Tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng

GD&TĐ - Thời điểm này, cả nước bắt đầu bước vào cao điểm của mùa hè (với miền Bắc và Bắc miền Trung) và mùa khô (với khu vực phía Nam). Ngay những ngày đầu hè, cả nước cũng đã xảy ra một số đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng, khiến nhu cầu sử dụng điện năng tăng vọt kỷ lục. 

Chọn lựa và lắp đặt thiết bị điện theo nhu cầu vận hành đúng cách để tiết kiệm chi phí.
Chọn lựa và lắp đặt thiết bị điện theo nhu cầu vận hành đúng cách để tiết kiệm chi phí.

Trong số này, có phần đóng góp không nhỏ từ nhu cầu sử dụng điện năng phục vụ sinh hoạt gia đình, mà chủ đạo là máy lạnh (điều hòa).

Mọi chỉ số tiêu thụ điện tăng vọt

Cụ thể theo các con số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống kê sơ bộ từ trung tuần tháng 6 vừa qua, do tháng 6 là cao điểm của nắng nóng nên mức tiêu thụ điện tiếp tục tăng cao, có thể đạt mức công suất phụ tải lớn nhất lên đến 31.500 MW. Công suất phụ tải trên cao hơn nhiều so với mức 30.182 MW trong ngày cao điểm (2/6 của đợt nắng nóng kỷ lục trên diện rộng kéo dài hồi đầu tháng này (từ 1 – 5/6).

Để ổn định nguồn điện cho sinh hoạt và sản xuất thì hệ thống đường dây 500 kV Bắc-Nam luôn phải duy trì mức truyền tải cao liên tục trong mùa khô. EVN tiếp tục huy động cao các nguồn nhiệt điện than, điện khí phía Nam để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao trong mùa này. Đáng chú ý là các tổ máy nhiệt điện than sẽ phải chuẩn bị đầy đủ các nhiên liệu như than, dầu, thiết bị để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu huy động điện cho sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt là các nhà máy điện phía Nam như nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3...

Để giảm sức ép hệ thống điện và tránh quá tải cục bộ lưới điện trong tháng 6 này, các công ty điện lực địa phương sẽ không thực hiện cắt điện để sửa chữa lưới điện, theo EVN. Tuy nhiên, EVN kêu gọi người tiêu dùng tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện không cần thiết, điều chỉnh nhiệt độ điều hòa ở 26 độ C trở lên... EVN cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục hoàn thành các công trình nguồn để bổ sung cho hệ thống trong tháng 6 này như đốt than tổ máy số 2 nhiệt điện Vĩnh Tân 4, phát điện tổ máy số 4 thủy điện Trung Sơn, đốt than tổ máy số 1 nhiệt điện Thái Bình.

Như đã nói, một trong những nguồn tiêu thụ gia tăng trong nắng nóng là nhu cầu sử dụng máy lạnh (điều hòa) và các thiết bị làm mát của hộ gia đình, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Theo lãnh đạo EVN, trong số này nổi bật là máy lạnh (điều hòa), thiết bị gia dụng nằm trong nhóm đắt tiền (về trang bị) và tiêu tốn điện năng nhất (về chi phí sử dụng) của hầu hết các gia đình Việt Nam. Nếu biết áp dụng một số thủ thuật sử dụng máy lạnh hợp lý thì sẽ giúp các gia đình tiết kiệm được kha khá tiền điện, vừa giữ được thiết bị hoạt động dài lâu. Ngoài ra, các thành thị luôn luôn được ưu tiên điện hơn những vùng nông thôn, nếu chúng ta tiết kiệm điện thì những vùng quê sẽ ít bị cắt điện hơn, qua đó còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định sinh hoạt và sản xuất của người dân ở mọi vùng miền.

Chuẩn từ đầu, tiết kiệm dài lâu

Thiết nghĩ không cần nói thêm về “khả năng” tiêu thụ điện năng khủng của điều hòa, thông thường chỉ mình thiết bị này cũng kéo tăng gấp 2 – 3 lần chi phí hóa đơn tiền điện của mỗi gia đình trong các tháng hè so với những thời điểm khác trong năm. Anh Thanh Hải, kỹ sư cơ khí điện của Công ty Cổ phần bánh kẹo Hải Hà (HaHaCo) cho biết không chỉ riêng với các gia đình, mà ngay với những công ty sản xuất quy mô lớn như HaHaCo, bộ phận điện lạnh cũng hết sức quan trọng, từ thiết bị đến đội ngũ nhân viên kỹ thuật, không chỉ để đảm bảo quy trình sản xuất mà còn giúp tiết kiệm chi phí, bắt đầu khâu lắp đặt cho đến vận hành.

Anh Hải cho rằng, đối với các gia đình hay các cơ sở sản xuất thì yếu tố chọn mua máy lạnh là khâu quyết định đầu tiên của việc có tiết kiệm được năng lượng hay không. Theo anh, hiện nay trên thông số của các máy lạnh ngoài những tính năng, công suất, còn được dán thêm nhãn tiêu thụ năng lượng, đánh dấu từ 1 sao (*) tới 5 sao (*). Trong đó 1* là hao điện nhất và 5* là tiết kiệm điện nhất. Đa số máy lạnh đời mới hoặc máy lạnh inverter (máy lạnh sử dụng máy nén công nghệ biến tần) sẽ có nhãn 5*, có nghĩa là tiết kiệm điện nhất và được các doanh nghiệp hay những công sở, văn phòng chọn mua nhất, dù chi phí đầu vào cao hơn các dòng máy thông thường.

Kế đến là lắp đặt. Dù là ở khu vực sản xuất, văn phòng, phòng khách gia đình hay phòng ngủ, máy lạnh cần được lắp đặt ở vị trí hợp lý trong phòng để hạn chế các góc khuất, nhằm có thể làm lạnh được toàn bộ phòng. Khi lắp đặt, không nên để máy bị che chắn bởi các bức tường, kệ tủ quá cao sẽ làm chắn các luồng gió lạnh tỏa đi khắp phòng. Ngoài ra, theo anh Hải, người dùng cũng nên tìm hiểu các thông số phù hợp giữa công suất máy lạnh (phổ biến cho máy dùng gia đình là 1HP, 1.5HP, 2HP và 2.5HP) với thể tích của khu vực lắp đặt. Không gian quá lớn mà dùng máy nhỏ sẽ không đủ mát, làm máy phải chạy suốt khiến hao điện hơn.

Tiết kiệm điện, không phải ai cũng biết cách

Khâu vận hành thiết bị, hầu hết chúng ta đều quen thuộc, nhưng làm đúng cách thì không hẳn ai cũng biết. Kỹ sư Thanh Hải khuyên trước khi mở máy lạnh, nhớ kiểm tra đã đóng kín hết các cửa chưa, phòng càng kín thì hiệu suất làm lạnh của máy càng tốt, vì nhiệt ít bị thất thoát ra ngoài. Ngoài ra, nếu không gian lắp thiết bị có cửa sổ bằng kính thì nhớ kéo rèm để không bị ánh nắng rọi vào. Nhiệt lượng của ánh nắng sẽ làm phòng nóng lên, máy lạnh phải hoạt động nhiều hơn để làm mát phòng, cũng gây tốn điện hơn.

Chưa kể với các văn phòng hay gần đây các gia đình cũng thường làm trần thạch cao, cần bảo đảm lớp thạch cao đó hoàn toàn khép kín để không bị thoát nhiệt.

Bổ sung thêm vào kinh nghiệm này, anh Nguyễn Hùng, chuyên viên kỹ thuật điện lạnh của trung tâm điện máy HS (Giải Phóng – Hà Nội) cho biết một trong những vấn đề kỹ thuật anh thường được khách hàng gọi đến và dành nhiều thời gian tư vấn nhất là sự bất thường của thiết bị khi vận hành. Biểu hiện rõ nhất là bật máy lên nhưng không thấy độ lạnh, chỉ thấy gió thổi ra. Thông thường nguyên nhân là do máy bám nhiều bụi nên làm mát kém, hoặc bị thiếu gas làm lạnh nên công suất chạy không đủ.

Tuy nhiên cũng theo anh Hùng, với các thiết bị lắp đặt chưa lâu (chẳng hạn mới lắp đầu tháng 5 mà sang tháng 6 đã có vấn đề), khách hàng không nên tự sửa chữa hoặc thợ bên ngoài, mà cần liên hệ với nhà bảo hành của hãng hoặc trung tâm điện máy nơi mua máy để được trợ giúp, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tìm ra đúng lỗi của thiết bị để khắc phục đúng và giúp máy bền lâu hơn.

Bên cạnh đó là một số kinh nghiệm phổ biến khi sử dụng máy lạnh trong ngày nắng nóng mà các cơ quan điện lực trong nước, các kỹ thuật viên điện lạnh vẫn thường cung cấp tới người tiêu dùng như dùng nhiệt độ thiết bị hợp lý (không để nhiệt độ thiết bị cao hơn nhiệt độ phòng quá 3 độ; cài đặt công suất làm lạnh của mát tùy theo diện tích phòng hoặc số người sử dụng, hẹn giờ tắt máy; ngắt nguồn điện cung cấp nếu quá 1 tuần không sử dụng; để nhiệt độ vừa phải (có thể tương đương hoặc cao hơn 2 – 3 độ so với nhiệt độ phòng) và bổ sung thêm quạt mát…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ