Tiền đạo Nguyễn Tiến Linh: “Sát thủ” trong vòng cấm

GD&TĐ - Nguyễn Tiến Linh ngày càng trưởng thành trong màu áo đội tuyển Việt Nam, thế nên, chân sút gốc Hải Dương sẽ được trao trọng trách dẫn dắt hàng công U22 Việt Nam cho chiến dịch săn vàng SEA Games 30.

Tiền đạo gốc Hải Dương rất thông minh và là mẫu trung phong biết chọn điểm rơi, dứt điểm một chạm tốt.
Tiền đạo gốc Hải Dương rất thông minh và là mẫu trung phong biết chọn điểm rơi, dứt điểm một chạm tốt.

Tuổi thơ gian khó

Sinh ra ở Hải Dương, song do mẹ sang Hàn Quốc làm việc, nên mới 6 tuổi Tiến Linh đã phải theo bố vào Bình Dương sinh sống. Sự cô đơn, cuộc sống thiếu thốn tình cảm trở thành thử thách khó khăn cho cậu bé Tiến Linh.

Ngoài giờ đi học, như Tiến Linh chia sẻ: “Tôi cảm thấy cô đơn. Thời tiết, thức ăn đồ uống ở Bình Dương khác Hải Dương rất nhiều. Không còn những người bạn quen thuộc nữa. Hàng ngày, tôi chỉ đi học rồi về nhà. Tôi mở những tấm ảnh cũ ra. Đó là ảnh của mẹ, của gia đình và cả lúc mẹ bế tôi khi tôi còn nhỏ”.

Trong quãng thời gian khó khăn của tuổi thơ, Tiến Linh tìm đến bóng đá như cách để quên đi nỗi buồn và anh đã bén duyên với nó. Mặc dù vậy, sự khởi đầu với bóng đá của Tiến Linh đã gặp nhiều trắc trở. Cầu thủ sinh năm 1997 không đỡ nổi quả bóng, hụt hơi trong các bài rèn thể lực.

Các HLV ở Bình Dương ban đầu luôn lắc đầu ngao ngán khi nhìn Tiến Linh tập luyện. Thế nhưng, cậu bé đến từ Hải Dương không bỏ cuộc. Tiến Linh theo đuổi sự nghiệp “quần đùi áo số” bằng cách chăm chỉ tập luyện, thậm chí còn xin thầy tập thêm giờ để cải thiện những hạn chế trong các kỹ năng chơi bóng.

Nỗ lực của Tiến Linh giúp anh ngày càng tiến bộ, chơi hay trong màu áo đội trẻ của Bình Dương. Nhìn lại thời điểm ban đầu đến với trái bóng, Tiến Linh chia sẻ: “Tôi không biết xử lý trái bóng thế nào. Các thầy rất thất vọng. Lúc ấy tôi chỉ muốn quẳng đi tất cả. Không muốn theo đuổi đam mê. Nhưng trong lúc thất vọng nhất, thì mẹ tôi về”.

Tiến Linh từng bước phát triển, từ tham gia giải đấu của huyện, sau đó lên dự tuyển đội U13 Bình Dương, bắt đầu mở ra chương mới cho sự nghiệp của chân sút gốc Hải Dương.

Tiến Linh gia nhập U13 Bình Dương năm 2010, giành danh hiệu Vua phá lưới U19 Quốc gia 2015, đoạt hạng Ba U19 châu Á 2016 và đỉnh cao là tham dự U20 World Cup 2017 với đội tuyển U20 Việt Nam. Tuy nhiên, ở VCK U19 châu Á 2016, Tiến Linh chỉ là phương án dự phòng cho Đức Chinh.

Tới U20 World Cup 2017, anh thậm chí là lựa chọn thứ ba, xếp sau cả Đinh Thanh Bình. Thậm chí, anh không thể cạnh tranh nổi với Hồ Tuấn Tài, Hà Đức Chinh và Lê Thanh Bình cho một suất tham dự SEA Games 29 tại Malaysia.

May mắn cho Tiến Linh là anh được chơi bóng cùng với Anh Đức, một trong những tiền đạo cắm hay và thi đấu ổn định nhất trong những năm qua của bóng đá Việt Nam. Vì thế, anh đã học hỏi được rất nhiều từ Đức Eto"o trong việc phát triển các kỹ năng chơi bóng và kinh nghiệm xử lý trên sân.

Bước vào V-League 2018, do Anh Đức sa sút, Tiến Linh tận dụng thời cơ, thi đấu bùng nổ với 15 bàn thắng, vượt qua Công Phượng, Văn Quyết, Văn Toàn trở thành “vua phá lưới nội”. Đặc biệt, 14/15 bàn thắng đều thực hiện trong khu vực 16m50, do đó, giới chuyên môn đã gán cho tiền đạo gốc Hải Dương biệt danh “vua vòng cấm”.

HLV Park Hang Seo sau khi đến Việt Nam, bằng con mắt tinh đời, nhanh chóng nhận ra viên ngọc thô Tiến Linh. Nhưng chấn thương khiến cho tiền đạo Bình Dương không có tên trong đội hình U23 Việt Nam giành ngôi Á quân U23 châu Á ở Thường Châu hồi đầu năm 2018.

Sau đó, dù có mặt trong đội hình vô địch AFF Cup 2018, song Tiến Linh chỉ là sự lựa chọn số 4, số 5 trên hàng công với những cái tên như Anh Đức, Công Phượng, Văn Toàn, Đức Chinh… Ngay cả tại vòng loại U23 châu Á, Tiến Linh vẫn phải xếp sau Đức Chinh bên cạnh Công Phượng đã chắc một suất.

Phải đến năm 2019, Anh Đức, Đức Chinh và Công Phượng với nhiều nguyên nhân đồng loạt sa sút phong độ. Những nhân tố mới như Hà Minh Tuấn hay Nguyễn Việt Phong không mang lại hiệu quả. Tiến Linh nổi lên như sự lựa chọn tốt nhất cho đội tuyển Việt Nam. Nhưng chiến lược gia người Hàn vẫn muốn thử thách chân sút của Bình Dương.

Nhiều lần đội tuyển quốc gia tập trung, ông Park đều không triệu tập Tiến Linh. Thay vào đó ông đẩy anh xuống đội U22 Việt Nam. Đó có thể là chiêu khích tướng của bậc thầy trong dùng người Park Hang Seo. Với sức trẻ và ngọn lửa đam mê, Tiến Linh lao vào tập luyện và chờ đợi quyết định của ông Park.

Quả thật, chứng kiến tinh thần, nỗ lực không biết mệt mỏi của học trò, vào phút cuối, ông thầy người Hàn đã lôi Tiến Linh lên đội tuyển quốc gia. Như chiếc lò xo bị dồn nén, điều này chỉ khiến Tiến Linh trở nên quyết tâm hơn.

Chân sút gốc Hải Dương đã khẳng định đẳng cấp khi cơ hội đến. Anh đóng góp rất lớn vào thành tích đứng đầu bảng G vòng loại World Cup 2022 của đội tuyển Việt Nam. Tiến Linh đã ghi bàn trong các trận đấu gặp Indonesia và UAE.

Đặc biệt, siêu phẩm vào lưới UAE trên sân Mỹ Đình của tiền đạo gốc Hải Dương đã giúp đội tuyển Việt Nam giành trọn 3 điểm trong chiến dịch giành suất vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. Truyền thông châu Á nhận xét, bàn thắng của Tiến Linh mang “đẳng cấp thế giới”.

Trong trận “siêu kinh điển” với Thái Lan tối 19/11, Tiến Linh tiếp tục chứng tỏ vai trò của một tiền đạo cắm nguy hiểm. Anh di chuyển khôn ngoan đón đường chuyền của Văn Hậu và sau đó dứt điểm một chạm, bóng đi căng vào lưới trong sự bất lực của thủ môn Kawin bên phía Thái Lan.

Đáng tiếc trọng tài Ahmed Al-Kaf không công nhận bàn thắng. Ông vua áo đen người Oman và các trợ lý cho rằng, Văn Hậu việt vị khi chuyền bóng.

Trước đó, trong trận gặp Indonesia, Quang Hải cùng Văn Toàn là những mũi nhọn khuấy đảo, cũng như cung cấp bóng cho trung phong cắm là Tiến Linh, người đã có cú đúp đẳng cấp vào lưới U22 Trung Quốc trong trận giao hữu tại Vũ Hán.

Trong trường hợp biến đổi sang sơ đồ chiến thuật 3-5-2, Quang Hải đá xa biên trái hơn một chút, chơi như một số 10 và Việt Nam chơi với sơ đồ 2 tiền đạo, Tiến Linh đá cắm. Chân sút Bình Dương đã không phụ sự kỳ vọng. Anh ghi 1 bàn thắng từ pha thoát đi thần tốc và xử lý nhanh bằng cú sút căng, mạnh xé lưới Indonesia góp phần giúp đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng thuyết phục 3-1.

Từ vị trí dự bị ở các đội tuyển quốc gia, Tiến Linh đang vươn mình trở thành “sát thủ” số một của bóng đá Việt Nam.
 Từ vị trí dự bị ở các đội tuyển quốc gia, Tiến Linh đang vươn mình trở thành “sát thủ” số một của bóng đá Việt Nam.

Trọng trách ở SEA Games

Do ông Park bận rộn với đội tuyển Việt Nam trong cuộc đua tại vòng loại World Cup 2022, nên quá trình chuẩn bị của U22 Việt Nam được trao vào tay trợ lý Kim Han-yoon. Việc ông Park “nặng gánh 2 vai” có thể là nguyên nhân dẫn đến U22 Việt Nam chạy đà không hoàn hảo và phơi bày nhiều hạn chế về nhân sự, lối chơi trước SEA Games 30.

Trong trận giao hữu gặp U22 Myanmar, đội bóng không nằm trong nhóm ứng cử viên đua tranh HCV, U22 Việt Nam chỉ có được trận hòa 2-2 đầy thất vọng. Sau trận đấu này, ông Park đã loại một số cầu thủ, đáng chú ý có tên tiền đạo Martin Lò.

Theo thông tin từ phía BHL U22 Việt Nam, Martin Lò bị loại do hạn chế về thể lực. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, vấn đề lớn nhất của U22 Việt Nam hiện nay nằm ở hàng tiền đạo. Ông Park và các cộng sự tốn nhiều thời gian, công sức để hình thành các phương án cho vị trí tiền đạo mũi nhọn trong sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 hoặc biến thể 3-5-2.

Martin Lò có kỹ thuật, song khả năng dứt điểm một chạm chưa tốt, phối hợp với các đồng đội còn thiếu sự kết dính cần thiết. Những thử nghiệm với Hà Đức Chinh cũng không thành công…

Trong khi đó, Tiến Linh sở hữu chiều cao lý tưởng 1m83, mạnh mẽ trong tranh chấp tay đôi, có khả năng tỳ đè, làm tường cho đồng đội. Tiến Linh còn rất mạnh trong các pha băng cắt, dứt điểm bằng đầu sau những đường tạt từ 2 biên của đồng đội.

Tiền đạo Bình Dương cũng giống như lão tướng Anh Đức, anh có thể độc lập tác chiến trong một số tình huống. Nhưng điều ông Park cần và đánh giá rất cao Tiến Linh là kỹ năng dứt điểm một chạm, không xử lý rườm rà trong những tình huống cần có sự đột biến. Pha nhận bóng và “quăng chân” ngay của Tiến Linh xé toang lưới UAE tại Mỹ Đình vừa qua là điều U22 Việt Nam đang thiếu trầm trọng.

Đặc biệt, màn trình diễn siêu hạng của Tiến Linh trong màu áo đội tuyển quốc gia đã giúp HLV Park Hang Seo có nhiều phương án về nhân sự cho hàng công U22 Việt Nam. Ông thầy người Hàn không cần đưa những cầu thủ quá tuổi như Công Phượng, Văn Toàn tăng cường cho hàng tiền đạo.

Hai suất cầu thủ quá tuổi được chiến lược gia người Hàn ưu tiên dành cho khu vực giữa sân với một Hùng Dũng vững vàng trong vai trò tiền vệ đánh chặn và chiến binh, “người không phổi” - Trọng Hoàng cho vị trí hậu vệ phải, hoặc tiền vệ phải.

Lão tướng Anh Đức chính thức chia tay đội tuyển quốc gia. Tiến Linh chắc chắn trở thành cầu thủ thế chỗ và thay thế vai trò của Anh Đức trên hàng tấn công Bình Dương và cả đội tuyển Việt Nam. Nhưng phía trước Tiến Linh, tiền đạo có ý chí rất mạnh mẽ và phẩm chất của một tay săn bàn giàu tiềm năng là chiến dịch chinh phục HCV SEA Games 30.

Tiến Linh đang là niềm hy vọng lớn nhất trên hàng tiền đạo U22 Việt Nam
 Tiến Linh đang là niềm hy vọng lớn nhất trên hàng tiền đạo U22 Việt Nam
Theo quy định của BTC SEA Games 30, ở môn bóng đá nam, mỗi đội bóng sẽ được đăng ký 20 cầu thủ, trong đó bao gồm 2 cầu thủ trên 22 tuổi. Theo đó, hai cầu thủ được chiến lược gia người Hàn Quốc tin tưởng là Hùng Dũng và Trọng Hoàng. Đây là 2 tuyển thủ đáp ứng được đầy đủ những tiêu chí mà HLV Park Hang Seo yêu cầu, đó là có sức khỏe, chơi được ít nhất 2 vị trí trở lên và am hiểu triết lý bóng đá của ông. 
Dưới thời ông Park, Trọng Hoàng và Hùng Dũng là 2 mảnh ghép rất quan trọng trong đội hình đội tuyển Việt Nam. Hai cầu thủ này có nền tảng thể lực sung mãn, thi đấu máu lửa, phù hợp với chiến thuật phòng ngự - phản công. Ngoài ra, kinh nghiệm, bản lĩnh trận mạc của Trọng Hoàng và Hùng Dũng cũng là thứ vũ khí quan trọng cho U22 Việt Nam. Tại SEA Games 30, các trận đấu diễn ra trên mặt sân cỏ nhân tạo với mật độ 2 ngày/trận, yếu tố sức khỏe được ưu tiên hàng đầu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ