Học để thoát nghèo
Thôn Bình Sơn nằm dọc chân núi Đá Bạc, có 92 hộ dân với 452 nhân khẩu, người dân ở đây 100% là dân tộc Dao. Trước đây, người Dao thôn Bình Sơn có tập tục sống du canh, du cư trên các triền núi cao.
Vì vậy trẻ em thiệt thòi khi đến tuổi đi học nhưng không được đến trường. Năm 1971, người dân làng Dao định cư tại chân núi Đá Bạc thuộc xã Cẩm Bình. Từ đây, đồng bào dân tộc Dao bắt đầu quan tâm đến đến việc học hành của con em mình hơn.
Ông Bàn Phúc Hòa - Trưởng thôn Bình Sơn - cho biết: Trước đây, đời sống của bà con thôn Bình Sơn đói nghèo triền miên, hủ tục lạc hậu, đau ốm, mắc bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa trị.
Trong khi đó, người dân trong làng lại không biết chữ vì theo cuộc sống du canh, du cư hết nơi này đến nơi khác nên chưa quan tâm nhiều đến việc học hành. Khi định cư, tham gia lớp học xóa mù chữ, người Dao nơi đây đã rất vui mừng.
Biết cái chữ rồi, bà con cũng hiểu rõ hơn về việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi sản xuất. Đời sống nhân dân đã dần được thay đổi.
Nhận thấy việc học vô cùng quan trọng, giúp dân thoát nghèo, từ 1975, các già làng đã vận động người dân cho con em mình đến trường, khuyến khích nhân dân và học sinh học tập.
Quyết tâm không để trẻ em trong làng bị thất học “đói cái bụng chứ không đói cái chữ”, các già làng đã đến từng nhà vận động cho con em đi học. Những gia đình nghèo không có điều kiện, các già làng lại vận động dân làng góp ngô, lúa, gạo ủng hộ để học sinh được đến lớp học.
Năm 1995 những học sinh trong thôn đậu đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đầu tiên là niềm tự hào của người Dao làng Bình Sơn. Ông Hòa nói:
“Làng tôi vui và tự hào lắm. Cả làng đến chức mừng gia đình có con em đậu ĐH. Đó là tấm gương để khuyến khích thế hệ học sinh sau này. Từ đó đến nay, nhiều thế hệ học sinh thôn Bình Sơn đã thành đạt, trong đó có nhiều người trở về phục vụ quê hương, giúp dân làm giàu.
Xây dựng dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học
Đã thành nề nếp, vào 7 giờ tối hằng ngày, học sinh thôn Bình Sơn lại ngồi vào bàn học để học bài. Ảnh: Nguyễn Quỳnh |
Nối tiếp truyền thống của cha ông từ trước, năm 2007 thực hiện phong trào khuyến học, thôn Bình Sơn đã làm tốt phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Từ 2007 đến nay, thôn Bình Sơn không có học sinh bỏ học, không có tệ nạn xã hội.
Ngay từ năm 2002, Hội Khuyến học thôn đã được thành lập với 10 hội viên, đến nay đã phát triển được 92 hội viên đại diện cho 92 hộ dân.
Hằng năm chi hội thôn luôn đóng góp vào quỹ khuyến học thôn, huy động quỹ khuyến học toàn dân… Số tiền đóng góp được dùng để thưởng cho những học sinh đạt thành tích cao trong học tập, học sinh đỗ ĐH, CĐ… và hỗ trợ con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Thôn Bình Sơn có 6 dòng họ đăng ký dòng họ hiếu học, trong đó, 3 dòng họ đã được công nhận dòng họ hiếu học; hơn 60 gia đình đăng ký gia đình hiếu học, trong đó, 35 gia đình đạt gia đình hiếu học.
Nhiều gia đình có hai đến ba con đều học ĐH, CĐ như: Gia đình ông Triệu Văn Hương có ba con đều học ĐH, ông Triệu Văn Sinh có hai con học ĐH…
Với thành tích về phong trào hiếu học, năm 2012, thôn Bình Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao tặng bằng khen khu dân cư hiếu học tiêu biểu suất xắc toàn tỉnh lần thứ III.
Hiện nay, toàn thôn có khoảng gần 150 học sinh từ mầm non đến THPT, gần 30 em đang học ĐH, CĐ. Ngoài ra, bà con trong thôn cũng rất ham học.
Dù hàng ngày đi làm xa cách nhà hơn 10 km nhưng đến tối bà con vẫn tập trung đông đủ tại Trung tâm học tập cộng đồng thôn để học các lớp chuyển giao công nghệ khoa học, học viết chữ truyền thống của người Dao để duy trì nền văn hóa và chữ viết của dân tộc.
Ông Hòa chia sẻ: “Học là con đường giúp đồng bào Dao Bình Sơn thoát nghèo, mở mang hiểu biết. Học giúp thể hệ trẻ của người Dao không còn thiệt thòi, có tương lai tốt đẹp hơn và có thể giúp ích cho xã hội nói chung và quê hương Bình Sơn nói riêng.
Vì vậy, để khuyến khích và nhắc nhở các em học sinh trong thôn, từ năm 2011 đến nay, vào 7 giờ tối không kể mưa hay nắng tiếng loa ở nhà văn hóa thôn lại vang lên nhắc nhở các em học sinh ngồi vào bàn học, phụ huynh học sinh tắt hoặc vặn nhỏ đài, ti vi để cho các em học sinh tập trung học bài.
Tại thôn Bình Sơn, nhiều gia đình còn khó khăn nhưng trong mỗi gia đình đều dành nơi tốt nhất làm góc học tập để con em mình học tập”.