Trường CĐ ASEAN lại bị phát giác tuyển sinh chui ở Nghệ An
(GD&TĐ) - Trong khi việc tuyển sinh đào tạo liên kết liên thông trái phép giữa Trường CĐ ASEAN với Trường Trung cấp Vạn Tường ở TPHCM (số SV lên tới 505 người) còn chưa giải quyết xong thì Trường CĐ này tiếp tục bị phát giác có hành vi tương tự tại Nghệ An với 198 SV (hai khóa liên thông từ trung cấp lên CĐ ngành Dược).
Trường Trung cấp Việt Anh liên kết với Trường CĐ ASEAN khi chưa được đồng ý |
Ngày 15/5, Sở GD&ĐT Nghệ An vừa có văn bản số 851 /SGDĐT - TTr gửi Thanh tra Bộ GD&ĐT, báo cáo việc Trường Trung cấp Việt Anh (Nghệ An) liên kết với Trường CĐ ASEAN (Hưng Yên). Theo Sở GD&ĐT Nghệ An, ngày 16 và 17/5/2012 Trường Trung cấp Việt Anh, Trường Cao đẳng ASEAN có hai công văn gửi Sở, xin phép liên kết tuyển sinh đào tạo hệ cao đẳng chính quy ngành Dược.
Mặc dầu chưa có ý kiến đồng ý của UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT nhưng hai trường này đã kí hợp đồng hợp tác tuyển sinh tại Hợp đồng số 26/HĐHTTS ngày 27/9/2012. Đến nay, hai trường đã tổ chức thi 2 đợt (đợt 1 ngày 24-25/11/2012; đợt 2 ngày 16-17/01/2013) tuyển được 198 học sinh, tổ chức giảng dạy, học tập một số môn chung từ ngày 01/3/2013.
Theo báo cáo của Trường Trung cấp Việt Anh, việc thu các khoản ôn thi, lệ phí thi, học phí hàng tháng theo Thông báo tuyển sinh và Giấy báo nhập học của Trường cao đẳng ASEAN.
Theo Sở GD&ĐT Nghệ An, khi chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh Nghệ An, hai trường Trung cấp Việt Anh và Cao đẳng ASEAN đã phối hợp liên kết đào tạo là sai phạm.
Với trách nhiệm quản lý ngành, Sở GD&ĐT Nghệ An thẳng thắn nhận trách nhiệm là đã có thiếu sót trong khâu kiểm tra thường xuyên nên không phát hiện kịp thời vi phạm nói trên.
Đến nay, Sở đã nghiêm khắc phê bình Trường Trung cấp Việt Anh vì thực hiện không đầy đủ quy trình trong việc liên kết đào tạo, chưa có đủ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền mà đã tiến hành tham gia liên kết đào tạo.
Như vậy, Trường CĐ ASEAN đã liên tục tuyển sinh và đạo tạo trái phép tại các tỉnh, thành phố không đúng quy định với số lượng sinh viên lớn bất chấp mọi cảnh báo và quyết định xử phạt của Bộ GD&ĐT. Được biết, chiều 16/5, Thanh tra Bộ GD&ĐT và các vụ chức năng đã có buổi làm việc với Trường CĐ ASEAN để có các quyết định xử lý mạnh hơn với những sai phạm có tính chất cố ý, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng của cơ sở đào tạo này.
"Nghe nói" mà là sự thật?! Trong đơn kiến nghị gửi báo Giáo dục và Thời đại về việc phóng viên cầm tiền viết sai sự thật, bà Trần Kim Phương - Chủ tịch HĐQT Trường Cao đẳng ASEAN có đoạn “hơn nữa, chúng tôi còn nghe phóng viên viết bài được nhận 25 triệu đồng...”. Kiến nghị nói trên được trình bày theo thể thức văn bản hành chính, có ký tên và đóng dấu đỏ của nhà trường. Tức là đã trở thành một văn bản chính thức. Tuy nhiên, hiện tại phía Trường Cao đẳng Asean và bản thân bà Trần Kim Phương chưa cung cấp được một bằng chứng nào về việc phóng viên của báo có hành vi nhận tiền để viết bài. Khi Trường Cao đẳng Asean đã có kiến nghị bằng văn bản tới cơ quan báo chí tức là đã thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình. Do đó người làm đơn phải chịu trách nhiệm đối với nội dung kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đó. Trong trường hợp phía nhà trường không có cơ sở, chứng cứ nào chứng minh người viết bài nhận tiền nhưng vẫn cố tình kiến nghị và có văn bản về việc đó thì việc kiến nghị đã có dấu hiệu hành vi vu khống. Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 đã quy định rõ: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.” (Khoản 1, Điều 122 BLHS 2009). Ở đây, phía nhà trường mới chỉ “nghe nói” là phóng viên có nhận tiền mà không có một bằng chứng nào, cũng không có sự xác minh, kiểm tra nào về việc đó nhưng đã khẳng định đó là một “sự thật” đồng thời gửi đơn đến đến cơ quan chủ quản, người quản lý của phóng viên để kiến nghị “có biện pháp xử lý nghiêm khắc với nhà báo”. Đặc biệt, trong đơn kiến nghị bà Trần Kim Phương đã chỉ đích danh tên của phóng viên. Rõ ràng hành vi đó đã xúc phạm đến danh dự của một cá nhân cụ thể, trong trường hợp này là một nhà báo. Trong trường hợp này nhà báo hoàn toàn có quyền tố cáo hành vi vu khống, bịa đặt để bảo vệ quyền và lợi ích hợp của mình. Đồng thời, có thể yêu cầu phía bên có hành vi vu khống xin lỗi công khai. Nếu đương sự không xin lỗi hoặc phóng viên và tòa báo không chấp nhận lời xin lỗi này thì có thể gửi văn bản yêu cầu cơ quan công an xem xét trách nhiệm hình sự của phía Trường CĐ ASEAN về hành vi vu khống. Luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội; Công ty Luật Đại Phúc) |
T. Bách, Anh Dũng