Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả hợp tác giữa hai Đảng, phát huy vai trò quan trọng của hai Bộ Ngoại giao trong việc điều phối, thúc đẩy quan hệ hai nước, triển khai tốt các cơ chế giao lưu và hợp tác quốc phòng, đi sâu hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, thực thi pháp luật.
Về kinh tế-thương mại, hai bên đồng ý tích cực phối hợp, áp dụng các biện pháp hữu hiệu nhằm cân bằng thương mại, mở rộng đầu tư, thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại phát triển ổn định, bền vững, trọng tâm là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, trong đó có gạo, sắn, các sản phẩm sữa, hoa quả đã chế biến.
Hai bên tạo thuận lợi cho việc thành lập các Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, tăng cường hơn nữa đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu và lợi ích của Việt Nam, sớm hoàn thành dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, nhanh chóng giải quyết các tồn tại, vướng mắc tại một số dự án do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, nhận thầu tại Việt Nam, ủng hộ Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và các quỹ tài chính trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Trung Quốc, Mekong-Lan Thương.
Hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải, bảo vệ môi trường, ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, quản lý an toàn hạt nhân, quản lý lao động qua biên giới; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch, báo chí và giao lưu nhân dân.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi đạt tiến triển thực chất theo đúng tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Hai bên sử dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có giữa các bộ, ngành, địa phương, duy trì trao đổi thường xuyên giữa hai Tổng thư ký Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương, phát huy vai trò cầu nối của Đại sứ hai nước, góp phần mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác trên các lĩnh vực, phấn đấu đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước thực sự bước sang giai đoạn phát triển mới, cân bằng, ổn định, bền vững.
Hai bên đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất; thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp; duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Kết thúc phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã chứng kiến lễ ký “Biên bản Phiên họp lần thứ 10 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc”.
Cũng trong dịp này, Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai đã có các buổi làm việc với các bộ, ngành và địa phương tương ứng của Trung Quốc để trao đổi, thúc đẩy các nội dung hợp tác cụ thể.
Dự kiến, sáng ngày 18/4, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước cũng như phát huy vai trò của hai cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.