Tiếp tục cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện nay

Tiếp tục cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện nay
ff

Nội dung chất vấn:

- Bên cạnh những tồn tại cần khắc phục trong giáo dục và đào tạo đại  học thì công tác giáo dục và đào tạo của các bậc phổ thông  cũng còn khá nhiều bất cập. Việc đánh giá kết quả của cả năm học bằng một kỳ thi cuối năm là không hợp lý, dễ dẫn đến tiêu cực và không thực chất, là “mầm mống” của căn bệnh thành tích.

- Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009 và năm học 2009-2010 theo hình thức trộn trường có mặt tích cực nhưng hiệu quả chưa cao. Việc di chuyển thí sinh giữa các trường thi gây tốn kém và tăng áp lực, khó khăn cho giáo viên và học sinh. Cần phải xem xét và đánh giá lại hiệu quả của việc tổ chức thi trộn trường này.

Xin hỏi: quan điểm của Bộ trưởng về hai vấn đề này và biện pháp khắc phục?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

1. Về đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông

Hiện nay, việc đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh phổ thông được thực hiện theo các văn bản: Quyết định số 40/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế Đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở (THCS) và học sinh trung học phổ thông (THPT); Quyết  định số 51/2008/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông; Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học.

Đối với học sinh THCS và học sinh THPT, việc đánh giá, xếp loại về học lực, xếp loại căn cứ vào điểm trung bình môn học (ĐTBm) và điểm trung bình các môn học (ĐTB) sau một học kỳ, một năm học, cụ thể:

- Điểm trung bình môn học kỳ (ĐTBmhk) là trung bình cộng của điểm các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ (hệ số 2) và kiểm tra học kỳ (hệ số 3); điểm trung bình môn cả năm (ĐTBmcn) là trung bình cộng của ĐTBMhk1 (hệ số 1) và ĐTBmhk2 (hệ số 2).

- Điểm trung bình các môn học kỳ (ĐTBhk) là trung bình cộng của ĐTBmhk của tất cả các môn học (với hệ số của từng môn học tùy theo cấp học, ban học); điểm trung bình cả năm (ĐTBcn) là trung bình cộng của ĐTBmcn của tất cả các môn học (với hệ số từng môn).

Trên cơ sở điểm trung bình môn học kỳ (ĐTBmhk), điểm trung bình môn cả năm (ĐTBmcn) học sinh được đánh giá xếp loại theo từng môn học ở từng học kỳ cũng như cả năm. Dựa vào điểm trung bình các môn học kỳ (ĐTBhk), trung bình cả năm (ĐTBcn), học sinh được xếp loại học lực theo từng học kỳ và cả năm.

“Việc đánh giá kết quả của cả năm học bằng một kỳ thi cuối năm” chỉ áp dụng đối với bậc Tiểu học và được thực hiện theo Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học (gọi tắt là Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT).

Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT với những điểm mới cơ bản so với quan điểm đánh giá trước đây, nhằm phù hợp với thực tiễn giáo dục tiểu học ở nước ta hiện nay và phù hợp với quan điểm đánh giá của các nước tiên tiến trên thế giới, đó là: Đánh giá và xếp loại căn cứ theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học và các nhiệm vụ của học sinh; Kết hợp đánh giá định lượng và định tính; kết hợp giữa đánh giá của giáo viên với tự đánh giá của học sinh; Thực hiện công khai, công bằng, khách quan, chính xác và toàn diện; Đánh giá và xếp loại kết quả đạt được và khả năng phát triển từng mặt của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh; không tạo áp lực cho cả học sinh và giáo viên.

Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT có điểm mới: lấy điểm kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II là điểm xét lên lớp, đồng thời cũng là điểm học lực môn năm. Việc điều chỉnh này dựa trên sự phát triển của nội dung Chương trình giáo dục cấp Tiểu học. Bài kiểm tra cuối năm học là điều kiện cần và đủ để đánh giá khả năng nắm vững yêu cầu cơ bản về kiến thức và kĩ năng của học sinh ở mỗi môn học, mỗi lớp học. Như vậy, việc lấy điểm kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II là điểm xét lên lớp, đồng thời cũng là điểm học lực môn năm chính là để thực hiện nguyên tắc đánh giá trên cơ sở coi trọng sự tiến bộ của học sinh, không nhằm tạo ra áp lực cho học sinh vào cuối năm học.

Việc lấy điểm kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II là điểm xét lên lớp, đồng thời cũng là điểm học lực môn năm, như trên đã nói, coi trọng sự tiến bộ của học sinh, đánh giá đúng thực chất học sinh. Tuy nhiên, nhằm góp phần làm giảm áp lực nặng nề về điểm số cho học sinh, giảm áp lực công việc cho giáo viên từ hoạt động đánh giá, Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT có yêu cầu đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên được thực hiện ở tất cả các tiết học theo quy định của chương trình nhằm mục đích theo dõi, động viên, khuyến khích hay nhắc nhở học sinh học tập tiến bộ, đồng thời để giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục nhằm đạt hiệu quả thiết thực.

Đánh giá thường xuyên coi trọng chất lượng học tập thực sự của học sinh hơn là điểm số học sinh đạt được. Với đánh giá thường xuyên, giáo viên nắm chắc được học lực của học sinh, và đó là căn cứ để xem xét tính chất bất thường (nếu có) về kết quả của kiểm tra định kỳ. Như vậy, đánh giá thường xuyên thực sự có tác dụng tham gia vào quá trình đánh giá kết quả học tập của học sinh. Bên cạnh đú, kết quả đánh giá định kỳ sau từng giai đoạn học tập (giữa kỳ I, cuối kỳ I, giữa kỳ II, cuối năm) sẽ cung cấp thụng tin cho giáo viên và các cấp quản lý để chỉ đạo, điều chỉnh quá trình dạy học, thông báo cho gia đình nhằm mục đích phối hợp động viên, giúp đỡ học sinh.

Theo Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT, học sinh có điểm kiểm tra định kỳ bất thường so với kết quả học tập hàng ngày hoặc không đủ số điểm kiểm tra định kỳ đều được kiểm tra bổ sung. Việc kiểm tra bổ sung nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng cho học sinh, để các em không bị thiệt thòi (học sinh học tập hàng ngày với kết quả tốt nhưng bài kiểm tra cuối năm lại chưa đạt yêu cầu, hoặc học sinh vì lý do khách quan không tham gia kiểm tra, hoặc học sinh tham gia kiểm tra nhưng chưa đạt yêu cầu). Giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng chịu trách nhiệm về tính khách quan và công bằng trong quyết định kiểm tra bổ sung.

Kết quả kiểm tra định kỳ được coi là bất thường khi kết quả đó khác xa kết quả học tập hàng ngày của học sinh. Giáo viên chủ nhiệm lớp và hiệu trưởng xác định tính bất thường của kết quả kiểm tra định kỳ và quyết định học sinh được kiểm tra bổ sung. Điểm kiểm tra bổ sung được sử dụng để xét: xếp loại học lực môn, lên lớp, hoàn thành chương trình tiểu học, xếp loại giáo dục, khen thưởng.

Học sinh được bồi dưỡng và kiểm tra bổ sung nhiều nhất là 3 lần/ 1 môn học. Việc kiểm tra bổ sung cho những học sinh chưa đạt trung bình ở bài kiểm tra định kỳ (nhiều nhất là 3 lần) là tạo cơ hội giúp các em ôn tập để đạt được yêu cầu chất lượng và được lên lớp một cách xứng đáng. Điều đó thể hiện tính nhân văn trong đánh giá học sinh tiểu học, chính là đảm bảo quyền lợi chính đáng của học sinh - quyền được học tập và tiếp thu kiến thức.

Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT cũng đề cao quyền và trách nhiệm của giáo viên tiểu học trong việc đánh giá học sinh, thông qua việc tổ chức bàn giao chất lượng cuối năm giữa các lớp ở tiểu học, bàn giao chất lượng học sinh lớp 5 giữa trường tiểu học và trường trung học cơ sở, mỗi giáo viên phải chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng học sinh của lớp mình phụ trách.

2. Về việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT)

Từ nhiều năm nay, một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thừa thiên - Huế... đã tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hình thức thi liên trường (thi cụm) nhằm hạn chế tiêu cực trong khi thi, giải pháp này đó được các sở đánh giá có ưu điểm rõ rệt, từ đó các địa phương liên tục duy trì trong những năm gần đây.

Nhằm tổ chức kỳ thi thật nghiêm túc và an toàn, từ kinh nghiệm thực tế của một số địa phương, năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hình thức thi cụm trên phạm vi toàn quốc và từ năm 2009 tổ chức chấm chéo giữa các tỉnh. Những biện pháp này đã có tác dụng quan trọng làm cho các kỳ thi đạt được những kết quả khả quan, hiện tượng tiêu cực trong thi cử đó giảm hẳn.

Năm 2007 có 2.612 thí sinh bị đình chỉ thi, năm 2008 cũn 833, năm 2009 là 299 và năm 2010 chỉ còn 90. Như vậy số thí sinh vi phạm quy chế thi phải đình chỉ đã giảm gần 97% so với năm 2007. Số giám thị bị đình chỉ công tác coi thi do vi phạm năm 2007 là 32, năm 2008 là 15, năm 2009 là 3 và năm 2010 là 1, giảm gần 97% so với năm 2007.

Việc gian lận có tổ chức trong thi cử tại một số địa phương những năm trước đó không còn tái diễn. Số tại nạn giao thông khi đi thi cũng giảm liên tục: năm 2007 có 85 vụ, năm 2008 là 84 vụ, năm 2009 là 73 vụ và năm 2010 là 56 vụ. Tỉ lệ học sinh bỏ thi năm 2010 cũng là thấp nhất so với các năm trước.

Khắc phục những khó khăn của năm trước, trước kỳ thi năm 2010, Bộ đó chỉ đạo các địa phương khi bố trí, sắp xếp các cụm trường trong hội đồng thi, phân công giám thị coi thi đảm bảo việc di chuyển thí sinh giữa các trường thi không gây tốn kedm và giảm áp lực, khó khăn cho giáo viên và học sinh đến mức cao nhất. Trong đó, đặc biệt lưu ý chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch huy động các nhà trường phối hợp với các lực lượng xã hội và phụ huynh học sinh đảm bảo an toàn về đi lại, đề phòng tai nạn giao thông ở các địa bàn phức tạp như vùng lũ, vùng sông nước, đồi núi hiểm trở; đáp ứng việc ăn, nghỉ, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thí sinh ở xa và có nhu cầu khi tham gia thi tại các Hội đồng coi thi trong mỗi cụm thi ở địa phương, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi theo cụm, không để xảy ra tình trạng bỏ thi vì phải đi lại quá xa hoặc vì điều kiện ăn ở sinh hoạt, v.v...

Bộ cho phép các Sở Giáo dục và Đào tạo được chủ động lựa chọn phương án tổ chức thi. Các trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất, trường lớp thiếu thốn thì có thể thành lập Hội đồng thi chỉ có 1 trường.

Có thể đánh giá, qua 4 năm thực hiện cuộc vận động “Hai không”, đối với cuộc thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tình hình đã thay đổi căn bản:

- Cuộc thi được tổ chức nghiêm túc, an toàn trên phạm vi toàn quốc và tại mỗi tỉnh, thành phố. Gian lận có tổ chức không còn xảy ra. Số thí sinh vi phạm quy chế phải đình chỉ giảm 97% so với năm 2007, tỉ lệ thí sinh vi phạm chỉ chiếm 0,009% số thí sinh đi thi (100.000 học sinh đi thi, có 9 em vi phạm). Số giám thị phải bị đình chỉ  nhiệm vụ giảm tối thiểu (trong hơn 120.000 cán bộ coi thi chỉ có 1 người bị đình chỉ).

- Tỉ lệ học sinh dự thi đạt 99,47%, số học sinh bị tai nạn giao thông giảm dần, chỉ chiếm 0,005% số thí sinh dự thi (100.000 học sinh đi thi có 5 em bị tai nạn).

- Việc phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tỉnh, giữa các ban, ngành trong mỗi tỉnh, giữa các Bộ để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn đó đi vào nề nếp.

Sau mỗi kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Sở Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức tổng kết để năm sau làm tốt hơn nữa. Qua thực tế 4 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cách thức tổ chức thi như hiện nay về cơ bản nên tiếp tục.

Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.