Vũ công có phải nghệ sỹ?
Từ trước đến nay, danh xưng nghệ sỹ trong lĩnh vực âm nhạc tại Việt Nam vô cùng “đa hương đa sắc” khi mà bất cứ ai cũng có thể trở thành nghệ sỹ. Con đường “nghệ thuật” của một số nhân vật có thể được thuật lại một cách hài hước thế này: Sáng dậy mở mắt ra bỗng thấy muốn hát, thế là đi thu âm, tự bỏ tiền quay clip; chị mình là ca sỹ thì nghiễm nhiên mình cũng là... ca sỹ.
Muốn trở thành nghệ sỹ thật dễ dàng, chỉ cần gia đình có “điều kiện”, bản thân khổ chủ là một người chịu chơi và sẵn sàng chấp nhận làn đạn chỉ trích từ phía dư luận. Có thể nói, nhạc trẻ là thị trường khó nhằn bởi sự đào thải khắc nghiệt nhưng lại cực kỳ dễ sống đối với những ai biết chiêu trò mà chẳng cần năng khiếu hay tài cán gì đặc biệt.
Cùng ở lĩnh vực nghệ thuật, nhưng đối với các vũ công, vấn đề tự phong danh nghệ sỹ lại khó khăn hơn nhiều. Nói gì thì nói, tại Việt Nam, nghề vũ công chưa được nhìn nhận như một loại hình nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó. Cùng đứng trên sân khấu, thậm chí có lúc thể hiện chung một màn biểu diễn nhưng vũ công luôn bị lép vế so với ca sỹ, thậm chí vũ công chỉ được coi là những người làm phụ họa.
Vì thế, danh xưng nghệ sỹ đối với các vũ công là khái niệm xa xỉ, thậm chí, có người trong giới còn tâm sự rằng, tự gọi mình là nghệ sỹ thấy... ngượng lắm! Vấn đề phong danh nghệ sỹ cho các vũ công chuyên nghiệp dường như chưa bao giờ được nhắc đến, chỉ đến khi cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy chính thức diễn ra tại Việt Nam, chứng kiến sự khổ luyện của các vũ công từ chuyên đến không chuyên, khán giả mới bắt đầu trăn trở: có nên gọi họ là nghệ sỹ?
Danh xưng không quá quan trọng?
Danh xưng nghệ sỹ không hẳn là những tấm bằng hay tấm huy chương, điều quan trọng là người trong giới sẽ làm như thế nào để mang lại những giá trị nghệ thuật xứng đáng. |
Thử thách cùng bước nhảy - một cuộc thi khá lặng lẽ từ những ngày mới “du nhập” vào Việt Nam. Làm thế nào để hút khán giả khi cùng thời điểm đó, những cuộc thi âm nhạc hoành tráng cũng đang diễn ra? Đây là thử thách không nhỏ đối với người trong cuộc, từ BTC cho đến thí sinh.
Chỉ đến khi Thử thách cùng bước nhảy mùa đầu tiên đi đến vòng chung kết, hội tụ 20 gương mặt sáng nhất và ra mắt khán giả bằng màn thi hoành tráng được truyền sóng trực tiếp, BTC mới có dịp nở mày nở mặt. Sức hút nào từ cuộc thi này đã chinh phục khán giả? Có lẽ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các thí sinh tại sàn đấu của Thử thách cùng bước nhảy đã làm người ngoài cuộc phải xúc động.
Không chỉ biểu diễn sở trường của mình, các thí sinh còn phải thử sức ở những thể loại khác nhau. Đây là điều không hề dễ dàng chút nào nhưng càng làm tăng thêm sức hấp dẫn cho chương trình.
Những thí sinh được chọn lựa sẽ là những người thật sự tài năng có thể thích nghi với bất cứ thể loại nhảy múa nào. Trong 4 ngày trước khi chọn ra 20 gương mặt cho vòng chung kết, các thí sinh phải trải qua thử thách với 5 phong cách khác nhau, đầu tiên là hiphop, broadway, ballroom, sau đó là biểu diễn theo nhóm và cuối cùng là múa đương đại.
Vất vả nhất là ở thể loại đương đại, các thí sinh có cơ hội luyện tập dưới sự hướng dẫn của giám khảo vui tính nhưng cũng rất khắt khe John Huy. Những bài múa tâm huyết đã được anh công phu dàn dựng.
Đó là những câu chuyện ý nghĩa về hành trình gian nan mà thí sinh trong Thử thách cùng bước nhảy phải vượt qua. Nếu đã từng xem tiết mục này, có lẽ khán giả không thể nén nổi sự xúc động trước những cống hiến của các vũ công.
Danh xưng nghệ sỹ đối với các vũ công không còn là vấn đề quá quan trọng vì ngay cả mảng nhạc trẻ và lĩnh vực nghệ thuật nói chung thì dường như ai cũng có thể trở thành “nghệ sỹ”, chỉ cần chút giải thưởng hay chỉ cần xuất hiện thoáng qua ở một show truyền hình thực tế nào đó.
Suy cho cùng, danh xưng nghệ sỹ không hẳn là những tấm bằng hay tấm huy chương, điều quan trọng là người trong giới sẽ làm như thế nào để mang lại những giá trị nghệ thuật xứng đáng.