Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án Luật thuộc lĩnh vực GD-ĐT

GD&TĐ - Sáng nay (12/9), Phiên làm việc thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục bước sang ngày làm việc thứ 3 cho ý kiến về về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án Luật thuộc lĩnh vực GD-ĐT

Phiên họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 về 2 dự án Luật này.

Trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và Chủ tọa kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra về 2 dự án luật này.

Riêng về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), việc xây dựng Luật được thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật và điều chỉnh đối một số nội dung khác.

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng đã được nêu trong các Nghị quyết: Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TW (khóa XI), Nghị quyết Trung ương số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW (khóa XII);

Cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của Luật Giáo dục với các văn bản pháp luật khác; đảm bảo tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật;

Đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi).

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều (tăng 34 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ