Trong căn nhà nhỏ thuộc khu tập thể kề bên Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) có một người đàn ông được nhiều người biết đến như tấm gương đặc biệt "tàn nhưng không phế". Ông là Phạm Hồng Tư, thương binh 1/4, đã 30 năm nay làm nghề sửa chữa đồ điện.
Nhập ngũ trong giai đoạn cuối chiến tranh chống Mỹ, người thanh niên Phạm Hồng Tư từ miền quê trung du Vĩnh Phú (cũ) lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau ngày thống nhất, ông cùng đồng đội hành quân sang chiến trường Campuchia chiến đấu trong vai trò lính công binh. Một lần đi tiền trạm cho bộ binh trong rừng, nhóm của ông vướng phải dây mìn, quả mìn phát nổ khiến 5 người bị thương, trong đó ông Tư bị thương nặng nhất.
Giây phút quả mìn phát nổ găm mảnh đạn vào sống lưng, ông Tư chỉ kịp hét lên một tiếng gọi đồng đội rồi lịm đi. Tỉnh lại trên thùng xe tải đang băng rừng chạy về hậu tuyến với nửa người dưới tê cứng, nhìn ánh mắt ái ngại của bác sĩ và y tá, ông Tư biết cuộc đời mình đã rẽ sang một hướng khác. Một thời gian sau ông trở về miền Bắc với thương tật 93%, là thương binh hạng 1/4 và được bố trí về Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành.
Hạnh phúc đến với ông Tư từ mối tình với cô điều dưỡng kém 4 tuổi Nguyễn Thị Thanh Phương. Hai người kết hôn năm 1984, 6 năm sau sinh được một cậu con trai khỏe mạnh, càng lớn càng ngoan.
Thời gian đầu xây dựng gia đình, cuộc sống của vợ chồng ông Tư khá khó khăn, phụ cấp thương binh và đồng lương cán bộ điều dưỡng của vợ không đảm bảo được cuộc sống. Với chút ít kiến thức về điện được học khi làm lính công binh, ông tự nghiên cứu thêm sách để học cách sửa chữa đồ điện, sau đó bắt đầu nhận sửa cho bà con làng xóm.
Cơ thể đau yếu nhưng mỗi ngày ông Tư vẫn ngồi làm việc miệt mài nhiều giờ đồng hồ kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Nhờ sự chăm chỉ, ông cùng vợ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất đầu những năm 1990, nuôi dạy cậu con trai ăn học nên người.
Ở tuổi 60, sức khỏe giảm sút, không còn phải lo lắng kinh tế gia đình khi tiền phụ cấp cho thương binh đã có nhiều cải thiện, ông Tư vẫn duy trì nghề sửa điện như một thứ "văn nghệ" cho cuộc sống đỡ nhàm chán. Bất chấp những cơn đau khiến cho việc di chuyển trở nên khó khăn, ông vẫn làm việc đều đặn mỗi ngày, tuy khối lượng giảm nhiều so với trước. Cậu con trai của vợ chồng ông đã tốt nghiệp đại học và đi làm cho một doanh nghiệp viễn thông quân đội.
Nhắc đến vợ, ông Tư cho rằng đó là may mắn trời ban cho khi gặp được người phụ nữ hiền lành, chịu khó. Ông kể, 30 năm chung sống có những lúc sóng gió do khó khăn kinh tế nhưng vợ chồng luôn cùng nhìn một hướng, vợ luôn là cô điều dưỡng chăm lo cho ông từng ngày.
Chiều chiều, sau khi kết thúc công việc, ông Tư lại sang chơi với bạn bè thương binh bên trung tâm điều dưỡng. Các sinh hoạt chung đem lại cho ông và bạn bè những phút thư giãn vui vẻ.
Phút thư giãn trò chuyện của ông Tư cùng những người bạn thương binh trong Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành.
Ông Tư trở về nhà trong khu tập thể thương binh với các dãy nhà khang trang do nhà nước xây tặng. Ông tâm sự, bản thân cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại sau những gì mình đã làm được.