Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: “Cần thượng tôn pháp luật và tạo điều kiện để các trường tự chủ phát triển”

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: “Cần thượng tôn pháp luật và tạo điều kiện để các trường tự chủ phát triển”

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT).

Thưa TS Lê Viết Khuyến! Hiện nay điều vướng nhất của các trường đại học hoạt động theo mô hình tự chủ là chỉ đạo ở cấp cao nhất (như Nghị quyết 19-NQ/TW) và Luật, Nghị định thì đã có (Luật số 34/2018 và Nghị định 99), nhưng rất nhiều văn bản pháp qui khác thì chưa được điều chỉnh kịp để trường có đầy đủ hành lang pháp lý mà vận hành. Điều này dẫn đến một thực tế là khi kiểm tra/thanh tra trường, một số cơ quan lấy luật lệ hoặc qui định cũ đã ban hành khá lâu để xem xét xử lý. Việc này ảnh hưởng và gây rủi ro rất lớn đối với các trường tự chủ, nhất là vai trò người đứng đầu. Theo ông, giải pháp lâu dài và giải pháp trước mắt để các trường tự chủ ổn định hoạt động và phát triển thì nên thế nào?

- TS Lê Viết Khuyến: Có thể hiểu khái niệm tự chủ là tự mình có quyền và có thể kiểm soát được những công việc của mình theo các quy định của luật pháp. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay ở nước ta, đào tạo của các trường đại học cũng chịu sự tác động của các quy luật trong cơ chế thị trường, đặc biệt là quy luật cung cầu, quy luật giá trị... Tôi nghĩ rằng, tắc ở khâu nào thì khâu đó phải gỡ. 

Thí dụ: nếu có sự không tuân thủ Nghị quyết 19-NQ/TW thì Ban bí thư phải vào cuộc để bảo đảm sự nghiêm minh của Đảng. Nếu còn có đơn vị cấp Bộ, tương đương Bộ nào ban hành văn bản dưới Luật mà sai Luật, Nghị định thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm phát hiện và trình Quốc hội và Chính phủ để thổi còi ngay; vì nếu không thì sẽ tạo tiền lệ xem thường kỷ cương luật pháp.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: “Cần thượng tôn pháp luật và tạo điều kiện để các trường tự chủ phát triển” ảnh 1
TS Lê Viết Khuyến phát biểu tại một hội thảo về tự chủ ĐH. Ảnh: Như Ý.

Tiếp theo là phải chỉ thị cho các bộ, ngành sớm ban hành văn bản pháp qui, dự thảo sửa đổi luật, qui định cho tương thích với chỉ đạo của Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng và các văn bản mới như: Luật số 34/2018, Nghị định 99-/NĐ-CP vì những văn bản pháp luật mới này thể hiện đúng quan điểm lãnh đạo mới nhất của Đảng và Chính phủ trong thời hiện tại.

Việc chậm ban hành các văn bản pháp lý cho đồng bộ sẽ có thể làm vô hiệu hóa các chỉ đạo của Đảng và những tiến bộ của Luật 34/2018; vì các trường sẽ phải đối mặt với việc lúc này thì áp dụng được Luật 34/2018, nhưng lúc khác thì phải tuân theo những quy định cũ; mà những quy định cũ thì nhiều cái vênh với chủ trương tự chủ của Nghị quyết 19 và Luật 34/2018. 

Trong thời gian còn chưa có sự điều chỉnh ở các văn bản cũ thì việc kiểm tra và thanh tra nếu có phải dựa vào các tư tưởng đổi mới của Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật 34/2018; chứ không thể dùng những quy định ngược với chỉ đạo của Đảng và ngược với Luật mới mà phán người ta sai cái này, cái kia. Không thực hiện được những điều này thì khó có trường đại học nào dám nhận tự chủ và như vậy Nghị quyết 19 và Luật 34/2018 sẽ không đi được vào cuộc sống..

Trong số báo trước, chúng tôi đã từng thông tin là có cơ quan chủ quản dựa vào Quyết định 105-QĐ/TW để qui định việc qui hoạch, qui trình cử thành viên, chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và bắt trường tự chủ phải theo. Nhưng Quyết định 105-QĐ/TW không có đối tượng điều tiết là các trường đã được tự chủ. Vậy phải chăng việc buộc trường tự chủ phải làm qui trình nhân sự theo quyết định này là đang có vấn đề và có độ vênh với tinh thần của Nghị quyết 19, thưa ông?

- Chuyện đó là rõ ràng rồi. Thứ nhất, Nghị quyết 19-NQ/TW ban hành trước Quyết định 105-QĐ/TW hơn 1 tháng; do đó, Quyết định 105 chưa kịp thể chế hóa chỉ đạo của Nghị quyết 19 để qui định về công tác nhân sự đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ mà chỉ thích hợp với những trường còn chưa được tự chủ. Khi mà 105-QĐ/TW còn chưa qui định qui trình nhân sự cho trường đại học tự chủ; mà lại lấy 105-QĐ/TW để áp vào cho công tác nhân sự của trường tự chủ thì rõ ràng có sự bất cập ở đây.

Thứ hai, Nghị định 99/NĐ-CP đã qui định rõ cơ quan chủ quản chỉ có các quyền: cử người đại diện để hiệp y với Tập thể lãnh đạo (trong đó có Đảng ủy) trường đại học về số lượng, cơ cấu hội đồng trường; cử nhân sự tham gia hội đồng trường để đại diện cho quyền chủ quản của mình; và phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng. Còn qui hoạch, qui trình làm nhân sự thành viên hội đồng trường, là thẩm quyền của Tập thể lãnh đạo nhà trường; qui hoạch, qui trình làm nhân sự cho chủ tịch hội đồng, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là thẩm quyền của Hội đồng trường vì đó là những chủ thể quyết định nhân sự của đơn vị tự chủ. Luật không quy định, không cho phép cơ quan chủ quản có quyền can thiệp vào những thẩm quyền mà không phải của mình!

Trong Nghị định 99 có xác định sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nhân sự của trường đại học tự chủ là Tập thể lãnh đạo gồm Thường vụ Đảng ủy cùng BGH và Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng trường sẽ quyết định cơ cấu nhân sự hội đồng, chủ tịch, phó chủ tịch; kể cả xác định tiêu chuẩn, qui trình, thủ tục bầu thành viên, chủ tịch và hiệu trưởng và đưa vào qui chế tổ chức và hoạt động của Trường. Ngoài ra, các qui định về vai trò, phạm vi lãnh đạo, phạm vi quyết định của Tổ chức Đảng trong các đơn vị sự nghiệp công lập cho đến nay chưa cập nhật cho đúng với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 19-NQ/TW. Nhất là đối với trường ĐH tự chủ thì chưa có bất cứ qui định nào của Đảng qui định Tổ chức Đảng tại đây có quyền hạn gì? phạm vi quyết định đến đâu? Làm những công việc gì?. Do đó, khi xem xét vai trò của Tổ chức Đảng ở các trường ĐH tự chủ, một số đơn vị kiểm tra lại lấy các qui định chung của Đảng (vốn dành cho đối tượng là Tổ chức chuyên trách Đảng; hoặc các cơ quan hưởng ngân sách nhà nước) để đối chiếu, kiểm tra, ra kết luận. Vấn đề này ông thấy thế nào?.

- Tôi nghĩ không chỉ riêng vấn đề này, mà trong tất cả các vấn đề chúng ta cần tiếp cận trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Mọi Đảng viên và Cơ sở Đảng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Khi nói về vai trò của hội đồng trường ở các trường công lập, công lập tự chủ, chúng ta hay lấn cấn với vai trò của Đảng ủy trong các trường ĐH. Thật ra vai trò Đảng không bao giờ mờ nhạt trong vấn đề này. Bởi, từ thực tiễn như anh thấy đấy đa phần Hiệu trưởng các trường ĐH hiện nay đều là Bí thư Đảng ủy, thì việc hoán đổi vị trí Bí thư đảng ủy là Hiệu trưởng sang cho Chủ tịch HĐT, tôi nghĩ là việc nên làm trong tình thế hiện nay. Và như thế khi các trường tự giải quyết vận mệnh của mình theo luật định; thì hoạt động của trường luôn có sự lãnh đạo của Đảng rồi.

Còn việc Đảng chưa qui định vai trò của Tổ chức Đảng là gì trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, thì Ban tổ chức TW Đảng cần phải tham mưu để ban hành ngay; chứ để tình trạng chưa có qui định về vai trò, nhiệm vụ, công việc của Tổ chức Đảng trong một loại đơn vị đặc thù như trường đại học tự chủ, rồi khi kiểm tra, thanh tra, các đơn vị như Ủy ban kiểm tra, Tổ chức Đảng cấp trên cứ lấy các qui định về vai trò của Đảng trong các đơn vị hưởng ngân sách nhà nước như chính quyền các cấp, công an, quân đội, tòa án, kiểm sát, tổ chức chính trị… ra mà áp vào để phán quyết người ta thì hết sức vô lý; kết quả là sẽ bóp chết chủ trương tự chủ của Ban chấp hành trung ương Đảng.

Quyền tự chủ trong sử dụng tài chính và tài sản đối với những tài chính, tài sản do trường tự chủ tự tích lũy, ngoài nguồn từ ngân sách nhà nước đã được xác lập từ Luật Giáo dục đại học (Luật 08/2012). Thế nhưng vẫn có cơ quan chủ quản cứ gán ghép chuyện đã là trường công, thì mọi tài sản, tài chính đều phải được quản lý theo Luật đầu tư công, Luật quản lý tài sản công. Ông thấy việc này là thế nào?

- Rõ ràng là không đúng. Những luật như Luật quản lý tài sản công, Luật đầu tư công là luật chung. Luật giáo dục đại học là luật chuyên ngành. Trường đại học phải áp dụng Luật chuyên ngành trước khi áp dụng các Luật khác.

Mục 2, Điều 1 (Sửa đổi, bổ sung Điều 4) của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34/2018) quy định: Quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học.

Ngoài ra, Mục 34, Điều 1 (Sửa đổi, bổ sung Điều 66) của Luật số 34/2018 quy định như sau: “Đối với cơ sở GDĐH công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định việc sử dụng nguồn tài chính như sau: (a) Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước cấp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; (b) Quyết định nội dung và mức chi từ nguồn thu học phí và thu sự nghiệp… theo quy định của Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở GDĐH.

Nếu cơ quan chủ quản mà hành động theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật thì chẳng bao giờ làm chuyện gán ghép vô lý như vậy!

Trong tình hình có sự vận dụng các quy định pháp luật khác nhau dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực như vậy, để thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và trường đại học tự chủ nói riêng mạnh dạn thực hiện tự chủ, theo ông, Chính phủ cần phải làm gì ngay lúc này?

- Tôi nghĩ để các trường ĐH nói chung, trường đại học tự chủ nói riêng phát triển mạnh mẽ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó Chính phủ đóng vai trò thiết yếu trong việc ban hành các văn bản pháp quy để điều tiết, giúp các trường phát triển. Ở một góc độ nào đó thì sự phát triển của các ĐH cũng là bộ mặt trí tuệ của đất nước, của dân tộc. Nếu không kịp thời can thiệp với những hoàn cảnh khó khăn như hiện nay đang có độ vênh nhất định giữa các văn bản pháp luật mới và các luật lệ, qui định cũ thì sẽ bó buộc khiến các trường ĐH không dám tự chủ… Điều này sẽ dẫn đến sự trì trệ của hệ thống giáo dục chứ chưa nói là chắc chắn sẽ đi xuống thì hậu quả sẽ rất khôn lường, làm giảm đi tinh thần tiến bộ trong các Nghị quyết của Đảng, trong các luật của Quốc hội đã ban hành và các Nghị định mà Chính phủ đã dày công thực hiện…

Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.