện công tác đào tạo nhân sự của doanh nghiệp trong 3 năm gần đây (2008, 2009, 2010)

- Có các thành tích khen thưởng tiêu biểu trong công tác phát triển nguồn nhân lực. (Có giấy tờ hợp pháp chứng minh những thành tích đạt được nêu trên)

Đối với cá nhân không công tác trong ngành giáo dục nhưng có đóng góp to lớn  trong giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

- Lý lịch trích ngang (học hàm, học vị, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ…)

- Thời gian công tác

Có công lao đóng góp xây dựng, ủng hộ tài chính, hiện vật để tăng cường cơ sở vật chất hoặc có các công trình nghiên cứu khoa học được công nhận, có giá trị thiết thực phục vụ cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (có cơ quan quản lý xác nhận).        

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ