Thương tiếc người thầy, nhà khoa học, người lãnh đạo trọn vẹn TÂM, TÀI

Thứ trưởng Lê Hải An với học trò vùng khó. Ảnh: Trường ĐH Mỏ - Địa chất.
Thứ trưởng Lê Hải An với học trò vùng khó. Ảnh: Trường ĐH Mỏ - Địa chất.

Anh chưa từng nghĩ cho mình!

Khi nhắc đến Thứ trưởng Lê Hải An, câu đầu tiên chị Dương Thị Tuyết Nhung, giảng viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất nói sau nhiều phút nấc nghẹn là: “Nhiều năm làm việc bên Anh, chưa bao giờ tôi thấy Anh ấy nghĩ cho riêng bản thân cả”.

Là đồng nghiệp nhiều năm, từng có thời gian ở những vị trí công việc gần gũi, chị Nhung coi nguyên lãnh đạo của mình như một người anh thân thiết, không có khoảng cách “nhân viên”, “lãnh đạo”. Chị nói: “Chúng tôi làm việc cùng từ khi Anh ấy còn chưa là thành viên Ban Giám hiệu, Anh là người sống rất tình cảm, hết lòng vì tập thể, tận tụy với công việc, chu đáo với đồng nghiệp, với cấp dưới. Tôi chưa thấy người đàn ông nào lại chu toàn đến như thế”.

Câu chuyện của chúng tôi thường xuyên đứt quãng, vì mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, chị Nhung đều không nén được cảm xúc. “Kỉ niệm với anh nhiều lắm, nhưng giờ phút này đầu óc mình trống rỗng rồi”. Cho biết như vậy, chị chỉ nhớ con người Thứ trưởng An luôn nghĩ cho tập thể, cho Nhà trường, từ những điều nhỏ nhất, không bao giờ nghĩ đến lợi ích của bản thân; ngoài đời và công việc đều bản lĩnh, lạc quan, chỉnh chu, cầu toàn. Ngay cả khi rời trường nhận công tác tại Bộ GD&ĐT, Anh ấy vẫn luôn trăn trở, đau đáu về Trường ĐH Mỏ - Địa chất, luôn nghĩ tương lai của trường sẽ ra sao, năm nay tuyển sinh thế nào? Mọi vấn đề Lãnh đạo Nhà trường tham vấn ý kiến, Anh đều tư vấn, giải thích hết sức nhiệt tình, có trách nhiệm.

“Chỉ mới đây thôi, Anh còn nói sắp tới 20/10 rồi mà Anh bận quá, không biết có sắp xếp để gặp chúc mừng được không. Vậy mà giờ đây đã không thể còn gặp được Anh nữa” – chị Nhung nghẹn ngào.

Khi tôi đến gặp, Chị Nguyễn Kim Chung, Phó Trưởng phòng Quan hệ công chúng và doanh nghiệp của Trường ĐH Mỏ - Địa chất đang vừa lau nước mắt, vừa cố hoàn thành bài viết về Thứ trưởng Lê Hải An để đăng trên website nhà trường. Điều đặc biệt của bài viết này không phải thông tin, mà là rất nhiều tấm ảnh, ghi lại dấu ấn của nguyên Hiệu trưởng nhà trường trong rất nhiều năm công tác. Con người ấy, giờ chỉ có thể được nhìn qua những tấm ảnh này mà không thể gặp.

“Ngoài công việc, anh như người anh của chúng tôi, anh cũng quý mến tôi như em gái. Có chuyện gì vui, anh lại gọi lên phòng trò chuyện như người thân trong gia đình, không khoảng cách “sếp” và “nhân viên””. Chị Chung kể lại và nhắc mãi về một con người trong công việc quyết đoán, sáng tạo và làm việc vô cùng hiệu quả, giỏi khích lệ động viên cấp dưới. “Dường như mọi lĩnh vực anh đều thông tỏ và gợi ra để chúng tôi sáng tạo, hoàn thành tốt công việc” – chị Chung chia sẻ.

Với cán bộ giảng viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Thứ trưởng Lê Hải An như người anh, người đồng nghiệp gần gũi, thân thiết.
Với cán bộ giảng viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Thứ trưởng Lê Hải An như người anh, người đồng nghiệp gần gũi, thân thiết. 

Người đến sớm nhất và về muộn nhất Trường

“Khi nghe tin Thứ trưởng Lê Hải An - người tôi vẫn gọi thân thiết là anh An - mất, tôi đã vô cùng bàng hoàng và không tin là thật. Đây là mất mát vô cùng to lớn đối gia đình, Trường ĐH Mỏ - Địa chất và ngành Giáo dục nước nhà”.

Nói điều này, PGS.TS Trần Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết: Đối với mình, “anh An” là một nhà khoa học lớn, nhà giáo mẫu mực hết lòng vì sinh viên thân yêu; người lãnh đạo tâm huyết, trí tuệ, nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt trong đổi mới nhưng rất giản dị, tình cảm và luôn lắng nghe ý kiến góp ý của mọi người.

Khi đã giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, “anh An” vẫn lên lớp dạy cho sinh viên và học viên cao học cũng như nghiên cứu sinh. Luôn gương mẫu lên lớp đúng giờ, không bao giờ để cho sinh viên phải đợi.

“Anh nói rất yêu và say mê nghiên cứu khoa học, nhưng đã là lãnh đạo phải biết hy sinh, dành nhiều thời gian cho công tác quản lý. Tuy nhiên anh vẫn dành thời gian nhất định cho nghiên cứu khoa học. Anh đã chủ trì hàng chục đề tài cấp Bộ và cấp ngành Dầu khí. Hiện nay anh đang chủ trì Đề tài khoa học cấp nhà nước liên quan đến vấn đề dầu khí ở biển Đông. Dù là Thứ trưởng rất bận, nhưng anh vẫn làm việc qua mạng với nhóm đề tài”.

PGS.TS Trần Xuân Trường có 4 năm làm Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, sau đó 2 năm làm Phó Hiệu trưởng - đây cũng là thời gian PGS hỏi được rất nhiều ở Hiệu trưởng Lê Hải An khi đó. PGS kể: “Làm việc với anh An, cấp dưới được thoải mái đề xuất các ý tưởng, được cống hiến và thể hiện hết năng lực bản thân. Khi mới lên Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, tôi đề xuất xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành I-Office, anh đồng ý ngay và luôn sát sao đồng hành cùng”.

Trong hồi ức còn mới mẻ của PGS.TS Trần Xuân Trường, Thứ trưởng Lê Hải An là người sống rất nghĩa tình, luôn biết trước biết sau, biết trên biết dưới.

Dù bận đến mấy, nhưng cứ đến ngày 20/11 hay Tết cổ truyền, Thứ trưởng đều đi thăm lãnh đạo Nhà trường các thời kỳ; vừa thăm hỏi, vừa tham khảo ý kiến của các thầy lãnh đạo thế hệ trước về định hướng phát triển Nhà trường.

“Anh nói với tôi: các “đám vui” đến được thì tốt, nhưng những “đám buồn” như đám hiếu thì phải cố gắng bố trí đến bằng được, không quản ngày hay đêm. Trong công việc rất quyết liệt, nhưng ngoài giờ làm việc anh rất hòa đồng, thoải mái, thân tình, giản dị và không bao giờ “quan cách”. Tháp tùng anh đi công tác hoặc đi họp đến giờ ăn thì ăn ở quán rất nhỏ ven đường cũng được” – PGS Trần Xuân Trường nhớ lại.

Thứ trưởng Lê Hải An khi còn công tác tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất
Thứ trưởng Lê Hải An khi còn công tác tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất 

Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Mỏ - Địa chất kể lại rằng, khi còn làm việc tại trường, Thứ trưởng Lê Hải An luôn là người đến sớm nhất và về muộn nhất Trường. Là người lãnh đạo luôn gương mẫu, nghiêm túc, quyết liệt, nói đi đôi với làm. Đã giao việc cho cấp dưới luôn kèm theo thời gian hoàn thành.

“Thời gian đầu mới làm việc với anh hơi “áp lực” vì chưa quen và chưa biết cách quản lý, đặc biệt là chưa hiểu Anh. Gần đến hạn hoàn thành, Anh là người không bao giờ quên việc đã giao, anh hỏi và đồng thời chỉ bảo, hướng dẫn rất tỉ mỉ, sát sao.

Trong thời gian anh là Bí thư, Hiệu trưởng, anh là người tâm huyết và quyết liệt, không ngại khó, ngại khổ và đã chỉ đạo giải phóng mặt bằng được gần 8 ha trên tổng số 23,6 ha ở Khu đô thị đại học của nhà trường. Anh nói nơi đây sẽ là ngôi trường tương lai của ĐH Mỏ - Địa chất.

Khi anh là Thứ trưởng anh vẫn luôn đau đáu nghĩ về tương lại phát triển của nhà trường, luôn nhắn tin, email hỏi về nhà trường từ công tác tuyển sinh đến định hướng chiến lược phát triển nhà trường. Có gì cần xin ý kiến, dù bận đến mấy anh vẫn trả lời.

Cuối tuần trước tôi có nhắn với anh, em muốn xin lịch gặp anh trong tuần này để xin ý kiến của anh về định hướng phát triển Nhà trường, anh hẹn: “Tuần này anh bận học Quốc phòng – An ninh. Để cuối tuần sau em nhỉ. Anh em ăn sáng, cà phê và trao đổi công việc em nhé. Nhưng bây giờ làm sao còn được gặp anh để xin ý kiến của Anh nữa.

Dù vậy, tất cả nhưng tâm sự, chia sẻ tâm huyết và những cống hiến vô cùng to lớn của Anh sẽ là ngọn đuốc soi đường cho Trường ĐH Mỏ - Địa chất tiếp tục phát triển như những gì anh hằng mong đợi. Tôi tin rằng, cán bộ viên chức, sinh viên của Trường ĐH Mỏ - Địa chất sẽ tiếp tục thực hiện bằng được những ý tưởng, tâm huyết và những công việc của anh chưa kịp làm vì sự phát triển của nhà trường” - PGS Trần Xuân Trường trút nỗi lòng.

Một số cán bộ, giảng viên khác của Trường ĐH Mỏ - Địa chất khi chia sẻ với tôi, chỉ có thể nói cảm xúc “trống rỗng và đau xót vô cùng”, rồi không thể chia sẻ thêm được gì ngoài những dòng nước mắt. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.