Thương lượng Brexit bất thành

GD&TĐ - Các cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc vào Chủ nhật vừa qua mà không có thỏa thuận nào mới cho Brexit, do tranh chấp về Bắc Ireland tiếp tục cản trở các cuộc đàm phán.

Ông Michel Barnier cho biết: “Mặc dù có những nỗ lực mãnh liệt, một số vấn đề quan trọng vẫn còn mở, bao gồm cả việc dừng lại”
Ông Michel Barnier cho biết: “Mặc dù có những nỗ lực mãnh liệt, một số vấn đề quan trọng vẫn còn mở, bao gồm cả việc dừng lại”

Đàm phán bế tắc

Các cuộc đàm phán Brexit đang có nguy cơ bế tắc vì bà Theresa May chưa thể giải quyết biên giới Ireland. Điều này đe dọa giết chết hy vọng của một thỏa thuận tháng Mười mà nhiều người đang hy vọng.

Chính phủ Anh đang phải đối mặt với sự phản đối rất lớn trong nước đối với đề xuất của mình: Nước Anh sẽ ở lại trong liên minh hải quan, nhưng chỉ tạm thời, còn Bắc Ireland sẽ ở trong một thị trường chung EU.

“Trong vài ngày qua, các nhà đàm phán của Anh và EU đã có những tiến bộ thực sự ở một số lĩnh vực quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết, khiến tiến trình này chưa được thúc đẩy”, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Liên minh châu Âu của Anh cho biết.

“Vấn đề chưa được giải quyết” này đề cập đến một thỏa thuận để bảo vệ biên giới mở giữa Ireland và Bắc Ireland. Michel Barnier, nhà đàm phán Brexit của EU, cho biết: “Bất chấp những nỗ lực mãnh liệt, một số vấn đề then chốt vẫn đang để ngỏ, thậm chí dừng chân tại chỗ”.

Đã hết thời gian để đạt được thỏa thuận trước cuối tháng 3 năm sau, thời điểm mà Anh sẽ rời khỏi EU mà không có bất kỳ kế hoạch dự phòng nào về việc sẽ tiến hành quá trình này như thế nào. Ngân hàng Anh đã cảnh báo giá nhà sẽ sụt giảm, các doanh nghiệp lo lắng về sự hỗn loạn, các hãng hàng không lo ngại rằng các thỏa thuận giữ hàng không trên khắp châu Âu sẽ giảm đi.

Nhưng đối với một thỏa thuận được ký kết, mỗi bên đều phải tìm cách tránh việc phải xây dựng lại biên giới giữa Bắc Ireland, bộ phận sẽ rời khỏi EU với phần còn lại của Vương quốc Anh và Cộng hoà Ireland sẽ vẫn còn lại trong EU.

Việc loại bỏ cơ sở hạ tầng biên giới là một phần quan trọng của Hiệp định “Good Friday”, mang lại hòa bình cho Bắc Ireland sau nhiều năm xung đột giáo phái.

Trống xuôi, kèn ngược

Trong một nỗ lực để tránh biên giới “cứng” ở Ireland, thoạt đầu, EU đã đề xuất rằng Bắc Ireland vẫn gắn kết với các quy định của châu Âu, bao gồm cả liên minh thuế quan, sau khi Anh rời khỏi khối EU. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị chính phủ Anh từ chối. Thay vào đó, bà Theresa May đã đề xuất rằng toàn bộ Vương quốc Anh vẫn sẽ nằm trong liên minh thuế quan, nhưng trên cơ sở tạm thời, ngắn hạn.

Đề xuất đó cũng đã được chứng minh là không khả thi, và EU từ chối khái niệm giới hạn về thời gian.

Tháng trước, ông Barnier cho biết ông chuẩn bị đề xuất một đề nghị mới về vấn đề biên giới Ireland, cố gắng “loại bỏ các cuộc thảo luận” về những gì xảy ra với Bắc Ireland, nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận về mối quan hệ trong tương lai. Tuy nhiên, điều đó đã không dẫn đến bất kỳ tiến bộ nào cho đến nay và Thủ tướng Anh Theresa May - người đã bị vô cùng khó khăn trong nỗ lực gần đây nhất của bà để đạt được một hiệp ước với các nhà lãnh đạo châu Âu - phải đối mặt với áp lực không chỉ từ bên trong Đảng Bảo thủ, trong Quốc hội, Đảng Dân chủ (DUP).

DUP - phe cánh hữu Bắc Ireland, với chủ trương chống thống nhất với Cộng hòa Ireland - đã nói rằng họ sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào dẫn đến việc nước này được đối xử khác với phần còn lại của Vương quốc Anh.

Theo một báo cáo từ quan sát viên của Anh hôm Chủ nhật, DUP đã chuẩn bị cho một Brexit “phi thỏa thuận”, là kết quả có khả năng nhất, khi các nhà đàm phán của bà May vẫn tiếp tục theo đuổi thỏa thuận về vấn đề Bắc Ireland.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ