Thủy sản Việt Nam bị các nước nhập khẩu trả về tăng cao đột biến

Riêng 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về, trung bình mỗi doanh nghiệp có 5 lô hàng không đảm bảo chất lượng bị trả về. Cá biệt, có một doanh nghiệp xuất khẩu bị trả về đến 70 lô hàng.

Thủy sản Việt Nam bị các nước nhập khẩu trả về tăng cao đột biến

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Quy định quốc tế và Việt Nam về hóa chất và kháng sinh sử dụng trong sản phẩm thủy sản” được Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức.

Thủy sản bị các nước nhập khẩu cảnh báo, trả về tăng cao đột biến

Theo ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững – Hội nghề cá Việt Nam, hiện nay Việt Nam đang bước vào một sân chơi rất lớn của hội nhập. Vì vậy, khi vào sân chơi này các nước tham gia phải tuân thủ mọi quy định đã đề ra.

Cũng theo ông Cương, Việt Nam bắt đầu tham gia hội nhập WTO từ năm 2007. Kể từ khi tham gia, các nước trên thế giới chỉ hướng dẫn Việt Nam về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, chứ không nhân nhượng bất cứ một quy định nào đã đề ra trong WTO.

Mặc dù có những quy định nghiêm ngặt về hóa chất và kháng sinh trong thủy sản, nhưng theo Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững, hiện nay tình trạng thủy sản chứa hóa chất gây hại cho người tiêu dùng vẫn đang diễn ra.

Cơ quan quản lý cần xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả trên cả nước hệ thống văn bản pháp quy về an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường
Cơ quan quản lý cần xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả trên cả nước hệ thống văn bản pháp quy về an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường

Theo số liệu của Cục Thú y, trong 9 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu giảm, số lô hàng thủy sản, đặc biệt là tôm nước lợ, bị các nước nhập khẩu cảnh cáo, trả về tăng cao đột biến. Cụ thể, từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2015, cả nước có gần 32.000 tấn hàng thủy sản các loại bị trả về do nhiễm kháng sinh cấm, vi sinh và các loại tạp chất khác.

Nguyên nhân, các lô hàng bị cảnh báo chủ yếu xuất phát từ công đoạn nuôi trồng, cơ sở nuôi hiện chưa tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch đối với một số hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng.

Theo các chuyên gia tại Hội thảo, việc sử dụng kháng sinh, hóa chất trong ngành thủy sản hiện nay đang trong tình trạng báo động. Nếu không khắc phục tốt vấn đề này, ngành thủy sản Việt Nam có nguy cơ sẽ mất dần thị trường và ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu trên thị trường thế giới.

5.000 - 6.000 loại thuốc, hóa chất!

Theo thông tin đưa ra tại Hội thảo, hiện nay, có khoảng 5.000 - 6.000 loại thuốc, hóa chất phòng trị bệnh, xử lý môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản lưu hành trên thị trường. Các sản phẩm thuốc, hóa chất, kháng sinh thì được quảng cáo, bán tràn lan, người nuôi hoang mang không biết đâu là sản phẩm có thể sử dụng được và không để lại tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản…

Trong khi đó, việc sử dụng quá nhiều loại thuốc kháng sinh và sử dụng không đúng cách đã gây ra hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc, tích tụ dư lượng thuốc kháng sinh trong sản phẩm thủy sản.

Trước tình trạng trên, các chuyên gia EU-Mutrap cho rằng, cơ quan quản lý cần xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả trên cả nước hệ thống văn bản pháp quy về an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác phối kết hợp giữa các địa phương, các ban- ngành chức năng tập trung xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu, kinh doanh kháng sinh cấm tại những cửa khẩu, vùng nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong nuôi trồng thủy sản về sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, kháng sinh. Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về những đường dây buôn lậu và kinh doanh chất cấm, kháng sinh ở các địa phương trong cả nước.

Ngoài ra, tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. Tăng cường công tác kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn thủy sản, thu mua kinh doanh thủy sản thương phẩm, sản phẩm cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo quy định.

Trong khi đó, ông Vi Thế Đang – Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam lại cho rằng, việc lập danh mục hóa chất, kháng sinh có mức dư lượng tối đa cho phép của Việt Nam phải căn cứ vào danh mục thuốc thú ý, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường của Việt Nam, từ đó xem xét đánh giá nguy cơ đối với những hóa chất, kháng sinh nào đã được sử dụng để đưa vào danh mục cấm/có quy định mức dư lượng tối đa.

“Khi chưa có điều kiện đánh giá nguy cơ đối với hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, Việt Nam nên dựa vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấp của EU, Mỹ, Nhật Bản để quy định vì các tổ chức, quốc gia này đã đánh giá nguy cơ”, ông Đang chia sẻ.

Theo vnmedia.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ