Hoa ban như một biểu trưng của nhiều tỉnh thuộc vùng Tây Bắc nước ta. Tại Thủ đô Hà Nội, ngày 4/6 vừa qua, để hưởng ứng “Ngày Môi trường Thế giới 5/6”, cũng đã trồng thêm 1.000 cây hoa ban dọc theo 2 bên của tuyến đường Võ Nguyên Giáp.
Không chỉ là cây bóng mát và làm cảnh, nhiều bộ phận của hoa ban như rễ, vỏ cây, lá và hoa (chế biến khô) cũng được dùng làm thuốc trị bệnh.
Hoa ban là cây loại gỗ có xuất xứ vùng Tây Bắc nước ta. Việc sử dụng hoa ban làm thuốc vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, một số nước châu Á như Ấn Độ, Nepan, Trung Quốc lại có nhiều kinh nghiệm sử dụng các bộ phận của hoa ban với mục đích chữa bệnh.
Hoa: vị nhạt, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng, kiện tỳ, táo thấp. Dùng chữa các bệnh sau:
Chữa đau bụng, lỵ và tiêu chảy: dùng nụ hoa phơi khô trong bóng râm hoặc lấy hoa tươi hay hoa đã phơi khô thêm nước đun sôi 5-7 phút, uống trước bữa ăn, mỗi sáng uống 1 lần, uống liền trong 1 tuần.
Trị viêm gan, viêm phổi, ho do phế nhiệt, viêm khí quản, viêm tiết niệu, bí tiểu tiện, phù thũng: 10 - 20g (khô) sắc uống. Hoặc có thể đem hoa nấu ăn như rau hàng ngày để trị tiêu chảy mạn tính.
Trị sốt: lấy 50g hoa đun sôi với 500ml nước trong 4 phút, chia uống ít một trong ngày, uống liên tục trong 2-3 ngày.
Lá: vị nhạt, tính bình, có tác dụng nhuận phế, chỉ khái, hoãn tả được dùng trị ho, tiểu tiện bí, tiêu chảy, dùng dưới dạng thuốc sắc với liều 10-16g (khô).
Vỏ thân hoa ban: vị chát, đắng nhẹ, có tính bình, có tác dụng kiện tỳ, táo thấp. Liều dùng 6 - 12g (khô). Vỏ thân hoa ban trị các chứng:
Tiêu hóa không tốt, đầy hơi, phân nát, lỏng, trị lao hạch, mụn nhọt, sang lở, làm thuốc bổ để hồi phục cơ thể sau ốm dậy: vỏ thân sắc uống và nấu nước rửa vết thương.
Trị lỵ amip: vỏ tươi cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài, thái mỏng, giã nát, vắt lấy nước, uống ngày 3 lần, mỗi lần 2 thìa cà phê (10ml).
Trị tiêu chảy: vỏ thân phối hợp với búp ổi, vỏ tươi cây vối rừng, đồng lượng, giã nát, vắt lấy dịch, mỗi lần uống 2 thìa cà phê, ngày 4-5 lần, cách nhau 3- 4 giờ.
Trị giun đũa: Nước ép vỏ tươi, mỗi ngày uống 4 thìa cà phê, ngày 1 lần, uống 4 ngày liền.
Bôi vào các vết thương mới bị để cho chóng lành, nhanh lên da non: vỏ thân, sau khi cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài, thái mỏng, phơi khô hoặc sao khô, tán thành bột mịn, thêm nước sạch, trộn đều thành hồ nhão.
Rễ hoa ban: vị hơi chát, mát có tác dụng chỉ huyết, kiện tỳ. Trị tiêu hóa kém, viêm dạ dày, viêm ruột cấp tính, trĩ đi ngoài ra máu... Trước khi dùng, đem rễ rửa sạch, để ráo nước, thái mỏng, phơi khô, sao vàng. Sắc uống.
Lưu ý: Ngoài cây móng bò sọc (hoa ban) nói trên còn có cây móng bò tai voi hay còn gọi là cây chân trâu (Bauhinia malabarica Roxb), thường được trồng làm cây bóng mát. Có thể dùng nụ hoa (10-20g) dưới dạng nước sắc để uống...
Nói chung, các loài móng bò phổ biến ở các nước châu Á và Đông Nam Á, chúng đều được sử dụng làm thuốc, chủ yếu về bệnh đường ruột: tiêu chảy, lỵ; hoặc bệnh ngoài da: mụn nhọt, ghẻ, lở, vết thương...