Thương hiệu giáo dục - Chìa khóa mở cửa thành công

Thương hiệu giáo dục - Chìa khóa mở cửa thành công

(GD&TĐ) - Nhìn vào nền giáo dục trên thế giới, có thể thấy, vấn đề xây dựng, phát triển thương hiệu giáo dục là công việc quan trọng không thể thiếu. Vấn đề xây dựng danh tiếng nhà giáo cũng gắn liền với xây dựng thương hiệu nhà trường.

Tại Việt Nam, tuy vấn đề xây dựng thương hiệu giáo dục không mới nhưng nó vẫn chưa được chú trọng, mặc dù đây là thực tiễn giáo dục đang đòi hỏi cấp bách. TS Nguyễn Tùng Lâm đã trò chuyện với GD&ĐT xung quanh vấn đề này.

Xin TS cho biết vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu trong giáo dục?

TS Nguyễn Tùng Lâm
TS Nguyễn Tùng Lâm
 

Vấn đề xây dựng thương hiệu của một nhà trường vô cùng quan trọng bởi nó biểu hiện văn hóa riêng, phong cách, nền nếp, chất lượng, hiệu quả, sự tâm huyết, trách nhiệm trong quá trình làm việc... Nó không chỉ tạo ra dấu ấn với xã hội về chất lượng sản phẩm của nhà trường mà còn tạo ra ảnh hưởng một cách lâu bền đối với xã hội, nâng cao uy tín và góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục một cách chuyên nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay thương hiệu của một nhà trường là chìa khóa vàng để mở cửa thành công, đặc biệt là đối với các trường ngoài công lập...

Ông có nhận xét gì về việc xây dựng thương hiệu tại các trường học cũng như xây dựng danh tiếng của giáo viên hiện nay?

Các trường học Việt Nam hiện nay hơi nặng về thi đua nên có lẽ chúng ta đang nhầm lẫn giữa danh hiệu thi đua và thương hiệu. Cùng đó, vấn đề thương hiệu của nhà trường hay danh tiếng của nhà giáo chưa được đề cập nhiều, thậm chí còn né tránh mặc dù xã hội rất quan tâm đến những vấn đề này.

Mặt khác, thực tế còn cho thấy bên cạnh số đông giáo viên với lòng tự trọng nghề nghiệp đã và đang xây dựng, gìn giữ danh tiếng của mình thì cũng tồn tại không ít giáo viên chưa thực sự giỏi nhưng vẫn muốn có danh tiếng. Họ đã tìm nhiều cách để “đánh bóng” tên tuổi của mình, lợi dụng danh tiếng “ảo” để làm nhiều điều phản giáo dục. (Cụ thể và nhiều nhất là việc lợi dụng danh tiếng để thu hút hoặc ép học sinh học thêm)

Bởi vậy, theo tôi nghĩ, trong thời gian tới ngành Giáo dục cần có những quy định, tiêu chuẩn... cho thước đo danh tiếng giáo viên. Đồng thời tạo điều kiện để nhà giáo có thể khẳng định danh tiếng của mình, thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về năng lực sư phạm, tri thức, cập nhật công nghệ thông tin để nhà giáo có thể truyền tải áp dụng trong những giờ giảng dạy của mình.

Vốn kiến thức, sự hiểu biết, sự tôn vinh của học sinh làm nên danh tiếng cho nhà giáo Ảnh: Lê Văn
Vốn kiến thức, sự hiểu biết, sự tôn vinh của học sinh làm nên danh tiếng cho nhà giáo         Ảnh: Lê Văn
 

Vậy theo ông, những tiêu chí nào người giáo viên cần có những tiêu chí nhất định nào để khẳng định “danh tiếng” của mình là thực?

Theo tôi có 3 tiêu chí nhất thiết để đánh về danh tiếng một nhà giáo là: Vốn kiến thức, sự hiểu biết khoa học cùng sự vận dụng điều đó trong các bài giảng cho học sinh hay nói một cách cụ thể đó là năng lực sư phạm. Bên cạnh đó phải biết chia sẻ, tác động đến đồng nghiệp về chuyên môn, cùng góp phần chuyên môn của mình vào tập thể để xây dựng nên một tập thể chuyên môn vững vàng. Và một tiêu chí không thể thiếu là người giáo viên ấy phải nhận được sự tôn vinh, đánh giá tốt của học trò.

Ông có cho rằng vấn đề xây dựng thương hiệu nhà trường và danh tiếng nhà giáo đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập mang ý nghĩa sống còn hơn so với các trường công lập?

Đúng vậy. Các trường ngoài công lập buộc phải khẳng định được bản thân để cạnh tranh với nhau và cả với các trường công lập để thu hút học sinh. Quá trình khẳng định thương hiệu của mình, trường ngoài công lập nào thể hiện được sự khác biệt, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng giáo dục cũng như học phí hợp lý... sẽ thu hút được học sinh vào học.

Đối với giáo viên ngoài công lập việc xây dựng danh tiếng cũng là tất yếu nếu muốn tồn tại. Bởi đằng sau họ “sợi dây bảo hiểm” so với giáo viên các trường công lập ít hơn mà đòi hỏi có khi cao hơn. Danh tiếng của họ đi liền với việc thu hút học sinh vào trường... Vì vậy cũng buộc họ phải thường xuyên cập nhật và bồi dưỡng tri thức.

 

Thưa TS, có một thực tế là người học ngày càng có xu hướng tìm đến những thầy cô giáo có danh tiếng, đến những cơ sở giáo dục có chất lượng tốt, có thương hiệu. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ đây là một xu hướng, đòi hỏi chính đáng của người học hiện nay. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đi liền với những hệ lụy và những điều người học cần cân nhắc.

Về mặt hệ lụy đó là sẽ tình trạng người học cùng đổ xô đến những ngôi trường có thương hiệu trong khi đó khả năng đáp ứng của các trường này sẽ không xuể. Từ đó dẫn tới những vấn đề như “chạy trường, chạy lớp”, quá tải, và đặc biệt, nhiều trường dẫn tới tự mãn, lợi dụng thương hiệu đã có mà không chịu tự nâng cấp bản thân...

Từ đây cho thấy, nếu chúng ta không nhanh chóng nhân rộng những trường có chất lượng thực sự để thỏa mãn nhu cầu người học thì sẽ tiếp tục chứng kiến tình trạng “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra” đối với các trường học. Chỉ có sự đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường học mới tránh được việc đổ xô vào những ngôi trường có chất lượng, thương hiêu.

Còn sự cảnh báo, đó là nhiều phụ huynh đổ xô, làm nhiều cách để chạy vạy cho con vào các trường được cho là có thương hiệu nhưng không hề kiểm định lại chất lượng thực sự, hoặc xem có phù hợp với hoàn cảnh, yêu cầu của bản thân không... Thực tế, nhiều phụ huynh sau khi chạy cho con vào trường điểm, trường có thương hiệu đã tỏ ra “thất vọng”, chán nản vì thực tế không như kỳ vọng ban đầu.

Xin cám ơn TS.

Sông La

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.