Thương lắm dừa ơi

Thương lắm dừa ơi

(GD&TĐ) - Những năm 1993-1995, trong khi cây dừa Bến Tre đang mất dần chỗ đứng ngay ở trên xứ sở của mình thì ông Đỗ Thành Thưởng (sinh năm 1937) hay còn được gọi bằng cái tên thân quen là ông Tám Thưởng, một nông dân ở ấp 2, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm - tỉnh Bến Tre, lại ra sức nhân giống và bảo tồn các giống dừa.

Đời người – đời dừa

Đến Bến Tre, hỏi nhà ông Tám Thưởng ở cồn Ốc, không ai là không biết. Người ta biết đến ông bởi vì tình yêu của ông đối với cây dừa. Nhìn ông, không ai nghĩ người nông dân có gương mặt khắc khổ, phong thái và giọng nói rặt Nam Bộ lại là người gốc Bắc. Vào miền Nam từ hồi còn đôi mươi, ông Tám Thưởng đã thấy dừa. Lúc đưa chúng tôi đi thăm vườn dừa của mình, ông chỉ cây dừa cao nhất vườn và bảo rằng cây dừa đó gần 100 tuổi. Ông nói, không biết nó được trồng từ khi nào, khi ông tới vùng đất này thì đã thấy thân nó dày đặc mắt. Theo cách giải thích của ông Tám Thưởng thì người ta tính tuổi dừa dựa trên những mắt nhỏ quanh thân dừa, cứ 10-12 mắt tương ứng với một năm tuổi. Ông kể, khoảng năm 1993-1995, giá dừa rẻ mạt, người trồng dừa thi nhau đốn dừa trồng cây ăn trái. Ông cùng với hai người bạn ở cồn Ốc cũng định đốn dừa để trồng nhãn, nhưng khi nhìn thấy những cây dừa bị đốn hạ, ông lại thấy xót nên thôi. Âu cũng là duyên nghiệp, suốt bao đời qua, dòng họ ông đều sống dựa vào cây dừa.

Một lần bẻ dừa, ông phát hiện có một quả dừa bất thường. Cuống quả dừa này giống hình một con chim đang xòe cánh, gắp quả dừa bay lên. Cho đó là điềm lành, ông đã tìm cách lưu giữ quả dừa kỳ lạ đó lại, đồng thời nhân giống dừa lạ đó lên.

Việc lưu giữ quả dừa lạ của ông Tám Thưởng cũng khá kỳ công. Thoạt đầu, ông dùng vải lót trên chảo gang nóng, đặt quả dừa lên trên, dùng than ủ, ngày hong đêm nghỉ cho đến khi quả dừa nứt gáo, chảy hết nước ra ngoài . Ông liên tục hong trong suốt ba tháng ròng, cho tới khi quả dừa khô hẳn, ông quét một lớp vecni chống mối mọt. Quả dừa lạ đó hiện đang được ông để trong lồng kính, đặt trang trọng giữa nhà.

Ông Đỗ Thành Thưởng bên cây dừa Mã Lai mới nhập về trong vườn nhà
Ông Đỗ Thành Thưởng bên cây dừa Mã Lai mới nhập về trong vườn nhà

Quả thật, khi ông đem ươm trồng giống dừa có hình con chim xòe cánh đó đã cho ra giống dừa cho nhiều trái, nước ngọt, cơm dày hơn những giống dừa khác, thu hút được nhiều thương lái thu mua đem lên TP.HCM.

Vườn dừa nhà ông Tám Thưởng cũng là nơi trồng thí điểm những giống dừa mới của tỉnh. Ông Tám Thưởng vẫn còn nhớ cái lần đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu dầu thực vật (OPI) tìm đến nhà ông đặt vấn đề, nếu ông quyết sống chết cùng cây dừa thì họ sẽ cung cấp giống dừa lai PD 121 có năng suất và chất lượng không thua gì giống dừa mà ông bảo tồn, điều kiện đặt ra là dù trong hoàn cảnh nào ông cũng không được chặt bỏ cây dừa. Ông Tám Thưởng đồng ý không chút do dự. Thật may, kết quả của giống dừa này thật khả quan.

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, ông Tám Thưởng không còn có thể theo dõi từng cây dừa như trước, tuổi tác không cho phép ông leo lên để theo dõi sự phát triển của chúng. Khi trò chuyện với chúng tôi, ông vẫn vui vẻ bảo, tư liệu nghiên cứu của ông vẫn còn, nếu ai cần, ông sẵn sàng cung cấp. Ông Tám Thưởng cũng chính là người tiên phong trong việc trồng dừa xen với cây có múi, tạo ra mô hình trồng trọt đem lại lợi nhuận cao cho người dân cứ dừa.

Năm 2010, ông Thưởng được Ban chỉ đạo diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL khen thưởng là người đã có công "đóng góp tích cực vì sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long". Thật không hổ danh là người trồng dừa giỏi nhất xứ dừa.

Giá có lên thì người trồng dừa vẫn khổ

Hiện nay, trong vườn ông Tám Thưởng có khoảng 30 giống dừa, ngoài giống dừa ta “Bến Tre chính gốc” còn có rất nhiều giống dừa lai như giống dừa BB.121 có nguồn gốc từ dừa cao Tây Phi lai với dừa vàng Malaysia; giống dừa mới nhất gần đây là giống Jiva 1, Jiva 2 có tính năng vượt trội như ra trái sai, to và nước ngọt hơn các giống dừa khác. Trong tương lai, những ưu điểm của chúng rất có ích cho việc củng cố hệ thống gien dừa địa phương. Ông Tám Thưởng cũng cho rằng, ở Bến Tre vẫn còn nhiều giống dừa quý nhưng chưa được phát hiện nên nguy cơ bị lai tạp cao, hơn nữa giá cả lại không ổn định. Nhất là trong thời điểm hiện nay, giá cao nhưng đời sống người trồng dừa vẫn vô cùng chật vật.

Theo ông Tám Thưởng, dù Bến Tre đang sở hữu nhiều chủng loại dừa, thời gian dừa cho lứa đầu từ 5 năm giảm xuống còn 2 năm, thời gian bẻ dừa mỗi lứa cách nhau từ 20 đến 30 ngày và giá dừa trên thị trường đang tăng nhưng người trồng dừa vẫn… khổ. Năm nay, dừa cho ít trái, nếu so với số lượng thu hoạch của năm ngoái thì chỉ bằng 50%. Suy ra, thu nhập bình quân mỗi tháng của người trồng dừa chưa được 500.000 đồng. Nguyên nhân sụt giảm sản lượng là do tình hình lấy cát trên sông khiến cồn Ốc thường xuyên bị sạt lở, nước mặn lấn sâu vào cồn, độ nhiễm mặn đang vượt giới hạn (lớn hơn 10 phần nghìn). Bên cạnh sản lượng sụt giảm, người trồng dừa còn phải đối mặt với nạn trộm cắp vặt, chỉ cần lơ là không trông chừng, dừa trong vườn cứ “không cánh mà bay”.

Hình quả dừa có cuống hình con chim mà giờ ông vẫn lưu giữ tại nhà
Hình quả dừa có cuống hình con chim mà giờ ông vẫn lưu giữ tại nhà

Khi chúng tôi đề cập về thu nhập của người xứ dừa còn có thể “vớt vát” từ các chế phẩm dừa thì ông Tám Thưởng cười buồn. Để chúng tôi tận “mục sở thị”, ông đã đích thân dắt chúng tôi đến các cơ sở mỹ nghệ Mai Dung và cơ sở giỏ cọng dừa Mười Pho, cả hai cùng tọa lạc trên cồn Ốc, Hưng Phong, Giồng Trôm, Bến Tre. Tận mắt nhìn thấy quy trình làm việc để cho ra một sản phẩm mỹ nghệ, chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Những người làm sạch gáo dừa làm việc trong điều kiện bụi mù mịt và tiếng ồn, sau đó là công đoạn cắt gọt, đánh bóng, dán keo tạo hình, ráp sản phẩm. Chị Hạnh, chủ cơ sở mỹ nghệ Mai Dung cho biết, giá thành của mỗi sản phẩm chỉ dao động từ 30.000-60.000 đồng/ cái, trong khi cùng một sản phẩm, chênh lệch giá giữa cơ sở mỹ nghệ với khu du lịch Cồn Phụng là 40.000 đồng. Môi trường làm giỏ từ cọng dừa có khá hơn làm mỹ nghệ từ gáo dừa nhưng thu nhập cũng không mấy khả quan, loại giỏ nhỏ (loại giỏ thường dùng cắm hoa) có giá là 3.000 đồng/ cái, loại giỏ lớn dùng đựng trái cây, rượu thì từ 5.000-7.000 đồng/ cái nhưng đó là giá chủ vựa thu mua, còn giá đến tay người làm công tất nhiên sẽ thấp hơn nữa. Tuy nhiên, công việc này chỉ mang tính chất thời vụ. Nhiều khi chính chủ vựa cũng lắm phen “ôm sô” do giá “bỗng dưng mà… rớt”.

Thương lắm, dừa ơi…

Ông Tám Thưởng đã sống cả đời với dừa. Suốt buổi trò chuyện, trong đôi mắt kéo mây của người con xứ dừa, chúng tôi đọc thấy nỗi lo lắng, làm thế nào để giảm độ nhiễm mặn để mùa dừa không thất thu như năm nay. Người trồng dừa cồn Ốc nói riêng và Bến Tre nói chung vẫn không quên những năm 1993-1995, mọi người đổ xô chặt dừa để lấy đất trồng cây ăn trái. Dù cây dừa được mệnh danh là “cây làm biếng”, không cần phải bỏ công chăm sóc nhiều nhưng nếu tình hình thu nhập từ dừa cứ thấp đi mỗi ngày thì người trồng dừa sẽ cầm cự được trong bao lâu? Sau ông Tám Thưởng sẽ còn có những ai tiếp tục bảo tồn những giống dừa quí cũng như lai tạo ra những giống dừa mới có năng suất cao? 

Mỹ Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ