Tiếng kêu cứu từ những cánh rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Với vai trò “đứng mũi, chịu sào”, Công ty Lâm nghiệp Đường 9 không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc để mất cả nghìn hecta rừng. Điều đáng nói là vụ việc chưa được các cơ quan chức năng của Quảng Trị vào cuộc rốt ráo.

Phóng viên đang ghi nhận hình ảnh phá rừng tại vùng núi huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (ảnh PXD)
Phóng viên đang ghi nhận hình ảnh phá rừng tại vùng núi huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (ảnh PXD)

Buông lỏng quản lý

Sau những gì đã diễn ra, tháng 7/2017, huyện Cam Lộ đã tổ chức cuộc đối thoại với nội dung liên quan đến chuyện tranh chấp đất rừng trên địa bàn giữa người dân địa phương với Công ty Lâm nghiệp Đường 9.

Tham dự cuộc họp, các hộ dân ở Cam Thành đều khẳng định đã canh tác tại đây từ trước khi Lâm trường Đường 9 được thành lập. Nhiều người đưa ra bằng chứng, khẳng định họ trồng trọt ngay trên mảnh đất của cha ông đã khai phá. Về phía mình, ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Đường 9, vẫn khăng khăng rằng doanh nghiệp được Nhà nước giao đất giao rừng nên có đủ cơ sở pháp lý để thu hồi đất rừng của dân.

Trả lời về vấn đề này, đại diện UBND xã Cam Thành khẳng định, cơ sở pháp lý mà công ty đưa ra không thuyết phục. Công ty chưa tiến hành cắm mốc giới, phân định rõ phần đất mình quản lý, chưa bàn giao thực địa cho chính quyền địa phương. Nói dân lấn đất công ty chưa chắc chính xác vì có thể ngược lại: Trong một số trường hợp, công ty lấn đất của dân. Muốn làm rõ điều này cần có thời gian khảo sát, đối chiếu.

Phiên tòa sơ thẩm, xét xử hai bị cáo là Lê Phúc Nhật và Nguyễn Thanh Sơn cùng trú tại xã Cam Nghĩa với tội danh “Hủy hoại rừng”
  • Phiên tòa sơ thẩm, xét xử hai bị cáo là Lê Phúc Nhật và Nguyễn Thanh Sơn cùng trú tại xã Cam Nghĩa với tội danh “Hủy hoại rừng”

Ngay việc lập biên bản một vài người dân vi phạm đất rừng cũng được phía Công ty tiến hành một cách sơ sài, không phối hợp với chính quyền sở tại. Cả đến công văn của Công ty gửi cho UBND xã Cam Thành đề nghị phối hợp cũng không đánh số, không ghi ngày tháng, thủ tục hành chính hết sức tùy tiện.

Nhà nước giao công ty quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng nhiều năm nay mà đến năm 2016 mới bắt đầu tiến hành cắm mốc địa giới là hết sức chậm trễ, càng khiến tình hình trở nên phức tạp, nhất là khi địa phương xảy ra tranh chấp đất đai giữa người dân với doanh nghiệp. Điều này càng chứng tỏ Công ty Lâm nghiệp Đường 9 buông lỏng quản lý. Chưa kể đến việc một số cán bộ công nhân viên công ty xà xẻo đất của Nhà nước cũng không có mặt trong buổi đối thoại theo yêu cầu của chính quyền xã Cam Thành.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Công, Phó Ban Pháp chế HĐND huyện Cam Lộ, cho rằng, quan điểm của huyện là bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên theo pháp luật; có chú ý đến lịch sử của vấn đề đất đai để xử lý phù hợp.

Ai đang chiếm dụng đất rừng?

Theo số liệu mà chúng tôi có được, hiện có tới 1.100 ha rừng (chứ không phải 1.000 ha như báo cáo của Công ty Lâm nghiệp Đường 9) đang bị 400 hộ dân chiếm dụng. Đây rất có thể không phải là con số cuối cùng vì nạn phá và lấn chiếm đất rừng vẫn chưa được ngăn chặn. Đặc biệt, không ít trong số 400 hộ dân kia đang sinh sống ở các huyện khác ngoài Cam Lộ, như Gio Linh, Vĩnh Linh, Đakrông, Đông Hà…

Số liệu mà chúng tôi có cũng chỉ ra một sự thật là còn 150 ha rừng đang bị chính cán bộ, nhân viên Công ty Lâm nghiệp Đường 9 chiếm dụng, trong đó số có cả những người làm công tác bảo vệ rừng.

Rừng thông Nhà nước tại xã Cam thành bị thảm sát vào tháng 11/2018 (ảnh PXD)
  • Rừng thông Nhà nước tại xã Cam thành bị thảm sát vào tháng 11/2018 (ảnh PXD)

Làm việc với chúng tôi, ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ cho rằng, thông tin từ Công ty Lâm nghiệp Đường 9 là thất thiệt. Đơn vị này khi tiến hành bàn giao đất rừng cho địa phương ở khu vực mỏ đá vôi Thượng Lâm đã khẳng định đây là vùng không trồng được rừng.

Nhưng kiểm tra thực địa, ông Sơn tá hỏa thấy rừng xanh tốt bạt ngàn, ước tính diện tích lên đến 170 ha. Điều lạ kỳ là rừng này hiện không rõ ai đang sở hữu(?). Đem thắc mắc này hỏi ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đường 9 thì được nghe câu trả lời: “Chúng tôi đã bàn giao toàn bộ khu vực nói trên cho địa phương, chính quyền cứ theo quy định mà làm”.

Liên quan đến thông tin người nhà của một vị lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh đang nắm trong tay 100 ha rừng ở Cam Lộ, chúng tôi đã tiếp xúc với một số người làm thuê cho nhân vật trên. Qua xác minh, ông chủ rừng này có tên tuổi trùng với người anh của vị lãnh đạo Sở. Chúng tôi tiếp tục chờ kết luận của cơ quan chức năng Quảng Trị về nội dung này.

Trách nhiệm bỏ ngỏ?

Với vai trò “đứng mũi chịu sào” nhưng lại để mất rừng, rõ ràng trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp Đường 9. Nếu truy trách nhiệm tiếp thì không chỉ có thế. Những cơ quan liên quan như lực lượng kiểm lâm, tài nguyên - môi trường, kể cả chính quyền địa phương cũng không thể ngoài cuộc.

Điều lạ lùng và bất thường là cho đến lúc này thông tin về trách nhiệm cụ thể những cơ quan, cá nhân liên quan và hướng xử lý chưa được ngành chức năng của Quảng Trị đưa ra. Nếu để lâu hoặc cho qua hay cứ để quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp lâm nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trả đất về cho địa phương diễn ra mà không xử lý nghiêm minh sai phạm thì không thể nào ngăn chặn nạn phá rừng khủng khiếp cũng như lấy lại được lòng tin của nhân dân.

Trạm kiểm lâm địa bàn Tân Lâm ngay trước mặt tiểu khu rừng 775 (ảnh PXD)
Trạm kiểm lâm địa bàn Tân Lâm ngay trước mặt tiểu khu rừng 775 (ảnh PXD) 

Để kết thúc loạt bài viết này xin dẫn lại một vụ án xảy ra ngay tại Cam Lộ. Ngày 20/12/2016 tại hội trường UBND xã Cam Thành, TAND huyện Cam Lộ đã tiến hành phiên tòa sơ thẩm, xét xử hai bị cáo là Lê Phúc Nhật và Nguyễn Thanh Sơn cùng trú tại xã Cam Nghĩa với tội danh “Hủy hoại rừng”.

Theo cáo trạng, Lê Phúc Nhật đã cho san ủi 8.289 m2 rừng tự nhiên và Nguyễn Thanh Sơn san ủi 7.770 m2. Đây là rừng do UBND huyện Cam Lộ giao cho người dân địa phương bảo vệ và hưởng lợi. Sau đó, cả hai đều trồng cây trên đất đã san ủi. Tòa tuyên phạt mỗi bị cáo 15 tháng tù giam, cho hưởng án treo và 30 tháng thử thách; đồng thời yêu cầu Lê Phúc Nhật bồi thường hơn 51 triệu đồng; Nguyễn Thanh Sơn gần 53 triệu đồng.

Vụ án được xét xử nghiêm khắc tại đúng khu vực đang là điểm nóng về tranh chấp đất rừng giữa người dân và công ty lâm nghiệp nên có ý nghĩa răn đe cao. Với người dân là như vậy, còn với một doanh nghiệp làm thất thoát 1.100 ha rừng, trong đó có hơn 200 ha rừng phòng hộ thì phải xử lý như thế nào cho tương xứng?

Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ