Thương mại hóa GD trong các trường ĐH Anh, Mỹ: Sự thao túng của “thế hệ bông tuyết”

GD&TĐ - Áp lực của phái tự do cánh tả trong các trường đại học Anh, Mỹ trở nên hết sức nặng nề. Các giáo sư bị sa thải, các diễn giả bị đuổi, các khuôn viên nhà trường bị cách ly hoàn toàn với những quan điểm khác biệt, còn SV sống trong nỗi sợ hãi thường trực bị tố giác. 

Khuôn viên Đại học Yale
Khuôn viên Đại học Yale

Các nhà xã hội học gọi họ là “thế hệ bông tuyết” - những con người hoàn toàn đánh mất niềm tin vào ngày mai.

Sự nổi loạn

Những năm gần đây, cuộc sống SV trong các trường ĐH Anh, Mỹ ngày càng trở nên khó khăn. Học phí đại học tăng khiến người học bị đói phải làm thêm bất cứ việc gì hoặc vay vốn mà không biết chắc chắn có trả được không. Thị trường việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp đại học (trước hết là các ngành xã hội) thường xuyên bị thu hẹp: ở Anh hiện nay chưa đến 1/2 số người có bằng đại học làm việc theo chuyên môn.

Thêm vào đó, chế độ kiểm duyệt khắt khe trong các trường đại học càng làm gia tăng nhiều vấn đề cực kỳ nan giải.

Các khuôn viên nhà trường ở các nước phương Tây nhiều thế kỷ nay được coi là vương quốc của tự do ngôn luận, nhưng hiện nay chỉ cần vi phạm nội quy là một kẻ “tà giáo” có nguy cơ bị cấm, bị tẩy chay, thậm chí bị đuổi. Hầu như ngày nào các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa tin về một vụ bê bối tiếp theo tại các trường đại học uy tín nhất đứng đầu các bảng xếp hạng quốc tế.

Ví dụ, tại Đại học California-Berkeley, đầu tiên một nhóm sinh viên ngăn cản buổi diễn thuyết của nhà báo cực hữu Milo Yiannopoulos. Sau đó họ đuổi nhà chính trị Charles Murray, còn nhà tư tưởng bảo thủ Ben Shapiro thì phải giảng bài với một đội bảo vệ buộc nhà trường chi trả 600.000 USD.

Sự nổi loạn của sinh viên hiện nay bắt nguồn từ lúc giao thời giữa hai thế kỷ, khi giáo dục đại học ở châu Âu phải trả tiền, còn ở Mỹ trở nên hết sức đắt đỏ. Bỏ ra mỗi năm vài chục ngàn USD, sinh viên biến thành kẻ sử dụng dịch vụ giáo dục và bắt đầu đòi hỏi nhà trường cung cấp các tiện nghi tối đa, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Thế hệ “bông tuyết”

Một sinh viên “thế hệ bông tuyết”
Một sinh viên “thế hệ bông tuyết” 

Chính trong giai đoạn này, con em tầng lớp trung lưu được gọi là “thế hệ bông tuyết”. Thuật ngữ này bắt nguồn từ tác phẩm “Fight Club” của nhà văn Mỹ Chuck Palahniuk, để chỉ những người có mặc cảm bệnh hoạn với những gì phá vỡ sự yên tĩnh tâm hồn và làm giảm sự tự tin của họ.

Ban đầu họ sử dụng ý tưởng safe space – “vùng an toàn” tại các trường đại học. Trong những năm 1960, thuật ngữ này biểu thị các câu lạc bộ đồng tính nam ở Los Angeles, nơi những người đồng tính tiếp xúc thoải mái với nhau mà không sợ cảnh sát. Tại các trường đại học Anh, Mỹ, vùng an toàn ban đầu cũng dành cho các đại điện dân tộc thiểu số và đồng tính, nhưng trong những năm gần đây toàn bộ không gian của khuôn viên nhà trường trở thành vùng như vậy. Điều đó có nghĩa là tại đây, người ta cấm bất cứ hành động, cử chỉ và lời nói nào có thể vô tình xúc phạm hoặc tổn thương những người đồng tính, chuyển giới, tàn tật, người bị bệnh down, người châu Phi, châu Á, Do Thái, người Hồi giáo...

Năm 2015, hai giảng viên Đại học Yale bị sa thải vì họ không tin rằng trang phục lễ hội Halloween có thể xúc phạm ai đó. Quy định của ban giám hiệu nhà trường yêu cầu tránh “đội khăn xếp, mũ lông chim, hóa trang màu đỏ và đen” trong lễ hội, vì điều đó có thể xúc phạm học sinh các dân tộc thiểu số hay phi truyền thống. GS Nicholas Christakis và vợ ông khuyên sinh viên đừng tìm kiếm sự xúc phạm nơi không có nó, khiến 700 sinh viên cảm thấy bị lăng nhục và ngay lập tức họ lên tiếng phản đối.

Ban Giám hiệu Đại học Yale đứng về phía sinh viên và lời góp ý chân thành của vợ chồng GS Nicholas Christakis đã phải trả giá bằng công việc của mình. Đây là phương pháp giải quyết vấn đề điển hình. Thứ nhất, ban giám hiệu các trường đại học phụ thuộc vào tiền học phí của sinh viên. Thứ hai, vị trí của trường đại học trong các bảng xếp hạng được xác định bởi cả “mức độ hài lòng của sinh viên”. Thứ ba, đối với ban giám hiệu, việc sa thải giảng viên ít tốn kém hơn là ra hầu tòa với sinh viên.

Vì thế các khuôn viên nhà trường sạch bóng những tư tưởng phi chính trị và những kẻ phi chính trị. Nhà sinh vật học nổi tiếng, GS Đại học Cambridge Richard Dawkins, viết trên Twitter: “Trường đại học không phải là vùng an toàn. Nếu bạn cần vùng an toàn hãy ở nhà, ôm chú gấu bông Misha và mút ngón tay khi chưa sẵn sàng vào đại học”.

Khái niệm kích hoạt

Một cách “làm sạch” trường đại học khác đối với “thế hệ bông tuyết” là khái niệm “kích hoạt”. Thuật ngữ này xuất hiện trong đời sống sinh viên từ ngành tâm thần học, nó ám chỉ một đồ vật hay sự kiện nào đó nhắc nhở những người bị hậu chấn tâm lý nhớ lại những đau đớn mà họ đã trải qua. Trước đây, nó được áp dụng đối với các cựu binh đã từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam hay Triều Tiên. Hiện nay, những sinh viên “bông tuyết” coi bất cứ lời nói nào làm tổn thương tâm hồn nhạy cảm của họ là kích hoạt.

Năm 2014, Jenny Suk giảng viên luật tại Đại học Harvard, kể với phóng viên Tạp chí “New – Yorker” rằng sinh viên đề nghị giảng viên không phân tích các điều luật nói về hiếp dâm. Một nữ sinh thậm chí yêu cầu không sử dụng từ violate, mặc dù động từ này không chỉ có nghĩa “cưỡng hiếp”, mà còn “phạm luật”, vì vậy rất khó tránh từ ấy trong bài giảng về luật. Nghĩa là đối với “thế hệ bông tuyết” bất cứ cái gì cũng trở thành “kích hoạt”.

Một cuộc khảo sát được tiến hành ở Đại học Yale năm 2017 cho thấy rằng năm học đầu tiên có 61% sinh viên không sợ phát biểu ý kiến về các chủ đề chính trị, tôn giáo, giới tính với các bạn cùng tuổi. Trong số sinh viên các năm cuối, chỉ còn lại 30% những người dũng cảm như vậy.

Thậm chí các phương tiện thông tin ủng hộ nền chính trị đương thời cũng công nhận rằng tự do ngôn luận trong các trường đại học hiện nay hầu như không tồn tại. Tuần báo The Spectator của Anh thậm chí gọi các trường đại học Mỹ là “Sự nhạo báng không thể dung thứ”. USA Today xác nhận rằng tại Đại học Michigan “tồn tại cảnh sát tư tưởng”.

Trong mắt chúng ta, “bông tuyết” biến thành hồng vệ binh đích thực. Đó là một thế hệ sống với cảm giác hoàn toàn mất niềm tin vào ngày mai. Hằng ngày họ bị ám ảnh rằng tự động hóa sẽ đánh mất việc làm của họ. Họ nhìn thấy bố mẹ họ đã tranh đấu vất vả như thế nào để trở thành tầng lớp trung lưu. Kết quả là “bông tuyết” biến nỗi sợ hãi của mình thành sự giận dữ.

Nói chung, cuộc chiến của “thế hệ bông tuyết” chống lại hệ thống dạy học truyền thống thể hiện rất rõ cuộc khủng hoảng do thương mại hóa giáo dục đại học gây ra. Kết quả là hệ thống giáo dục đại học được hình thành từ nhiều thế kỷ có dấu hiệu bị suy sụp. Đây là bài học lớn cho những kẻ mơ ước biến giáo dục thành “lĩnh vực dịch vụ”.

“Sự nổi loạn của sinh viên hiện nay trong các trường đại học Anh, Mỹ bắt nguồn từ lúc giao thời giữa hai thế kỷ, khi giáo dục đại học ở châu Âu phải trả tiền, còn ở Mỹ trở nên hết sức đắt đỏ. Bỏ ra mỗi năm vài chục ngàn USD, sinh viên biến thành kẻ sử dụng dịch vụ giáo dục và bắt đầu đòi hỏi nhà trường cung cấp các tiện nghi tối đa, cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ