(GD&TĐ) - Cả chục ngày nay, câu chuyện “người rừng” Hồ Văn Thanh, Hồ Văn Lang ở vùng cao Tây Trà, Quảng Ngãi về với gia đình sau 40 năm sống hoàn toàn tách biệt với cộng đồng nơi cùng cốc thâm sơn được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trong lúc chính quyền địa phương và người thân đang nỗ lực giúp “người rừng” ổn định nơi ăn, chốn ở, giúp họ nhanh chóng hòa nhập với đời sống cộng đồng thì dư luận hết sức bức xúc bởi bỗng chốc “người rừng” trở thành “món hàng kinh doanh” béo bở của một số người.
"Người rừng" Hồ Văn Lang với người thân ở buôn làng bên bếp lửa. Ảnh: Trí Tín (VnExrpess) |
Một số báo đưa tin ông Hồ Minh Lâm - cháu ruột của “người rừng” đã hét giá với cánh phóng viên từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng cho một cuộc phỏng vấn, chụp ảnh những vật dụng “độc” của “người rừng”; 3 triệu đồng cho việc dẫn vào thăm “ngôi nhà” của “người rừng” ở trong núi…
Nhận xét về việc làm của ông Lâm, có báo cho rằng: “Hồ Văn Lâm quả là một tay nhạy bén thương trường hơn cả những nhà kinh doanh đá quý”.
Vẫn biết ông Lâm là người có mối liên hệ với cha con “người rừng” trong suốt thời gian dài và cũng chính ông là người đưa họ về với cuộc sống của cộng đồng, nhưng không vì thế mà có thể mang cha con “người rừng” ra làm món hàng kinh doanh kiếm tiền.
Mấy ngày nay lại có tin ông Lâm đã đốt ngôi nhà “tổ chim” của “người rừng” vì bị báo chí…vu khống. “Tôi dẫn đi, lấy mỗi người 500.000 đồng, đâu có nhiều mà dư luận bàn tán xôn xao nên tôi đốt để khỏi còn ai muốn đi” - Ông Lâm bức xúc giải thích.
Trên cộng đồng mạng, người trách ông Lâm thì ít mà người trách báo chí thì nhiều. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội) nhận định: Nói “người rừng” đáng thương khi bị người nhà mang ra làm món hàng kinh doanh cũng đúng, nhưng có lẽ “người rừng” còn đáng thương hơn khi bị báo chí “cày xới”, khai thác quá sâu vào cuộc sống của họ.
Đúng là như vậy. Mấy hôm nay, mọi hoạt động của “người rừng”, những câu chuyện “ly kỳ” về “người rừng” được phủ kín trên các mặt báo. Nào là chuyện “người rừng” Hồ Văn Lang thích hút thuốc lá, ăn trầu; nào là chuyện “người rừng” Hồ Văn Lang bắt đầu “nghiện” món điện thoại di động và… căng thẳng khi lần đầu tiên được nắm tay phụ nữ…
Hiện nay có một số báo theo xu hướng thị trường chuyên đi khai thác những hình ảnh “độc” những tập tục lạ, những chuyện giật gân của người dân tộc thiểu số…, lấy chúng làm trò tiêu khiển cho độc giả, để câu khách, để bán báo.
Trở lại câu chuyện “người rừng”, quả thật họ là những người đáng thương. Bao năm qua, “người rừng” đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài bởi quá sợ hãi với cuộc chiến khốc liệt, với đạn bom, với cái chết rình rập... Giờ đây, khi ông Thanh đã quá già yếu, lại lâm bệnh không chạy trốn được, những người thân mới bắt ép họ về với cộng đồng. Hơn 40 năm sống trong rừng sâu là quãng thời gian quá đủ để cuộc sống của con người hoàn toàn thay đổi. Trở lại cộng đồng họ cần mọi sự hỗ trợ, chăm sóc chu đáo mới có thể hoà nhập được. Tiếc thay, khi những nỗ lực cưu mang của địa phương, của người thân chỉ mới bắt đầu thì “người rừng” đã bị đem ra như một thứ hàng hoá để kinh doanh kiếm lời. Quá thương thay.
Thụy Anh