Tiếp sức cho học sinh dân tộc đến trường

Tiếp sức cho học sinh dân tộc đến trường

(GD&TĐ) - Thái Nguyên là tỉnh có điều kiện tự nhiên, xã hội khá điển hình trong 14 tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ. Các nhiệm vụ GD&ĐT của địa phương này trong những năm gần đây đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện, triển khai nghiêm túc nên đã đạt được kết quả tốt. Đặc biệt, việc xây dựng, phát triển hệ thống trường, lớp, quy mô học sinh các trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), đáp ứng nhu cầu học tập của con em dân tộc thiểu số đã góp phần phát huy tốt nhất hiệu quả đồng vốn chương trình mục tiêu GD&ĐT hàng năm.

Nỗ lực nâng tỷ lệ  HS được học trường PTDTNT

image002.jpg
Trường PTDTNT Thái Nguyên khang trang và xanh sạch đẹp

Hiện nay, Thái Nguyên có tới 46/54 dân tộc anh em đang sinh sống. Tuy nhiên, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 1 trường PTDTNT cấp THPT với quy mô 360 HS và 2 trường PTDTNT cấp THCS với 583 HS. Tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được học trong trường nội trú không nhiều, chỉ khoảng 4%.

Chính vì vậy, 3 năm trở lại đây, Thái Nguyên đang nỗ lực xây dựng các trường PTDTNT để nâng tỷ lệ này lên khoảng 7% vào năm 2015. 

Trường PTDTNT THCS huyện Đại Từ là một trường mới được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư được phê duyệt năm 2011 là 33,4 tỷ. Tỉnh Thái Nguyên chủ trương những trường PTDTNT được khởi công xây dựng về sau này sẽ gắn với mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Do vậy, tuy chưa được hoàn thành nhưng nhìn từ bề ngoài, ngôi trường khang trang, bề thế được quy hoạch với những tiêu chuẩn mới nhất của các công trình nhà lớp học, kí túc xá, nhà ở công vụ cho giáo viên, diện tích khuôn viên nhà trường, nhà ăn, bếp nấu. Không chỉ có vậy, trường còn có cả trạm biến áp riêng phục vụ việc học tập của học sinh và giáo viên; các hạng mục khác như sân, vườn, cây xanh, đường nội bộ cũng đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.

Phó Hiệu trưởng nhà trường Trương Khánh Thành cho biết, năm học 2012 - 2013, trường đã tuyển đầu vào và đi vào giảng dạy được 1 năm với 117 học sinh các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu. Các học sinh này đều là con em các dân tộc ở 15 xã thuộc diện 135 của các huyện Đại Từ, Phú Lương, Tích Lương.

Tính bình quân, trong 15 xã thuộc địa bàn tuyển sinh, nếu mỗi xã tuyển được 7 học sinh thì tỷ lệ chung học sinh là con em các dân tộc thiểu số của tỉnh được học trong trường nội trú tại đây sẽ được nâng lên 10%. Điều khá đặc biệt, các em toàn là những học sinh khá, giỏi của trường tiểu học ở các xã này. Chính vì đầu vào cơ bản đã rất tốt như vậy nên tuy mới đi vào giảng dạy và học tập nhưng năm vừa qua, học sinh nhà trường đã tham dự và giành 13 giải hội thi tin học của huyện và tỉnh. Hiện nhà trường đang làm công tác tuyển sinh 2 lớp 6 đầu vào khoảng trên 50 học sinh. 

Từ năm 2011 đến nay, thực hiện Quyết định số 1640 của Chính phủ về củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011- 2015, cùng với Trường PTDTNT THCS huyện Đại Từ, Thái Nguyên đã khởi công xây dựng 2 ngôi trường khác. Đó là Trường PTDTNT THCS Phú Lương và Trường PTDTNT THCS  Đồng Hỷ.

Cho đến nay, tiến độ thi công tại 2 ngôi trường này đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục thiết yếu cuối cùng như nhà lớp học, kí túc xá, nhà hiệu bộ, bếp ăn... để đi vào giảng dạy trong năm học mới. 

Việc học tập của học sinh dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm
Việc học tập của học sinh dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm

Chủ động tháo gỡ khó khăn về vốn

Theo Sở GD&ĐT Thái Nguyên, về cơ bản, tiến độ xây dựng được đảm bảo cho việc các trường tuyển sinh và giảng dạy trong năm học mới. Tuy nhiên, với tình hình giá cả thị trường biến động lớn tại thời điểm hiện nay so với thời điểm phê duyệt đầu tư (năm 2011) thì tổng mức đầu tư của 3 dự án trên đây  tăng lên khoảng 1,5 lần so với ban đầu. Thêm vào đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) GD&ĐT được cấp ngày càng ít, nếu tỉnh không hỗ trợ vốn thì mục tiêu hoàn thành cả 3 dự án nêu trên sẽ là rất khó khăn. 

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ GD&ĐT Lê Khánh Tuấn cho biết, vốn theo Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 – 2015 được phân bổ như một dự án thành phần của CTMTQG GD&ĐT.

Theo đó, mỗi công trình trường học chỉ được Trung ương hỗ trợ vốn khoảng 20 tỷ đồng. Qua từng năm, Bộ GD&ĐT đều có hướng dẫn về triển khai CTMTQG, trong đó ghi rõ: Các tỉnh căn cứ vào kinh phí CTMTQG GD&ĐT đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo, căn cứ vào kế hoạch của Bộ GD&ĐT và tình hình thực tế các mục tiêu ưu tiên của địa phương để xem xét, quyết định phương án phân bổ kinh phí cho từng dự án thành phần và bố trí thêm nguồn kinh phí khác. Phương án phân bổ vốn của địa phương có thể điều chỉnh so với dự kiến kế hoạch của Bộ GD&ĐT nhưng phải đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ của từng dự án thành phần thuộc CTMTQG GD&ĐT đã được xác định cho cả giai đoạn 2012-2015.

Với trường hợp 3 công trình trường PTDTNT THCS cấp huyện của tỉnh Thái Nguyên, địa phương đã rất sớm triển khai Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011 – 2015. Thiết nghĩ, cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên cần sớm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để trả nợ khối lượng xây dựng đã hoàn thành cho các nhà thầu; sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, góp phần phát huy hiệu quả đồng vốn ngân sách, hoàn thành các mục tiêu GD&ĐT, đồng thời nâng cao tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được học trong trường phổ thông dân tộc nội trú.

Quyết định số 1379/QĐ-TTg về phát triển GD&ĐT và dạy nghề các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được ban hành với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... Và một trong những mục tiêu cụ thể được đưa ra là: Đến năm 2020, 100% số huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường PTDTNT; trên 10% học sinh trung học dân tộc thiểu số được học ở trường nội trú.

Hải Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.