Tiếp tục khắc phục một số hạn chế, yếu kém của các kỳ thi phổ thông

Tiếp tục khắc phục một số hạn chế, yếu kém của các kỳ thi phổ thông

(GD&TĐ) - Tại Hội nghị công tác thi, tuyển sinh năm 2013, Bộ GD&ĐT đã đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém của các kỳ thi phổ thông năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các quy chế mới cho các kỳ thi phổ thông năm 2013.

Tại kì thi thi tốt nghiệp THPT năm 2012, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi được triển khai tích cực, chu đáo từ Trung ương đến địa phương. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và của các địa phương được ban hành kịp thời, đáp ứng tiến độ tổ chức thi.

Ở các địa phương, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ tổ chức thi đã được đáp ứng; các phương án dự phòng, các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn được triển khai. Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2012 được bảo mật, an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các Hội đồng coi thi, các phòng thi và các thí sinh.

Nội dung đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, đảm bảo kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, đồng thời có khả năng phân hoá được trình độ thí sinh. Đề thi các môn Ngữ văn, Địa lí ra theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị - xã hội và yêu cầu kiến thức liên môn, được dư luận đánh giá cao.

Tỷ lệ học sinh đến dự thi so với tổng số học sinh đăng ký thi đạt 99,71%, tăng 0,07% so với kỳ thi năm 2011 (99,64%); trong đó, giáo dục THPT đạt 99,85%, tăng 0,04% so với năm 2011 (99,81%); giáo dục thường xuyên đạt 98,57%, tăng 0,11% so với năm 2011 (98,46%).

Nhìn chung, các Hội đồng coi thi đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy chế thi. Việc trực thi và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo có tiến bộ, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, tổ chức thi.

Công tác chấm thi và xét tốt nghiệp được triển khai đúng kế hoạch. Tổng số học sinh đỗ tốt nghiệp là 940.225, đạt tỷ lệ 97,63%. Trong đó: Giáo dục THPT: 848.731 học sinh, đạt tỷ lệ 98,97%; tỷ lệ đỗ TN loại giỏi là 2,59%; tỷ lệ đỗ TN loại khá là 20,79%; Giáo dục thường xuyên: 91.494 học sinh, đạt tỷ lệ 85,47%; tỷ lệ đỗ TN loại giỏi là 0,12%; tỷ lệ đỗ TN loại khá là 3,39%.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém. Công tác coi thi vẫn là một trong những khâu yếu kém nhất, giám thị ở một số phòng thi chưa làm tròn chức trách, thiếu nghiêm túc hoặc non kém về nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, để thí sinh quay cóp, chép bài của nhau, mang tài liệu vào phòng thi để gian lận, dẫn đến nhiều thí sinh làm bài thi giống nhau, trong đó, có những nội dung sai giống nhau.

Đặc biệt, tại Hội đồng coi thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang đã để xảy ra tình trạng giám thị và người không có trách nhiệm trong Hội đồng coi thi tham gia giải bài, ném bài cho thí sinh; giám thị buông lỏng trách nhiệm để thí sinh nhận tài liệu từ bên ngoài và quay cóp, chép bài của nhau trong phòng thi.

Sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể với ngành GD-ĐT trong tổ chức thi ở một số địa phương, ở một số khâu còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ và kém hiệu quả. Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được khắc phục triệt để, là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm, tiêu cực trong thi cử.

Sự giám sát của xã hội đối với kỳ thi chưa tạo được cơ chế giám sát của xã hội, phụ huynh và học sinh đối với các khâu của kỳ thi. Vì vậy, các hành vi vi phạm quy chế thi, các hiện tượng tiêu cực trong công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo... không được phát hiện kịp thời, xử lý chưa dứt điểm.

Công tác chấm thi có sai sót, vi phạm quy định của quy chế. Dựa trên kết quả tốt nghiệp của các đơn vị, Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định bài thi tự luận các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả thi tăng đột biến với so với các năm trước và trùng lặp nhiều ở một mức điểm.

Kết quả chấm thẩm định cho thấy, một số cán bộ chấm thi không thực hiện đúng quy định của quy chế, thiếu tinh thần trách nhiệm, hạ thấp yêu cầu đánh giá bài làm của thí sinh so với hướng dẫn chấm, đáp án của Bộ, vì vậy, có nhiều bài thi bị chấm sai, chấm không đúng đáp án và thang điểm hoặc bị cộng điểm sai; một số lượng đáng kể các bài thi có kết quả điểm công bố khác biệt so với kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT, chủ yếu là điểm công bố cao hơn từ 1,0 điểm đến 2,0 điểm, cá biệt là 3,0 điểm và cao hơn so với đáp án và thang điểm của Bộ GD&ĐT.

Những hạn chế trong công tác coi thi, chấm thi nêu trên cũng cho thấy công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi, chấm thi, công tác kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau kỳ thi ở các cơ sở giáo dục chưa thực sự sâu sát và thiếu chặt chẽ.

Hậu quả của những thiếu sót, khuyết điểm trên là kết quả thi tốt nghiệp THPT ở một số Hội đồng thi, cũng như kết quả thi tốt nghiệp THPT của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bài thi được chấm thẩm định và của cả nước bị sai lệch, cao hơn thực chất.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục thực hiện việc phân cấp, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các địa phương trong việc tổ chức thi. Cho phép học sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình, chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác, để tăng cường sự giám sát của xã hội đối với công tác coi thi.

Bổ sung quy định về việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài thi các môn thi tự luận; Bộ tổ chức Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để đảm bảo thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời, phục vụ công tác chỉ đạo, tổ chức thi từ Trung ương đến địa phương.
 
Tiếp tục được đổi mới công tác đề thi, theo hướng ứng dụng các thành tựu của khoa học đánh giá, ma trận đề thi; ra đề theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị - xã hội và yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp.

Lan Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.