Thương hiệu quốc tế có xa kỳ vọng?

GD&TĐ - Là nhịp cầu kết nối với những góc nhìn sâu sắc, toàn diện về văn hóa, điện ảnh thế giới, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (HANIF) đã đem lại nhiều cơ hội phát triển cho các nhà làm phim, những người yêu nghệ thuật thứ 7. Thành công của HANIFF 2018 sẽ góp phần giúp HANIFF tiến tới gần hơn thương hiệu quốc tế chứ không chỉ là kỳ vọng.

Bộ phim “Shoplifters” (Gia đình trộm cắp, của Nhật Bản) chiếu khai mạc HANIFF 2018
Bộ phim “Shoplifters” (Gia đình trộm cắp, của Nhật Bản) chiếu khai mạc HANIFF 2018

Hội tụ và tầm vóc

Đề cao các tác phẩm điện ảnh giàu giá trị nhân văn và dấu ấn sáng tạo, phát hiện và vinh danh những tài năng mới, HANIFF dần khẳng định được vị trí là một liên hoan phim tươi trẻ, chuyên nghiệp, mang tầm vóc quốc tế.

HANIFF sau 4 kỳ gặt hái thành công đã đưa điện ảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế và kéo điện ảnh quốc tế lại gần hơn.

Với khẩu hiệu “Điện ảnh - Hội nhập và Phát triển bền vững”, HANIFF 2018 là “bữa tiệc” nghệ thuật thực sự hấp dẫn người trong ngành và những người yêu diện ảnh. Chất lượng phim tham gia LHP lần này ở tất cả các hạng mục nổi trội hơn với sự hội tụ các tác phẩm đặc sắc.

Theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc HANIFF 2018: Trong các kỳ LHP trước, việc thu hút được vài bộ phim nổi tiếng, đã giành được giải thưởng lớn để trình chiếu không hề dễ dàng. Ban tổ chức phải có uy tín mới mời được phim đó cho LHP chứ không phải cứ có nguồn tài chính dồi dào trả tiền bản quyền là đủ.

Nhưng trong lần tổ chức này, HANIFF 2018 đã vươn tay xa hơn. BTC đã liên hệ, trao đổi, thuyết phục các đại lý, nhà làm phim để có được những bộ phim mới nhất, những tác phẩm điện ảnh hàng đầu khu vực và thế giới.

Nét mới của LHP lần này là tuyển chọn các bộ phim chưa từng dự thi tại các LHP quốc tế trong khu vực châu Á. Để khẳng định tiềm năng của một nền điện ảnh trẻ đang phát triển, BTC cũng chọn nhiều hơn phim Việt Nam tham dự các chương trình, hạng mục tại LHP. Chương trình phim mới của điện ảnh Việt Nam giới thiệu những bộ phim truyện tiêu biểu, đa dạng về phong cách, đề tài và được sản xuất từ tháng 11/2016 đến nay.

Nếu như ở LHP lần I chỉ có 59 phim tham gia, lần II có 116 phim, lần III tuyển chọn được 132 phim, lần IV tuyển chọn 146 phim thì trong lần thứ 5, đã có tới 500 phim đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm nay, phim dự thi không chỉ lựa chọn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn từ các nền điện ảnh trên khắp thế giới. Thậm chí, với quy định phim phải chưa dự thi tại các LHP quốc tế ở khu vực châu Á, BTC đã phải loại khá nhiều phim hay gửi đến. Tuy vậy, quy định này giúp BGK có thêm điều kiện để phát hiện và giới thiệu các tài năng điện ảnh mới của châu Á.

Theo nhận định của bà Ngô Phương Lan, yếu tố quan trọng nhất để HANIFF 2018 có được vị thế như hôm nay nhờ chất lượng phim đã ngày càng “tinh” hơn và uy tín các nhà làm phim quốc tế tham gia vào ban giám khảo.

Nỗ lực nắm luật chơi

Bà Nguyễn Phương Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, ủy viên Ban Chỉ đạo HANIFF 2018 - cho biết: Bộ VH,TT&DL đã chỉ đạo phấn đấu xây dựng HANIFF thành thương hiệu của ngành văn hóa. HANIFF đưa điện ảnh Việt Nam tiếp cận với những nền điện ảnh của các quốc gia khác, tạo cơ hội lớn để các nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. HANIFF cũng là chuỗi sự kiện nên cần phải có sản phẩm cụ thể, đặc sắc góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với thế giới và thu hút du khách quốc tế”.

Nhưng để HANIFF thực sự trở thành một LHP có thương hiệu không hề dễ dàng. Khi tham gia một cuộc chơi quốc tế thì phải xây dựng các tiêu chí đảm bảo luật chơi. Thương hiệu chỉ được thừa nhận khi chúng ta thu hút được sự tham gia liên tục và thường xuyên.

BTC HANIFF cũng thừa nhận việc tổ chức 2 năm/kỳ, gây ra sự ngắt quãng và nhiều khó khăn trong vấn đề nuôi và làm nóng thương hiệu. CácLHP quốc tế trên thế giới có BTC riêng biệt và chuyên nghiệp. Trong khi thực tế, lãnh đạo, cán bộ Cục Điện ảnh đang phải kiêm nhiệm, chia sẻ năng lực quản lý Nhà nước với việc tổ chức sự kiện tầm vóc quốc tế sẽ không tránh khỏi những hạn chế, bất cập.

“Cục Điện ảnh không thể quyết định được vấn đề này. Luật Điện ảnh 2007 đến giờ đã có nhiều điểm cần sửa đổi. Thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh, chúng tôi sẽ đề xuất cách tổ chức LHP như thế nào cho hợp lý nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế” - bà Phương Lan chia sẻ.

Đạo diễn Trần Lực bày tỏ quan điểm: “Chúng ta nỗ lực và đặt mục tiêu xây dựng để HANIFF trở thành thương hiệu LHP quốc tế là sự kỳ vọng rất chính đáng. Các nước có nền điện ảnh phát triển họ đều có LHP, điều đó thể hiện quy mô và đẳng cấp của nền điện ảnh đó. Chúng ta cần thêm thời gian để điện ảnh Việt tạo dựng tầm vóc, để đạt thứ hạng trong bảng xếp hạng khu vực và thế giới. Thương hiệu một LHP thể hiện ở uy tín mời khách, ban giám khảo chuyên nghiệp và chất lượng những bộ phim mà LHP quy tụ được…”.

Mong muốn thành công nào cũng phải xuất phát điểm từ thực lực. LHP Cannes có thương hiệu nhờ 71 năm vun đắp, LHP Venice cũng có thương hiệu 75 năm. Chúng ta kỳ vọng LHP quốc tế Hà Nội sánh vai với các LHP quốc tế ngay được là không thể. Phải có thời gian dài thì mới có được thương hiệu ổn định và lan toả như các LHP quốc tế khác.

Thời gian “đề pa” để học hỏi kinh nghiệm tổ chức và chuẩn bị nội lực là vô cùng cần thiết. Nếu so sánh chặng đường 10 năm sau khi chính thức ra mắt bạn bè quốc tế vào năm 2008, HANIFF 2018 đã có những thay đổi đáng kể cả về quy mô lẫn chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ