Thường trực Chính phủ họp về 2 Nghị định khơi thông dòng chảy kinh tế

GD&TĐ - Ngày 11/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT và dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh:VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh:VGP

Trước khi trình Thường trực Chính phủ, dự thảo Nghị định về thanh toán dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) đã trải qua một số cuộc họp, nhiều lần lấy ý kiến bởi đây là vấn đề khó, có những quy định chồng chéo từ nhiều luật, trong khi thực tiễn rất phong phú, yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm quy định chặt chẽ để chống thất thoát, lãng phí tài sản công.

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá, không thông qua đấu giá và việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất. Vướng mắc lớn hiện nay là quan điểm đấu giá đất hay thanh toán ngang giá.

Việc thực hiện thanh toán ngang giá được UBND cấp tỉnh, thành phố xác định theo 5 phương pháp theo Nghị định 44 năm 2014 về giá đất. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, giá đất chưa sát thị trường, gây thất thoát tài sản công. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, nếu đấu giá đất thì tiền thu được phải đưa vào ngân sách để đầu tư theo Luật Đầu tư công, như vậy, hình thức BT không còn tồn tại.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục tháo gỡ, hoàn thiện Nghị định với tinh thần bảo đảm tính thực tiễn để đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính chặt chẽ về pháp lý để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhấn mạnh Nghị định phải mở ra không gian tốt để sử dụng nguồn lực phát triển đất nước, Thủ tướng nêu rõ cần sớm ban hành Nghị định này với quy trình đầu tư BT rõ ràng hơn, có sự giám sát tốt hơn. Cho rằng các địa phương đang mong chờ văn bản này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải theo nguyên tắc thị trường và chống tham nhũng, tiêu cực.

Cũng tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ thảo luận, xem xét dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Kể từ ngày 1/1/2019, Luật Quy hoạch và 52 luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch đã được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian chưa có quy hoạch thời kỳ mới được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương gặp phải một số khó khăn, vướng mắc chính trong việc thực hiện chuyển tiếp đối với các quy hoạch như một số quy hoạch dự kiến thuộc Danh mục quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Một số quy hoạch ngành quốc gia trước đây được quy định ở luật chuyên ngành nhưng hiện nay quy định của các luật chuyên ngành đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019 và phải thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch. Do đó, việc điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này không thể thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đã hết hiệu lực…

Nhấn mạnh sự cần thiết của Luật Quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ những vấn đề liên quan đến hạ tầng cứng về kinh tế, thậm chí có hạ tầng cứng về xã hội, bị vướng mắc do khái niệm về quy hoạch quốc gia tích hợp còn nhiều vấn đề phức tạp.

Thủ tướng đề nghị ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch về những điểm không bị vướng mắc lớn trên tinh thần dự thảo Nghị định sẽ không quy định nội dung chuyển tiếp đối với các quy hoạch quy định ở Điều 59 Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó, cái gì còn vướng mắc, không thể thực hiện được, do luật pháp, do tính phức tạp của tích hợp, thì Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội xin chậm lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...