F-35 dự định sẽ thay thế cho hầu hết các tiêm kích trong biên chế không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ, bao gồm cả những thiết kế đặc biệt như cường kích A-10 Thunderbolt . Khi điều đó xảy ra, bộ binh có nguy cơ mất đi sự hỗ trợ đường không vốn có.
Dave Majumdar, một sĩ quan Không quân Mỹ nghiên cứu kỹ về chương trình F-35 nói: “Tại thời điểm đạt được khả năng hoạt động ban đầu, F-35 đã bị lỗi thời khoảng 10 năm. Vũ khí và hệ thống cảm biến của nó không đáp ứng các yêu cầu về một máy bay yểm trợ gần tương tự như các máy bay chiến đấu đa chức năng đang có".
Vấn đề này xuất phát từ thực tế rằng, công nghệ cảm biến quang-điện tử EOSP của F-35 đã phát triển hơn một thập kỷ trước đây đã trở nên lỗi thời. Về cơ bản EOSP tương tự như các máy ảnh truyền hình độ phân giải cao được sử dụng để nhận dạng hình ảnh và giám sát các mục tiêu trên mặt đất. Hệ thống này cũng có thể đánh dấu mục tiêu cho bom dẫn đường laser.
Ông Majumdar nói thêm: “Hệ thống nhắm mục tiêu quang-điện tử là một bước thụt lùi, công nghệ này đã ra đời hơn 10 năm. Nó không được cập nhật các cải tiến công nghệ gần đây, bên cạnh đó còn có một số vấn đề liên quan đến đặc tính bay và khả năng tàng hình trước radar. Tôi nghĩ rằng đó là một trong những lý do gây nên những thất vọng đối với hệ thống điện tử của máy bay mới”.
Trong khi đó, thật nực cười, những máy bay thế hệ 4 và 4+ đang có của không quân, hải quân và thủy quân lục chiến lại được trang bị hệ thống cảm biến nhắm mục tiêu tiên tiến hơn nhiều so với cảm biến EOSP trên tiêm kích tàng hình F-35.
Ngay khi đi vào hoạt động, tiêm kích F-35 mới nhất của Mỹ đã lỗi thời khoảng 10 năm. |
Các bộ cảm biến tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu mới nhất như ATP-SE Sniper của Lockheed Martin hay LITENING-SE của Northrop Grumman có hình ảnh video chất lượng cao hơn nhiều, phạm vi hoạt động của dải hồng ngoại và quang học cũng tốt hơn. Điều quan trọng là những hệ thống này có khả năng truyền video thời gian thực cho bô binh bên dưới, cung cấp thông tin tình báo vô cùng quý giá.
Cả hai hệ thống trên đều có khả năng chỉ thị mục tiêu bằng laser và hồng ngoại, một tính năng mà EOSP không có được. Tính năng này giúp phi công dễ dàng kiểm soát mặt đất để phối hợp hành động trong các đợt tấn công. Các phi công tin rằng, sự có mặt của tính năng chỉ thị mục tiêu bằng hồng ngoại là một yếu tố cần thiết cho máy bay yểm trợ bộ binh ở tầm gần.
Quan điểm của các nhà thiết kế cho rằng, việc trang bị tích hợp hệ thống EOSP vào bên trong F-35 nhằm đảm bảo khả năng tàng hình của nó trước radar (các hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu gắn ngoài thường làm giảm khả năng tàng hình của máy bay).
Tiêm kích F-35 không phải là một vũ khí hiệu quả cho nhiệm vụ hỗ trợ bộ binh tầm gần như các máy bay đang hoạt động. |
Ở giai đoạn những năm 1990, khi Lầu Năm Góc giới thiệu chương trình tiêm kích tàng hình F-35 , lúc đó hệ thống EOSP được xem là một sự đột phá công nghệ. Tuy nhiên, đã 14 năm trôi qua kể từ khi hợp đồng giữa Lầu Năm Góc và Lockheed Martin được ký kết. Trong thời gian qua, EOSP đã lỗi thời ít nhất 2 thế hệ, nói cách khác, máy ảnh của nó không có độ phân giải tương đương với các hệ thống hiện hành.
Các máy bay chiến đấu của Mỹ đang hoạt động có hệ thống nhắm mục tiêu tốt hơn nhiều so với F-35. Điều đó có nghĩa là các phi công F-35 sẽ không nhìn thấy chiến trường mặt đất một cách hiệu quả như các máy bay chiến đấu hiện nay.
Sự vắng mặt của hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại là một vấn đề lớn. Các máy bay tấn công mặt đất hiện nay như A-10, F-15E và F/A-18, các phi công đều sử dụng cảm biến hồng ngoại để tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu. Trong trường hợp các lực lượng mặt đất tiếp cận đến khu vực mục tiêu, các phi công có thể sử dụng cảm biến hồng ngoại để cảnh báo khi đối phương xuất hiện thông qua liên kết thời gian thực. Nhưng F-35 không thực hiện được điều này.
Đại diện nhà sản xuất Lockheed Martin đã không thể trả lời những câu hỏi liên quan đến hệ thống cảm biến của F-35 trong một cuộc họp báo gần đây. Chương trình F-35 cũng không có một kế hoạch về một giải pháp cụ thể cho vấn đề này. Nếu có thêm thời gian để đầu tư cho hệ thống EOSP đó có thể là một giải pháp khả thi.
Tuy vậy, điều đó sẽ làm tăng chi phí thêm 5 triệu USD trên mỗi chiếc F-35. Các nhà phân tích quân sự cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ các nhà sản xuất cố tình tạo ra một hệ thống mà cần phải tốn khá nhiều tiền để hiện đại hóa nó. Kết quả là khi đi vào hoạt động, F-35 sẽ có hiệu suất kém hơn so với các máy bay đang hoạt động.