(GD&TĐ) - Cô vừa bước vào lớp, thằng Hiếu rú lên một tiếng như người rừng: hú…ú…u… kèm theo một tràng cười dài hỗ trợ cho thằng Hiếu của bọn tôi. Tôi nghĩ phen này cô sẽ hết hồn hoặc nổi trận lôi đình như các thầy cô bộ môn ở các tiết trước đó. Vậy mà thái độ của cô làm cho lũ học trò nghịch ngợm cụt hứng. Cô bước lên bục giảng, mắt hướng về chúng tôi cô cười rất tươi và hỏi:
- Em nào có tiếng hú hay thế nhỉ!
Thằng Hiếu đưa đôi mắt nghịch ngợm nhìn cô ngạc nhiên hỏi:
- Thật vậy sao cô? Hay thật!
Ảnh minh họa/internet |
Nó hú tiếp một tiếng rõ dài hơn lúc nãy hú,ú,u,u… như để kiểm chứng thái độ bình tĩnh của cô. Chúng tôi lúc này không ai dám cười, cả lớp quay sang nhìn nó, rồi lại nhìn cô. Lớp trưởng ngồi kế bên tôi lí nhí đợt này chắc “hết bình yên” rồi. Cô vẫn không la, sắc mặt cô vẫn không thay đổi, điều đó làm cho thằng Hiếu tức tối vì bốn tiết học trước không có thầy cô nào là không giận dữ… Nhưng cô vẫn nhỏ nhẹ, Hiếu thích âm thanh đó lắm phải không? Nếu em ở quê cô thì chắc nãy giờ đàn ông đã kéo đến và thế là lớp đông vui náo nhiệt lắm đây. Cả lớp vô vùng ngạc nhiên, nhưng không để chúng tôi phải suy nghĩ lâu, cô chậm rãi kể:
- Quê cô vốn là một ngôi làng hẻo lánh gần một con sông, làng có chừng mười lăm, hai mươi ngôi nhà nằm rải rác giữa ruộng vườn nhưng bà con trong làng sống rất tình nghĩa và bình dị. Mỗi sáng gia đình nào thức dậy trước, đun bình trà xong là cất một tiếng hú dài – cô nhìn về phía Hiếu rồi nói: Cũng giống tiếng hú của em bây giờ - nhưng âm thanh ấy không lọt giữa không gian yên ắng như ở trường học này mà vang vọng ra xa bởi sự vọng âm lại của sông và như thế đàn ông trong làng xác định được âm thanh đó xuất phát từ đâu và họ tập trung đến uống trà, rít dài điếu thuốc, khề khà dăm ba câu chuyện làm ăn.
Đến khi mặt trời ló rạng, mọi người lại bắt tay vào công việc thường ngày của mình. Hoặc khi gia đình nào có niềm vui muốn chia sẻ hay gặp khó khăn cần giúp đỡ thì người đàn ông trong gia đình sẽ cất tiếng hú lên thay lời kêu gọi, mọi người sẽ đến… Âm thanh ấy hòa với tiếng gà gáy buổi sáng, buổi trưa, tiếng ùm bò, tiếng chó sủa mỗi khi có người lạ đến làng… Đã tạo ra một bản đồng ca quen thuộc bình yên của quê cô đó các em ạ.
Cả lớp ngồi im lặng trước câu chuyện của cô, rồi cô hướng mắt về phía Hiếu nói rất nhỏ nhẹ đủ để cả lớp nghe:
- Cả lớp cố gắng học, cuối học kỳ cô đưa cả lớp về quê cô chơi. Sáng dậy sớm nấu nước trà và Hiếu sẽ hú gọi mọi người ở làng cô đến uống nước trà nhé! Được như vậy cô sẽ tự hào về học trò của cô lắm!
Rồi cô vào tiết, bài học của cô trôi qua thật nhanh, chúng tôi lắng nghe cô giảng bài, phát biểu xây dựng rất hăng say. Chẳng biết có phải vì câu chuyện của cô, hay vì cách giáo dục của cô mà từ những tiết học sau không thấy thằng Hiếu làm “người rừng” nữa, chúng tôi cũng ngoan ngoãn hơn. Ba tháng trôi qua, chúng tôi chuẩn bị thi học kỳ I.
Hôm ấy, tới tiết Giáo dục công dân của cô chủ nhiệm lớp tôi, chuông vào lớp đã hơn năm phút vẫn chưa thấy cô vào lớp. Như có điều gì đó bất ổn trong chúng tôi, cả lớp ngồi thật im, lớp trưởng đi xuống phòng giáo viên tìm cô nhưng vừa bước ra cửa thì một thầy giáo bước vào, trông thầy thật buồn. Cả lớp đứng dậy chào thầy – Thầy bảo: Các em đã biết chuyện gì chưa? Linh cảm như có điều chẳng lành, chúng tôi lí nhí: Dạ chưa. Thầy chậm rãi bảo: Cô các em vừa mất! Sáng nay ra sông lấy nước, lũ trên thượng nguồn đột ngột đổ về đã cuốn trôi cô… Thằng Hiếu khóc rú lên một tiếng rồi đổ sụp xuống, cả lớp vỡ òa trong tiếng khóc.
Ngày đưa cô đi, thằng Hiếu tự tết một vòng hoa, học trò lớp cô không thiếu một đứa, tất cả cùng đưa cô đến tận nơi an nghỉ cuối cùng. Riêng thằng Hiếu nó không khóc, cầm vòng hoa trên tay theo sát quan tài của cô, đến lúc hạ huyệt nó đặt vòng hoa trên quan tài cô cúi lạy sát đất rồi ra về…
Thời gian trôi qua, chúng tôi đều trưởng thành mỗi đứa mỗi nơi. Mải học tập, công việc phải đến 7 năm sau tôi mới có dịp quay về thăm quê cô. Tôi tới thăm ông bà cụ - ba mẹ cô – rồi xin phép ra mộ cô. Bà cụ đưa tôi đi, vừa đi bà vừa kể rằng, năm nào vào ngày giỗ cô cũng có một cậu học sinh đem hoa đến, thắp hương và chuyện trò với cô. Tôi nghĩ ngay đó là Hiếu, tôi thấy mình vô tâm quá, 7 năm rồi giờ mới quay lại thăm cô. Hôm đó tôi xin bà cụ cho tôi ngủ lại một đêm để sáng mai tôi được nghe tiếng hú, âm thanh yên bình của làng quê cô.
Mã số: 1093