Tiếng nói nữ quyền từ… 4 nàng Kiều

GD&TĐ - Bốn nàng Kiều dưới bốn góc nhìn của 4 đạo diễn (3 ta, một Tây) đang có những suất diễn lôi cuốn khán giả đương đại từ Bắc chí Nam. Sự lôi cuốn ấy đến từ cái lẽ đáng ngạc nhiên: Tiếng nói nữ quyền từ 4 nàng Kiều lần đầu được cất lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tiếng nói nữ quyền được thể hiện mạnh mẽ trong bản dựng nàng Kiều của đạo diễn Amélie Niermeyer với “Truyện Kiều”. Ảnh: Bình Thanh.
Tiếng nói nữ quyền được thể hiện mạnh mẽ trong bản dựng nàng Kiều của đạo diễn Amélie Niermeyer với “Truyện Kiều”. Ảnh: Bình Thanh.

Nâng ly với… Hoạn Thư

Không có một nhân vật Kiều hay Hoạn Thư, Thúc Sinh thực sự trên sân khấu mà chỉ có Quỳnh, Tú, Trang… thế nhưng phiên bản tiếp cận với “Truyện Kiều” của đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer vẫn đem đến cho khán giả những liên tưởng về Quỳnh là Hoạn Thư, Tú là Thúc Sinh, và rất nhiều người phụ nữ khác là nàng Kiều…

Và cái cớ được bắt đầu từ việc tổ chức tiệc sinh nhật của Quỳnh ở quán bar và Quỳnh yêu cầu anh chồng – Tú tặng cuốn “Truyện Kiều”. Từ đó, đám bạn trẻ đã bắt đầu luận bàn về nàng Kiều với cách nhìn, cách nghĩ của riêng mình một cách đa chiều.

Số đông đám thanh niên vẫn dương dương tự đắc cho rằng phải “bảo tồn” quan niệm “tam tòng tứ đức”, “bảo tồn” vị trí của người phụ nữ ở sau lưng người đàn ông.

Một vài cô gái thì chua chát nhận ra nàng Kiều – hiện thân của phụ nữ từ xưa đến nay không gì thay đổi, lúc nào cũng là con số 0 tròn trĩnh. Chẳng phải đã có quá nhiều chuẩn mực đặt ra cho người phụ nữ chỉ để nhắm đến mục đích phải hy sinh, nhẫn nhịn và chịu đựng...

Nhưng trong cách nghĩ bao đời nay ấy, đã có những cô gái dám cất lên tiếng nói nữ quyền đầy quyết liệt: Phụ nữ không cần được che chở, họ chỉ cần được tôn trọng!

Đặc biệt, một cô gái xinh đẹp tự nhận mình giống như nàng Kiều đã đi từ những nén nhịn, ủ ê, yếu đuối đến sự lý giải mạnh mẽ: Thúy Kiều là một cô gái có sức sống mãnh liệt, chủ động. Chắc chắn cô ấy không chủ ý muốn làm điều gì sai, nhất là với phụ nữ khác...

Chính bởi cách nghĩ ấy mà cô nàng đã tiến tới nâng ly với tình địch của mình – Quỳnh (dáng dấp của Hoạn Thư). Và phiên bản nàng Kiều này được khép lại với cảnh hai người con gái ấy chúc mừng nhau khi rũ bỏ được những hy sinh không đáng có vì Tú - người đàn ông hèn nhát, tham lam…

“Tôi đã rung động trước chất thơ của “Truyện Kiều”, rung động trước những đoạn trường của nàng Kiều. Bản diễn này là kết quả của việc xâu chuỗi cách nghĩ của những người nghệ sĩ trẻ Việt Nam về “Truyện Kiều” một cách thẳng thắn.

Với tôi, phân đoạn kịch có những đối thoại đầy sức nặng, khuyến khích mọi người cùng có những thảo luận, không chỉ về nàng Kiều mà cả về vai trò của người phụ nữ trên khắp thế giới trong xã hội hiện đại”, nữ đạo diễn Amélie Niermeyer chia sẻ.

Còn diễn viên Thu Quỳnh thì bày tỏ cô không thích nhân vật Thúy Kiều mà chỉ hào hứng với dự án sân khấu này với nhân vật Hoạn Thư.

“Hoạn Thư đâu có sai mà nàng ấy cũng hoàn toàn có quyền lên tiếng chứ? Và, nàng Kiều - Hoạn Thư của chúng tôi có cách ứng xử khác – cách ứng xử của những người phụ nữ dám yêu hết mình nhưng sống hoàn toàn độc lập với đàn ông” – Thu Quỳnh nói.

Mặc vest… xử án

Nàng Kiều của NSND Hồng Vân dịu hiền với những ước mong không đơn giản.
Nàng Kiều của NSND Hồng Vân dịu hiền với những ước mong không đơn giản.

Theo đạo diễn, NSƯT Trần Lực, trong mắt anh, nàng Kiều không hề yếu đuối. Anh đặt câu hỏi, nếu yếu đuối thì làm sao nàng có thể vượt qua được biết bao đoạn trường? Bởi vậy, nàng Kiều đã in vào ký ức từ thuở ấu thơ của anh là một người phụ nữ tuyệt sắc, có sức sống mạnh mẽ, yêu đời, ham sống nên nàng xứng đáng được hạnh phúc.

Bằng cách tiếp cận ấy, Trần Lực đã đưa lên sân khấu một nàng Kiều cụ thể nhưng không phải hình ảnh yểu điệu thục nữ mà là một người con gái rất Tây. Nàng Kiều mặc vest, đi giày cao gót và đanh thép trong từng câu thoại.

Đặc biệt, ở bản diễn này có phân cảnh Kiều mặc vest xử án… Sở Khanh đầy chua xót nhưng cũng thật mạnh mẽ biết bao. “Từ nàng Kiều, tôi muốn người phụ nữ hiểu được họ có quyền bình đẳng và chính họ đang bình đẳng với nam giới.

Khi hiểu được điều đó thì mới có thể xóa bỏ được những định kiến luôn bó chặt lấy cuộc đời người phụ nữ hôm qua và hôm nay”, đạo diễn, NSƯT Trần Lực lý giải.

Ở phiên bản của Nhà hát Tuổi trẻ, dù không có chữ Kiều nào trong suốt 25 phút nhưng khán giả lại vẫn thấy nàng Kiều hiện diện trong hai kiểu phụ nữ hiện đại và truyền thống cùng tồn tại song hành trên sân khấu.

Qua cách tả thực có phần bạo liệt, dữ dội trong hành động lẫn ngôn ngữ, tiếng nói nữ quyền ở đây cũng thật khác biệt khi luận giải vấn đề: Người đàn ông đặt ra định kiến, bạo lực với phụ nữ thì chính họ phải chuốc lấy hậu quả, chuốc lấy bi kịch từ đó mà thôi.

Từ đó, đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai chia sẻ, định kiến không dễ xóa bỏ nhưng vẫn có thể nếu người phụ nữ mạnh mẽ hướng đến tự do.

Hiền dịu nhất trong 4 phiên bản nàng Kiều trong dự án của Viện Goethe có lẽ là nàng Kiều của NSND Hồng Vân. Tạo hình nàng Kiều, Từ Hải, Thúc Sinh, Hoạn Thư ở đây được định hình ngay cùng cách kể chuyện nhẹ nhàng trôi theo dòng âm nhạc.

Thế nhưng, trong cái ngọt ngào, êm ái ấy, NSND Hồng Vân đã gửi gắm một cách ngẫm Kiều mang đầy ước vọng của người phụ nữ hôm nay: Liệu số phận của những người phụ nữ là do thiên định hay nhân định đây? Cũng từ đó, “Ngẫm Kiều” của Hồng Vân đã đưa ra giả định đầy thú vị: Kiều cản bước Từ Hải, không để chàng hàng Hồ Tôn Hiến thì sao?

"Từ tất cả niềm vinh dự, sự tôn trọng, chúng ta đang cùng nhau đến với nàng Kiều bằng những góc nhìn khác nhau. Đặc biệt sự chia sẻ về Kiều của 4 đạo diễn đã tạo ra những diện mạo khác nhau được gắn liền với giá trị đương đại.

Sau những suất diễn tại Hà Nội (12 - 13/10), tại TPHCM (19/10), 4 vở Kiều này, mỗi vở chỉ dài 25 phút, sẽ trở lại vào tối ngày 9/11, tại Nhà hát Tuổi trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội” - đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Điều phối Dự án Sân khấu thử nghiệm “Nàng Kiều” được Viện Goethe tại Hà Nội thực hiện trong năm 2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ