(GD&TĐ) - Tháng nào Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng có công văn đình chỉ lưu hành thuốc. Thuốc bị thu hồi bao gồm nhiều loại, từ thuốc chữa bệnh thông thường đến kháng sinh, thuốc đặc hiệu. Điều này cho thấy thuốc giả, thuốc kém chất lượng tràn lan trên thị trường và cơ quan chức năng thì chưa tìm được biện pháp nào hữu hiệu để chủ động kiểm soát.
Thuốc giả - Tác hại thật
Những thông tin về việc đình chỉ lưu hành thuốc dường như đã trở nên quen thuộc với giới kinh doanh dược phẩm. Sau khi có thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc thuốc viên nén bao phim Fixedine, lô sản xuất 7211021, hạn dùng 06-2013, số đăng ký: VN-8660-04 do Công ty Strides Arcolab Limited (Ấn Độ) sản xuất, Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm Trung ương II (Codupha) nhập khẩu, do không đạt tiêu chuẩn về chỉ tiêu độ hòa tan, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ tới 400 hộp Viagra giả, một loại thuốc hỗ trợ cường dương, đang bán rất chạy trên thị trường.
Gần đây nhất, nhiều chị em đã “khóc dở mếu dở” khi mua phải thuốc tránh thai khẩn cấp Postinor giả. Hậu quả là đã dùng thuốc nhưng vẫn mang thai. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo thuốc trị bệnh sốt rét đang bị làm giả tràn lan. Theo WHO, có 68% thuốc trị sốt rét ở các nước Lào, Việt Nam, Campuchia được phát hiện là giả và kém chất lượng.
Thuốc giả nhưng mang lại cho người tiêu dùng tác hại thật. Ảnh: V.Văn |
Theo định nghĩa của WHO, thuốc giả là sản phẩm được sản xuất và dán nhãn dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo về nguồn gốc và lai lịch sản phẩm. Điều này có thể xảy ra đối với cả biệt dược lẫn thuốc generic, các sản phẩm giả mạo có thể có dược chất sai hoặc không có dược chất, không đủ lượng dược chất hoặc bao gói giả mạo.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, thuốc giả nhưng tác hại đem lại cho con người lại là thật. Không ít bệnh nhân bị ngộ độc thuốc, làm tăng khả năng kháng thuốc, thậm chí là tử vong bởi nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lại lên đến 1/10.
10% thị trường tân dược trên thế giới là thuốc giả
Thứ trưởng Cao Minh Quang cho biết: Theo thống kê của Viện kiểm nghiệm Trung ương, số lượng thuốc giả được phát hiện trong năm 2011 tại Việt Nam là 31 mẫu trong đó 11 loại thuốc tân dược, bao gồm cả thuốc nhập khẩu và sản xuất trong nước. Thuốc giả chiếm tỷ lệ 0,09% mẫu lấy để kiểm tra chất lượng. Theo Bộ Y tế số liệu trên đây chưa bao gồm các mẫu thuốc giả mạo do công an, Quản lý thị trường phát hiện. Cũng trong năm 2011, Bộ Y tế tiến hành lấy 48.261 mẫu thuốc đã phát hiện 940 mẫu không đảm bảo chất lượng.
Thuốc giả đang là vấn nạn của toàn cầu. Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản pháp lý và triển khai các kế hoạch hành động phối hợp cùng với Bộ Công an và Hải quan trong phòng chống các vấn đề liên quan đến thuốc giả. Tuy nhiên, với lợi nhuận khổng lồ nên thuốc giả vẫn là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng sản xuất, tiêu thụ trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự tham gia của các nước trong khu vực, trên thế giới vào mạng lưới chống thuốc giả, từ đó có cái nhìn tổng thể và khoa học về thuốc giả để có biện pháp đối phó hữu hiệu.
H.Thu