Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu: Cơ duyên với Vật lý điện tử

Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu: Cơ duyên với Vật lý điện tử

Thích Toán nhưng ngưỡng mộ Marie Curie

TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu (sinh năm 1985) lớn lên ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Thời cấp 3, Hiếu học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh. Sau đó, anh chọn học lớp cử nhân tài năng của khoa Vật lý Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM. Sau khi học 1 học kỳ ở ĐH, anh nhận được học bổng đi học tại ĐH Tổng hợp Kỹ thuật quốc gia Volgograd (Nga). Anh bắt đầu theo học tại trường ĐH này từ năm 2005 rồi lấy bằng Cử nhân (năm 2009), Thạc sĩ (2011) và Tiến sĩ Vật lý (2015).

Nói về lý do chọn nghề theo hướng vật lý, anh chia sẻ: “Hồi học phổ thông tôi thích Toán. Nhưng có lẽ do đọc nhiều sách khoa học (ba của Hiếu làm ở thư viện TP Nha Trang) và rất ngưỡng mộ Marie Curie, nên khi thi ĐH đã chọn Vật lý. Hồi đó, tôi không có ý niệm gì về nghiên cứu khoa học, chỉ thuần túy làm theo sở thích, đến giờ vẫn vậy”.

Từ sở thích để đi đến thành công trong nghiên cứu là một chặng đường không trải hoa hồng. Trong quá trình học tập và NCKH, TS Hiếu đã sớm gặt hái được nhiều thành tích: Giải Ba Hội nghị các nhà nghiên cứu trẻ khu vực Volgograd (2008), giải Nhất Cuộc thi sinh viên NCKH ĐH Tổng hợp Kỹ thuật quốc gia Volgograd (2009), giải Nhất (Poster, Vật lý) Hội nghị quốc tế các nhà khoa học trẻ “Lomonosov 2013” (2013), Giấy khen tại Liên hoan Thanh niên Sinh viên tiên tiến (2013), Giấy khen thành tích Xuất sắc trong học tập và rèn luyện (2013)…

Công trình nghiên cứu “Quãng đường tự do trung bình của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu” (“Low-energy electron inelastic mean free path in materials” xuất bản trên Applied Physics Letters) của TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu (TDTU) được đăng trên Tạp chí Applied Physics Letters (SCI, Q1, 5-year IF: 3.352, H-index: 401, ISSN: 0003-6951) và được đề cử Giải thưởng trẻ của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.

Đầu tư mạo hiểm

Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu: Cơ duyên với Vật lý điện tử ảnh 1
TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu. Ảnh: NVCC

Nói về con đường dẫn đến lĩnh vực nghiên cứu hiện tại, anh chia sẻ: “Ban đầu lúc mới vào học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, tôi muốn đi theo Vật lý hạt cơ bản. Nhưng khi được học bổng qua Nga, trường tôi học chỉ có Vật lý điện tử và tính toán. Năm 2008, tôi gặp GS hướng dẫn và đi theo hướng của thầy, nghiên cứu tán xạ điện tử trong vật rắn bằng mô phỏng Monte Carlo. Phương pháp này đòi hỏi cơ sở dữ liệu về “electron inelastic mean free path” (tiếng Việt là “quãng đường tự do trung bình (không đàn hồi) của điện tử).

Đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm lẫn lý thuyết về đại lượng này, hầu hết là cho điện tử năng lượng cao. Sau khi về nước, tôi đi sâu nghiên cứu tán xạ không đàn hồi cho điện tử năng lượng thấp (dưới 100 eV) trong vật liệu. Công trình “Low-energy electron inelastic mean free path in materials” đăng trên Applied Physics Letters là kết quả quan trọng nhất của tôi cho đến nay”.

Anh cho rằng, làm NCKH trong môi trường ĐH ở Việt Nam thật sự rất thách thức. Khó khăn không chỉ là thiếu thốn cơ sở vật chất, yếu tố con người cũng ảnh hưởng rất lớn. “Ở một mức độ nhất định, có thể xem đầu tư NCKH là một loại hình đầu tư mạo hiểm. Việc dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho NCKH không có nghĩa rằng sẽ thành công. Nếu bạn bắt đầu một việc gì mà đã biết trước kết quả thì đấy không gọi là NCKH, vì bản chất của NCKH là tìm kiếm cái mới, cái chưa biết. Bạn khởi hành từ “tìm kiếm” nhưng chưa chắc bạn đến được “tìm ra””, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu chia sẻ.

Nói về những nỗ lực trong việc đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu mà mình đang theo đuổi, anh cho rằng chủ yếu nghiên cứu theo sở thích và cố gắng giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong chuyên ngành. “Nỗ lực thì chắc chắn phải có, và phải chấp nhận mất nhiều thứ để ưu tiên cho NCKH, nhưng để thành công vẫn cần một chút may mắn”, TS Hiếu bày tỏ.

Điều mà anh cảm thấy vui là khi nghiên cứu được đồng nghiệp quốc tế biết đến và trích dẫn. Đồng thời, anh chia sẻ càng thấy vui hơn nữa khi được mời báo cáo ở hội nghị quốc tế chuyên ngành tại Nhật Bản tháng 11/2019 (http://www.sasj.jp/ PSA/PSA19/). Quỹ NAFOSTED đã tài trợ cho anh tham dự hội nghị này. “Đây là những dấu hiệu cho thấy đóng góp của mình cho chuyên ngành là hữu ích”, anh chia sẻ.

Hiện TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu tham gia giảng dạy cho nghiên cứu sinh của Viện Khoa học tính toán Trường ĐH Tôn Đức Thắng (INCOS, TDTU). Điều mà anh cảm thấy thấy thú vị là càng đào sâu nghiên cứu thì càng thấy rõ tính thiết thực của lĩnh vực mình theo đuổi đối với đời sống xã hội nói chung và khoa học công nghệ nói riêng.

“Việc không rõ mình đang ở đâu trong bức tranh chung cũng giống như nhà thám hiểm không có bản đồ. Thấy được sợi dây liên kết từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tế giúp mình định hướng được hướng nghiên cứu và xác định được những vấn đề nào cần ưu tiên nghiên cứu trước” - TS Hiếu chia sẻ.

“Trong nghiên cứu “Low-energy electroninelastic mean free path in materials” [Applied Physics Letters, 108, p.172901 (2016)], tác giả đã đề xuất một phương pháp tổng quát để xác định quãng đường tự do trung bình của điện tử năng lượng thấp. Theo đó, đại lượng này được xác định trong hệ hình thức điện môi, sử dụng hàm mất năng lượng thu được từ các tính toán nguyên lý đầu. Phương pháp này có thể áp dụng cho nhiều loại vật liệu khác nhau, từ vật liệu khối có cấu trúc chu kỳ cho đến vật liệu vô định hình (như nước lỏng) và cả vật liệu hai chiều đang rất được quan tâm hiện nay. Tính tổng quát của phương pháp được đề xuất có ý nghĩa rất quan trọng, vì như đã giới thiệu ở trên, các lĩnh vực khác nhau đòi hỏi thông tin về quãng đường tự do trung bình của điện tử năng lượng thấp trong các vật liệu khác nhau...”. Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...