Thuốc dự phòng giảm nguy cơ lâynhiễm HIV

GD&TĐ - Dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại Việt Nam chính thức được khởi động từ trung tuần tháng 6. Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long, đây là sự kiện được mong chờ, đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong chiến lược nhằm giảm các ca nhiễm HIV mới.  

Tư vấn dự phòng trước phơi nhiễm HIV
Tư vấn dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Tỉ lệ phơi nhiễm tăng lên hàng năm

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu vụ dịch đến nay, trên cả nước có 215.621 người nhiễm HIV còn sống, 88.868 người ở giai đoạn AIDS và 89.412 người nhiễm HIV đã tử vong. Còn tính riêng năm 2016, cả nước phát hiện mới khoảng 10.000 người nhiễm HIV, 6.500 người chuyển sang AIDS và có khoảng 2.000 người tử vong do AIDS.

Kết quả phân tích số trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV cho thấy nữ giới chiếm 30,2%, nhiễm qua đường tình dục chiếm 56%, nhiễm qua đường máu 34%, nhiễm do mẹ truyền sang con chiếm 2%, tỷ lệ nhiễm HIV ở nam giới tăng cao chiếm 69,8%. Về tình hình dịch HIV/AIDS; số người xét nghiệm phát hiện HIV mới tiếp tục giảm, tuy nhiên mức độ giảm không đáng kể so với cùng kỳ 2015, số tử vong ở mức 2.000 trường hợp mỗi năm và sẽ có xu hướng tăng lên ở các tỉnh dịch đã lâu năm, hơn nữa mức độ bao phủ về điều trị còn hạn chế.

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết: Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã giúp cho khoảng 450.000 người tránh không bị nhiễm HIV và cứu khoảng 150.000 người khỏi bị tử vong do AIDS. Tuy nhiên, hiện nay hình thái dịch HIV ở Việt Nam có sự thay đổi. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Việt Nam đã giảm trong nhóm người nghiện chích ma túy và phụ nữ mại dâm nhưng vẫn còn cao ở MSM và TGW, tỷ lệ nhiễm HIV ở nữ tăng nhanh, chuyển từ lây truyền qua đường máu sang lây qua đường tình dục, liên quan đến gia tăng số người nhiễm HIV trong nhóm đồng tính và vợ/bạn tình của người nghiện chích ma túy và người nhiễm HIV.

Hướng đến tính bền vững

Mặc dù, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm nhưng vẫn chưa bảo đảm tính bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh, hiệu quả. Đáng chú ý, trong số những người nhiễm HIV có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế. Bơm kim tiêm, bao cao su hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu và nay tiếp tục giảm do nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm. Điều trị Methadone mới chỉ đạt 57% chỉ tiêu được giao. Điều trị ARV mới đáp ứng được 49% số người nhiễm HIV được phát hiện. Dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận… Đây là lý do khiến số người mắc mới vẫn cao, đòi hỏi chúng ta phải tìm cách tiếp cận mới với nhóm người có nguy cơ cao.

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là dịch vụ giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống 1 viên thuốc mỗi ngày như một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp. Đây là thuốc kháng virus (ARV) chứa tenofovir. Khi một người phơi nhiễm với HIV qua quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma túy, biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV qua đường uống này có thể bảo vệ họ khỏi bị nhiễm HIV. Nếu được dùng đều đặn và thường xuyên, PrEP đã được chứng minh là sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm HIV ở những người có nguy cơ cao tới 92%.

Để tiếp cận và gây dựng niềm tin từ các nhóm đích này, PrEP được cung cấp tại cả phòng khám công và phòng khám tư, kể cả phòng khám là doanh nhiệp xã hội do chính thành viên của các nhóm cộng đồng vận hành. Các tổ chức cộng đồng đang cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm tham gia sàng lọc khách hàng để xác định xem họ có đủ điều kiện sử dụng PrEP không và chuyển gửi họ tới dịch vụ...

Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo mạnh mẽ việc sử dụng PrEP như một phần trong chiến lược dự phòng HIV kết hợp cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. Ở nước ta, việc kê đơn dùng PrEP đã được bắt đầu từ tháng 3/2017. Chương trình thí điểm sẽ được thực hiện đến tháng 9/2018. Kết quả thí điểm sẽ được sử dụng để xây dựng hướng dẫn quốc gia và cơ chế tài chính cho PrEP trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ