Thương vụ Mobifone mua AVG: Số tiền đưa, nhận hối lộ còn lớn hơn?

GD&TĐ - Với sự bắt tay giữa quan chức và doanh nghiệp, nhiều quy định chặt chẽ của pháp luật bị bỏ qua. Bằng sự “phù phép”, các bị can trong vụ án đã thổi phồng giá trị thực của AVG gấp nhiều lần. Số tiền mà Mobifone đã mua AVG vượt giá trị hơn 6.500 tỉ đồng, đó là tiền Nhà nước. 

Hai cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT
Hai cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT

Con số hơn 100 tỉ đồng mà Phạm Nhật Vũ khai “cảm ơn” các cựu quan chức đã giúp bán được AVG đã thực sự thuyết phục? Số tiền 3 triệu USD Nguyễn Bắc Son đã nhận của Phạm Nhật Vũ đang ở đâu? Có được thu hồi?

Bí ẩn dấu vết 3 triệu USD

Thời điểm năm 2014, AVG đã thống nhất với đối tác nước ngoài (Công ty 8206 Hồng Kông) về việc sẽ bán ít nhất 49% cổ phần. Người môi giới của Phạm Nhật Vũ là Tào Nhân Siêu (không xác minh được nhân thân) đã nhận đặt cọc 10 triệu USD trước khi ký hợp đồng bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Do lĩnh vực truyền hình nhạy cảm nên Phạm Nhật Vũ đã có văn bản gửi ông Nguyễn Bắc Son đề nghị được hướng dẫn chào bán cổ phần AVG cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ TT&TT không có văn bản trả lời.

Sau đó, đúng lúc Mobifone có dự án làm truyền hình kỹ thuật số, như “chết đuối vớ được cọc”, Phạm Nhật Vũ đã bám vào Nguyễn Bắc Son. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Bắc Son khai nhận quá trình thực hiện dự án, Vũ nhiều lần gọi điện thoại thúc giục, mong muốn ông Son chỉ đạo sớm bán được cổ phần. Nguyễn Bắc Son thừa nhận sau khi thúc đẩy việc mua bán cổ phần thành công, ông ta được Phạm Nhật Vũ đến nhà riêng đưa cho 3 triệu USD.

Nói về việc số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD từ Vũ sử dụng như thế nào? Ở đâu? Nguyễn Bắc Son khai rằng đã đưa cho con gái (Nguyễn Thị Thu Huyền) trong những lần Huyền từ TPHCM ra Hà Nội thăm gia đình (khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 - 400.000 USD).

Tuy nhiên, làm việc với cơ quan điều tra, bà Huyền đã phủ nhận lời khai từ cha. Bà Huyền chỉ thừa nhận có ra Hà Nội thăm bố mẹ vài lần. Ông Son, bà Lý (vợ ông Son) vào TPHCM thăm Huyền nhưng không nhớ rõ thời gian cụ thể. “Huyền không nhận bất cứ khoản tiền nào từ ông Son. Kết quả đối chất với Nguyễn Bắc Son, Huyền vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền” - kết luận điều tra nêu.

Như vậy “đường đi” của 3 triệu USD (gần 70 tỉ đồng) sau khi Nguyễn Bắc Son nhận từ Phạm Nhật Vũ đến nay vẫn là ẩn số. Nguyễn Bắc Son chỉ xin nộp lại hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để… khắc phục hậu quả.

Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong trường hợp này ông Son khai ra bất kỳ ai đã nhận số tiền đó từ ông thì ông ta vẫn là người chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu không tìm ra được số tiền trên thì cơ quan thực thi pháp luật xem xét tài sản cá nhân, danh mục đầu tư của ông Son để kê biên bảo đảm thi hành án, lấy tiền về cho Nhà nước. Trường hợp nếu cơ quan bảo vệ pháp luật chứng minh được việc Nguyễn Bắc Son đưa số tiền trên cho con gái, con gái biết được nguồn tiền trên là bất hợp pháp thì có thể xử lý hình sự về tội Rửa tiền hoặc Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Số tiền đưa nhận hối lộ là con số thực?

Nhà ông Trương Minh Tuấn trong ngõ Quan Thổ 1
Nhà ông Trương Minh Tuấn trong ngõ Quan Thổ 1 

Ở giai đoạn điều tra của vụ án, 5 bị can là Nguyễn Bắc Son, Phạm Nhật Vũ, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đều khai đã đưa và nhận tài sản là tiền hơn 100 tỉ đồng. Con số này đã thực sự thuyết phục khi mà bằng việc vi phạm pháp luật, biết sai nhưng vẫn làm, các bị can đã nâng vống giá trị thực của AVG lên hơn 6.500 tỉ đồng? Con số này mới chỉ là phần nổi của tảng băng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an) được truyền thông dẫn lời cho rằng: Vụ án đã làm lộ rõ lỗ hổng lớn trong quản lý kinh tế của Việt Nam, khi có cả bộ máy nhưng để một vài cá nhân thao túng.

Quản lý kinh tế, công tác quản lý cán bộ lỏng lẻo dẫn đến vụ án gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản lớn của Nhà nước. Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng đề cập đến vấn đề số tiền thất thoát trong vụ án lên tới 6.500 tỉ đồng nhưng các bị can khai chỉ dùng khoảng 140 tỷ cho việc đưa - nhận hối lộ. “Họ dùng số tiền chiếm tỷ lệ rất nhỏ để hối lộ, lại quả cho một số lãnh đạo. Vậy số còn lại vào túi của ai”- ông Cương nêu nghi vấn.

Từ vụ án AVG, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - Vũ Quốc Hùng trao đổi với báo chí cũng nhìn nhận cuộc chiến chống giặc nội xâm đang được tiến hành quyết liệt theo sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Nhưng theo ông, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, chưa thể dừng lại ở đó và chưa thể thỏa mãn. Cũng nhắc đến khoản thất thoát 6.500 tỉ đồng, ông Hùng có cùng quan điểm với tướng Cương khi cho rằng 6,2 triệu USD tiền hối lộ trong vụ án là rất nhỏ.

“Thu hồi được tài sản là việc tốt nhưng không có nghĩa là thu hồi xong sẽ không tiếp tục xem xét, làm rõ sai phạm nữa. Chúng ta phải tiếp tục điều tra rõ xem còn ai được hưởng lợi từ khoản tiền hàng nghìn tỉ trong thương vụ Mobifone mua AVG” - ông Vũ Quốc Hùng băn khoăn.

Thắt chặt an ninh tại khu nhà ông Son

Sau khi cơ quan chức năng hoàn tất kết luận điều tra, thực hiện việc kê biên nhà của ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, chiều 5/9, PV Báo GD&TĐ đã có mặt tại ngõ 36C1, phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm để ghi nhận hình ảnh về căn nhà số 14 của gia đình ông Son. Tuy nhiên, PV không thực hiện được việc chụp ảnh căn nhà vì an ninh khu phố vô cùng nghiêm ngặt, cấm quay phim chụp ảnh.

Theo ghi nhận, căn nhà số 14 của gia đình ông Son nằm cách mặt phố Lý Nam Đế chừng 300m, trong ngõ rộng ô tô đi được. Nhà ông Son cao 3 tầng ẩn phía sau một chiếc cổng lớn, phía trước nhà có một khoảng sân nhỏ. Căn nhà nằm gần các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng. Vì vậy, khu vực này được bảo vệ nghiêm ngặt, có chiến sĩ quân đội làm nhiệm vụ giám sát, bảo vệ.

Khác với căn nhà của gia đình ông Son, căn nhà số 167 của gia đình ông Tuấn nằm cuối một ngách nhỏ vừa 2 xe máy tránh nhau thuộc ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Bên trong căn nhà sáng ánh điện. Một người dân sống cùng ngõ với gia đình ông Tuấn cho biết trước khi bị bắt, ông Tuấn và gia đình đã chuyển về căn nhà này được vài năm.

“Từ khi ông Tuấn bị bắt giam tới khi cơ quan chức năng ra quyết định kê biên căn nhà, vợ con ông Tuấn vẫn sinh hoạt bình thường tại căn nhà này. Đến hôm nay, chúng tôi vẫn thấy vợ, con trai ông Tuấn ở trong căn nhà” - hàng xóm nhà ông Tuấn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ