Tiên phong trong các phong trào và chất lượng

Tiên phong trong các phong trào và chất lượng
(GD&TĐ)- Sáng nay (11/12), Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2010-2011 các Sở GD-ĐT vùng Đồng bằng Bắc bộ do thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì.
Dự Hội nghị có đại diện các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ GD-ĐT cùng lãnh đạo chính quyền tỉnh Hà Nam, Sở GD-ĐT 8 tỉnh cụm thi đua số 2, vùng Đồng bằng Bắc bộ.
 Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban vùng thi đua số 2 (Đông Bắc Bộ). Ảnh, gdtd.vn
 Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban vùng thi đua số 2. Ảnh, gdtd.vn
Năm học 2010-2011 lấy chủ đề: "Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục" đã đi vào giảng dạy-học tập được gần 4 tháng. Bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm khác của đầu năm học các Sở GD-ĐT đã tập trung tập chú trọng tới các vấn đề cấp thiết đầu năm. Như: tập huấn, bồi dưỡng CBQL-GV, GD kỹ năng sống cho học sinh PT, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, tiếp tục đổi mới kiểm tra đánh giá để đổi mới hương pháp giảng dạy, chương trình giáo dục mầm non mới, dạy và học ngoại ngữ 2 buổi, phổ cập mẫu giáo 5 tuổi...và trọng tâm là phong trào xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực".
Năm học này cụm thi đua số 2 có 5.158 trường ở các bậc học Phổ thông. Đây là năm mà theo đánh giá của trưởng vùng thi đua số 2 Nguyễn Quốc Tuấn: tỉ lệ chuyên cần ở các cấp học rất cao. Trong gần 4 tháng đi vào giảng dạy- học tập, tỉ lệ học sinh bỏ học không có nhiều biến động so với năm học 2009-2010 vừa qua. Trong dịp học hè, Bắc Ninh là tỉnh có tỉ lệ HS bỏ học nhiều nhất 566 em (tăng 0,51% so với năm trước), tiếp đến là Hải Dương (516 HS), Vĩnh Phúc (317 HS). Đặc biệt, tỉ lệ học sinh bỏ học đầu năm rất thấp, có tỉnh hầu như không có tình trạng học sinh bỏ học trong dịp đầu năm học như: Hải Dương, Hà Nam, Nam Định...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số học sinh bỏ học trong vùng, theo thống kê, đánh giá đa phần rơi vào các trường hợp học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Các em vừa phải lao động giúp gia đình, ít có thời gian cho việc học dẫn đến lực học sa sút dần dẫn đến bỏ học.
Tiên phong trong các phong trào và chất lượng ảnh 2
 Hội nghị giao ban GD-DT 8 tỉnh vùng Đông Bắc Bộ. Ảnh, gdtd.vn
Ngành giáo dục 8 tỉnh trong khu vực Đông Bắc Bộ trong thời gian qua đã nghiêm túc thực hiện 3 công khai, chấn chỉnh không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm, công khai cam kết chất lượng giáo dục, công khai tài chính, tham mưu với chính quyền địa phương xây dựng mức thu học phí tại địa phương; chấn chỉnh quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn. 
Về đội ngũ giáo viên, các tỉnh trong vùng thi đua số 2 có tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ rất cao (từ 96-100% giáo viên đạt chuẩn ở các cấp). Ở các cấp học, Tiểu học có tỉ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn cao nhất, tiếp đến là THCS, mầm non và THPT. 
Theo báo cáo, một số địa phương còn thiếu giáo viên ở Tiểu học, THCS các môm: âm nhạc, tin học, và GDQP ở cấp THPT. Các tỉnh triển khai tốt các lớp tập huấn về chuẩn Hiệu trưởng trường TH (bồi dưỡng HIệu trưởng theo DA SREM, DA V.EMIS), chuẩn nghề nghiệp giáo viên trường TH cho các CBQL-GV, chủ tịch CĐ các trường THPT...
Cùng với cả nước, từ năm 2008 đến nay, các tỉnh trong vùng Đông Bắc Bắc Bộ đang gấp rút hoàn thành những công trình xây dựng theo Quyết định số 20/2008QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà Công vụ cho giáo viên. Các tỉnh xem Đề án này là chương trình hỗ trợ kịp thời của Nhà nước để giúp địa phương xóa bỏ hiện trạng nhà lớp học tạm, không có nhà ở công vụ cho giáo viên. Chính vì vậy, các địa phương đã thực hiện khá tốt và lồng ghép nhiều nguồn vốn khác từ xã hội để thực hiện Đề án. 
Theo báo cáo, trong năm 2010 toàn vùng đã xây mới được trên 8.800 phòng học và nhà ở công vụ cho giáo viên. Nhiều nơi, do tham mưu tốt với chính quyền địa phương nên việc huy động các nguồn vốn khác để đối ứng với nguồn vốn trung ương hỗ trợ rất nhanh, gọn giúp đẩy nhanh việc thực hiện Đề án; góp phần vào phát huy hiệu quả đồng vốn, giúp cho việc dạy-học và chất lượng sống của giáo viên nội trú được nâng lên rõ rệt; như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương... Các địa phương này đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Đề án và chủ trương huy động các nguồn vốn xã hội hóa của ngành.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Sở GD-ĐT trong vùng đã đóng góp các ý kiến triển khai Đề án Phổ cập GDMM 5 tuổi, quản lý dạy thêm học thêm, mức hỗ trợ BHXH cho giáo viên mầm non, hình thức tuyển dụng GV cho các trường PT bán công lập chuyển đổi sang mô hình dân lập, thi và tổ chức các kỳ thi trong cấp THPT...
Đặc biệt là việc thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, hiện nay các tỉnh đang gặp khó khăn khi trượt giá tiền lương và đơn giá xây dựng tăng cao, việc thực hiện xây dựng các công trình theo danh mục được phê duyệt là không đủ. Tại nhiều tỉnh có nhiều công trình đã khởi công dang dở nhưng chưa hoàn thành do nợ đọng vốn của các đơn vị thi công. Cục Cơ sở vật chất-Thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em đã hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện Đề án cho các địa phương. Cụ thể: không áp dụng suất đầu tư cho công trình cụ thể mà đầu tư cuốn chiếu, dồn vốn cho những công trình đã khởi công, đồng thời không khởi công mới các công trình khác để đảm bảo đủ vốn thanh quyết toán cho các công trình đang xây dựng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá: các tỉnh trong vùng đã triển khai tích cực Đề án Phổ cập GDMM 5 tuổi, chú trọng nâng cao chất lượng GD-ĐT,  đội ngũ GV và nâng chuẩn chất lượng đội ngũ...
Tiên phong trong các phong trào và chất lượng ảnh 3
Đại biểu các Sở GD-ĐT trong vùng phát biểu ý kiến tại cuộc họp giao ban. Ảnh, gdtd.vn
Tuy nhiên thứ trưởng nhấn mạnh, hiện nay, ngành GD-ĐT trong vùng còn thiếu về đội ngũ giáo viên. Thêm nữa, đây là các tỉnh thuần nông nên các nguồn lực hỗ trợ ngành giáo dục từ xã hội không nhiều nên lãnh đạo ngành GD-ĐT ở đây cần thường xuyên động viên khuyến khích CBQL-GV khắc phục khó khăn trước mắt để hoàn thành tốt công tác giảng dạy.

Thứ trưởng đề nghị từ nay đến cuối năm, các tỉnh khẩn trương hoàn thành việc chuyển đổi các trường thuộc loại hình trường bán công lập sang mô hình công lập, đồng thời nhanh chóng hoàn thành, phê duyệt Đề án PCGDMM 5 tuổi. Hiện nay, chưa nhiều tỉnh hoàn thành việc phê duyệt Đề án này. Đồng thời tránh tình trạng qúa chú trọng vào độ tuổi 5 tuổi mà bỏ qua các nhóm trẻ khác. Các Sở GD-ĐT phải quan tâm quản lý các trường MN ở khu dân cư, trường MN ngoài công lập tránh tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra trong các trường MN dân lập và tự phát.
Các Sở GD-ĐT cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng GD toàn diện, bám sát các mục tiêu trọng tâm để có những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh giáo dục vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Và hy vọng, cuối năm học này, tỷ lệ học sinh chuyển cấp trong vùng được duy trì cao, tỷ lệ học sinh THPT, GDTX thi đỗ tốt nghiệp, thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ cao hơn nhiều so với mọi năm.
Tiên phong trong các phong trào và chất lượng ảnh 4
 Lễ kí giao ước thi đua giữa các Sở GD-ĐT cụm thi đua số 2-vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh, gdtd.vn
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh: các trường chú trọng hơn nữa đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các cấp; phối hợp với các ban, ngành đoàn thể tại địa phương ngăn chặn các tệ nạn xâm nhập học đường, bạo lực học đường, nhất là không để tình trạng học sinh đánh nhau.
Thứ trưởng đôn đốc lãnh đạo các Sở GD-ĐT trong khu vực tham mưu tích cực cho chính quyền các địa phương nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng Đề án trường chuyên trình Bộ GD-ĐT. Đồng thời lưu ý, Đề án này phải được triển khai có lộ trình và phải thực sự xuất phát từ thực tế địa phương để sau này khi xây dựng và đi vào hoạt động, trường chuyên sẽ là con chim đầu đàn tại mỗi tỉnh kéo mặt bằng học tập của địa phương đi lên.
Tại hội nghị 8 tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ vùng 2 đã ký giao ước thi đua trong 15 lĩnh vực công tác đã được các Sở GD-ĐT giao ước, cam kết hoàn thành suất sắc nhiệm vụ trong năm học 2010-2011.  
Nằm trong chủ trương của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, trong thời gian qua ngành giáo dục các tỉnh vùng đồng bằng Đồng bằng Bắc Bộ đã tích cực quyên góp "Ủng hộ trợ giúp đoàn viên-lao động các tỉnh miền Trung bị lũ lụt"; đã ủng hộ trên 3,63 tỷ đồng cùng hàng chục ngàn bộ sách vở, hàng ngàn bộ quần áo, đồ dùng học tập....
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ