Tiết lộ tầm nhìn của Tổng thống Putin về bầu cử

GD&TĐ - Cố vấn kinh tế Maksim Oreshkin của Tổng thống Nga cho biết ông Putin không nghĩ đến cuộc bầu cử tiếp theo mà là thế hệ tiếp theo.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Trợ lý Maksim Oreshkin. (Ảnh Sputnik / Ramil Sitdikov).
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Trợ lý Maksim Oreshkin. (Ảnh Sputnik / Ramil Sitdikov).

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Moskovsky Komsomolets (MK), được công bố vào đêm trước hội nghị trí tuệ nhân tạo hôm 22/11 ở Moscow, ông Oreshkin tiết lộ tầm nhìn lập kế hoạch của nhà lãnh đạo Nga.

Theo ông Oreshkin, so với các nền dân chủ châu Âu, Nga có ưu thế. Khoảng thời gian quy hoạch ở phương Tây rất ngắn, chủ yếu là cầm cự cho đến cuộc bầu cử tiếp theo.

Trong khi đó, ông cho biết tầm nhìn lập kế hoạch của Tổng thống Putin không phải là 3 tháng, 1 năm hay thậm chí là 5 năm, mà các hàng thập kỷ và các thế hệ phía trước.

Ông Oreshkin chỉ ra nước Nga đã thay đổi nhiều như thế nào kể từ năm 2000, khi ông Putin lần đầu đắc cử, đồng thời lưu ý đến sự gia tăng về tuổi thọ, quyền sở hữu xe hơi và nhà ở, sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu.

“Vấn đề là ông Putin không đưa ra một quyết định nào ‘cho bầu cử’, dựa trên tầm nhìn lập kế hoạch ngắn hạn. Ông ấy luôn nghĩ đến thế hệ tiếp theo” - trợ lý Tổng thống Nga nói.

Ông Oreshkin phủ nhận việc Điện Kremlin đang chuẩn bị bất kỳ “viên thuốc đắng” nào cho người Nga sau cuộc bầu cử tháng 3/2024. Thay vào đó, chính phủ đã nghĩ đến chiến lược phát triển giáo dục và cơ sở hạ tầng.

“Tất cả chúng ta đều mong muốn thấy cơ sở hạ tầng xã hội trong nước được cải thiện nhanh nhất có thể, đẩy nhanh tốc độ cải tạo trường học, nhà trẻ, đường sá và cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Câu hỏi chỉ là làm thế nào để chi trả cho sự thay đổi nhanh chóng như vậy” - ông nói với MK.

Theo ông Oreshkin, Nga đã cố gắng đối phó tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt của phương Tây và nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 5% trong quý 3 năm 2023.

Thâm hụt ngân sách nhỏ hơn nhiều so với dự đoán của Điện Kremlin và tình hình kinh tế chung.

Các lĩnh vực duy nhất vẫn còn bị tổn thương là những lĩnh vực từng phụ thuộc vào xuất khẩu sang châu Âu - như dầu, khí đốt và gỗ xẻ, hoặc lĩnh vực bị các nhà cung cấp phương Tây thống trị, như ô tô.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ